Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các trường ĐH, CĐ trước thềm năm học 2008-2009: Sẽ nâng mức học phí ?

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Không phải ngẫu nhiên, năm học 2008-2009, các trường ĐH, CĐ trên cả nước xác định đây là năm “Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục”. Việc đổi mới ra sao, lộ trình thế nào đã được Bộ GD-ĐT thông báo cụ thể tại hội nghị tổng kết năm học 2007-2008 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2008-2009 được tổ chức hôm qua (27-8).

Bao giờ “thu” mới đủ “chi”?

Theo Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD-ĐT), từ năm 1998 đến nay,  học phí trong các trường ĐH công lập vẫn giữ nguyên ở mức 160.000 – 200.000 đồng/tháng, tương đương 15 USD/tháng và đây là mức học phí thuộc hàng thấp nhất thế giới hiện nay. Hệ quả kéo theo là các trường ĐH mới chỉ tự chủ được 40% kinh phí hoạt động thường xuyên. Nguồn tài chính từ học phí vài năm gần đây luôn ở dưới mức 30% tổng nguồn tài chính của GDĐH công lập. Nhưng cũng có một hệ quả nữa: đầu tư ít là nguyên nhân chính khiến chất lượng “đầu ra” của SV được các nhà tuyển dụng đánh giá thấp, tiếp đến là năng suất lao động thấp, lương thấp và cuối cùng là nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực có khoảng cách khá rõ so với các nước khác. Không thể phủ nhận những bất cập trong chính hệ thống GDĐH, vòng luẩn quẩn ấy hẳn là một nỗi lo chiến lược của nước nhà khi những thách thức thời hội nhập đang ồ ạt “chảy” vào.

Thống kê gần đây của ĐH Đà Nẵng cho thấy, trường này dành đến 80% học phí của SV chính quy cho việc chi học bổng và lương. Mỗi năm, các giảng viên của trường có khoảng 250.000 tiết giảng vượt giờ và nếu lấy từ học phí chính quy sang thì mỗi tiết dạy chỉ được trả 4.000 đồng. “May” là ĐH Đà Nẵng còn có nguồn thu từ hệ tại chức và nếu không có “nồi cơm Thạch Sanh” này thì không có nguồn thu nào khác. Câu chuyện của ĐH Đà Nẵng cũng đúng với tất cả các trường ĐH công lập khác và khi đề cập vấn đề này nhiều vị hiệu trưởng nói vui rằng họ luôn ở cảnh “giật gấu vá vai” và bao giờ “thu” mới đủ “chi” là bài toán chưa có lời giải. Trong nhiều giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH, tăng học phí là điều cần sớm được tính đến dù nền kinh tế đang có những khó khăn trong quá trình phát triển.

30% sinh viên sẽ được vay  tín dụng ưu đãi

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết, bộ đang triển khai xây dựng Đề án “Đổi mới cơ chế tài chính của GD-ĐT Việt Nam giai đoạn 2008 – 2012”, trong đó có đổi mới cơ chế tài chính của GDĐH theo hướng nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô, từng bước hình thành môi trường cạnh tranh trong đào tạo ĐH…

Bộ GD-ĐT chủ trương sẽ áp dụng nhiều chính sách học phí cho chương trình đào tạo đại trà và nâng cao. Đối với đào tạo đại trà, sẽ có mức học phí hợp lý để phần lớn SV có thể theo học, đối tượng nghèo có thể vay tín dụng ưu đãi đủ để đóng học phí và sinh hoạt phí khi học. Khung học phí sẽ chia theo 7 nhóm ngành và theo các trình độ từ hệ CĐ trở lên. Học phí do SV đóng từng bước bảo đảm chi phí thường xuyên, tiến tới bảo đảm chi phí đào tạo. Từ năm học 2008-2009, học phí bảo đảm chi phí tiền lương và các khoản có tính chất lương. Đến năm 2012, học phí trang trải được từ 55-60% chi thường xuyên. Mức học phí mới dự kiến được áp dụng từ học kỳ 2 năm học 2008-2009.

Song song với mức học phí mới (mới chỉ là dự kiến và chưa công bố chính thức) thì Nhà nước sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính cho SV. Theo đó, sẽ thay đổi phương thức thực hiện chính sách miễn học phí đối với SV ngành sư phạm hiện nay bằng cách thực hiện chính sách tín dụng SV. SV ra trường đi dạy học ít nhất 5 năm thì Nhà nước sẽ xóa nợ phần chi trả cho học phí, gồm cả gốc lẫn lãi. Khoản tiền học bổng, miễn giảm học phí được Nhà nước trả trực tiếp cho người học thông qua ngành LĐ-TB&XH. Riêng chính sách tín dụng SV tiến tới sẽ đạt mức 30% tổng SV được vay vốn. Sắp tới có thể điều chỉnh mức vay lên 1 triệu đồng/tháng, thay vì 800.000 đồng/tháng như hiện nay để phù hợp với mức tăng học phí dự kiến và chỉ số giá tiêu dùng tăng trong thời gian qua.

Trước thềm năm học mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ đề án tăng học phí và Chính phủ cũng đã nghe báo cáo hai lần. Vì đây là vấn đề nhạy cảm nên Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị, sau khi được thông qua mới ban hành…

Trà My (Theo hanoimoi.com.vn)

Bình luận (0)