Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Các trường ĐH, CĐ… thờ ơ với kiểm định chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Dù đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH, kiểm định là một trong những nội dung bắt buộc các trường ĐH, CĐ phải thực hiện, nhưng đến nay, Việt Nam mới có 2 trường ĐH được kiểm định. Vì sao?

Báo cáo tự đánh giá… chưa chuẩn

Theo bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam – thì: “Sau gần nửa năm được thành lập, hiện có hơn 10 trường ĐH có nguyện vọng đăng ký tại trung tâm. Điều đáng nói là những trường đã đăng ký và cả các trường chưa đăng ký kiểm định đều mắc phải một lỗi rất dễ nhận thấy là kỹ thuật viết báo cáo đánh giá trong (hay còn gọi là báo cáo tự đánh giá) chưa chuẩn”.

Bà Nga cho hay, các trường nhầm lẫn giữa báo cáo thành tích và báo cáo tự đánh giá. Vì báo cáo tự đánh giá phải có minh chứng kèm theo. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ của các trường được tập huấn kiểm định ngày xưa đã chuyển sang công việc khác, đội ngũ mới chưa nắm được vấn đề. Chính vì vậy, các trường thường phải viết lại báo cáo tự đánh giá.

Cả nước hiện có 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục ĐH (được ban hành năm 2007) gồm 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí. 

TS. Lê Văn Hảo – Phòng Đảm bảo chất lượng và thanh tra, Trường ĐH Nha Trang – cho rằng: Ở các trường, tự đánh giá thường được xem là công việc riêng của đơn vị chuyên trách đảm bảo chất lượng. Cán bộ viên chức đơn vị chuyên trách này lại thường không ổn định công việc lâu dài, dẫn đến không tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm tự đánh giá… “Hoạt động tự đánh giá chưa trở thành hoạt động định kỳ, không được đưa vào kế hoạch năm học. Các thành viên hội đồng tự đánh giá thường không được tập huấn nhiều về đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, tự đánh giá… Chính vì vậy, báo cáo tự đánh giá thường rơi vào hạn chế viết theo kiểu báo cáo thành tích, mô tả hiện trạng không bám sát tiêu chí…”, ông  Hảo nhấn mạnh.

Cần cơ chế mạnh

Lý giải về nguyên nhân của hiện trạng này, theo bà Nga là do các trường quá bận. “Điều quan trọng nhất với các trường hiện nay là tuyển sinh. Kiểm định có khi đứng thứ hai, thứ ba. Kiểm định đã được quy định là hoạt động bắt buộc đối với các trường ĐH, CĐ trong Luật Giáo dục ĐH. Luật có, thông tư hướng dẫn có nhưng chưa có chế tài. Trường kiểm định với chưa kiểm định không khác gì nhau”,  bà Nga bức xúc.

Đồng quan điểm, GS. Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT – cho biết: “Luật Giáo dục ĐH có quy định kiểm định là một trong những nội dung bắt buộc đối với các trường ĐH nhưng chưa có một ràng buộc cụ thể cho các trường. Tôi lấy ví dụ ở Mỹ, họ để cho các trường hoàn toàn tự nguyện tham gia kiểm định hay không, không bắt buộc (trong Luật Giáo dục ĐH của Việt Nam là bắt buộc). Nhưng họ có một quy định khác ảnh hưởng gián tiếp đến quyền lợi của trường. Họ có quỹ học bổng, quỹ cho vay rất lớn. Thanh niên Mỹ muốn học ĐH thì có thể vay để học. Nhưng họ có quy định, sinh viên nào học ở những trường đã được kiểm định thì sẽ được vay. Như vậy, các trường bắt buộc phải tự nguyện kiểm định. Hoặc là họ có quỹ hiến tặng của các công ty siêu lợi nhuận, các doanh nghiệp sẽ chỉ tìm những trường được kiểm định tốt để hiến tặng”.

Ông cũng khẳng định, ở Việt Nam điều quan trọng nhất với các trường hiện nay là tuyển sinh. Và ở các trường ĐH công lập, tuyển kiểu gì cũng vẫn có người học nên các trường chưa quan tâm tới kiểm định.

“Kiểm định còn quá mới mẻ đối với các trường ĐH, CĐ của Việt Nam. Nên các trường chưa thấy vai trò của kiểm định. Khi nào kết quả kiểm định được công bố, người dân thấy được trường này tốt, trường kia chưa tốt để lựa chọn vào học thì lúc đó các trường sẽ cần tới kiểm định. Trước đây đã có một số trường kiểm định, nhưng kết quả chưa đi đến đâu nên các trường chưa tha thiết, chưa thành thói quen. Khi nào kiểm định ảnh hưởng trực tiếp đến tuyển sinh thì các trường chắc chắn sẽ quan tâm nhiều. Tôi nghĩ các trường chưa sẵn sàng là do các nguyên nhân như trên”, GS. Lâm Quang Thiệp khẳng định.

Tại cuộc họp về vấn đề tự chủ của các trường ĐH được Văn phòng Chính phủ tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Bộ GD-ĐT cần giao quyền tự chủ cho các trường, bộ sẽ kiểm soát chất lượng các trường bằng kiểm định.

PGS.TS Lê Hữu Lập – Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông –  cũng cho rằng: Nếu Bộ GD-ĐT dùng 2-3 tiêu chí trong Thông tư 32, Thông tư 57 (Thông tư về xác định chỉ tiêu tuyển sinh) thì các trường sẽ dễ dàng lách luật. Nhưng nếu bộ dùng kiểm định để đánh giá thì chắc chắn chất lượng đào tạo sẽ được nâng lên.

Thiên Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)