Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Các trường ĐH chuẩn bị tuyển sinh: Bắc canh cánh, Nam dễ thở

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ còn đúng ba ngày nữa đến ngày thi tuyển sinh ĐH, CĐ đầu tiên của năm, trong khi các trường phía Bắc vẫn canh cánh nỗi lo, các trường phía Nam lại có vẻ dễ thở hơn.

Kỳ thi năm nay, nhiều trường ĐH phía Bắc vẫn canh cánh nỗi lo thí sinh ảo Ảnh: Phạm Yên
Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội phải thuê địa điểm với giá 200.000 đồng/phòng thi, tăng 50.000 đồng so với năm ngoái. Một cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường cho biết lý do của việc tăng giá phòng là dự báo tăng lệ phí thi.
Biết là giá quá cao nhưng rút kinh nghiệm năm ngoái bị trường khác nhảy vào trả giá cao hơn nẫng luôn địa điểm thi đã thuê, ĐH Bách khoa Hà Nội đành ngậm ngùi ký hợp đồng.
Không chỉ có giá phòng thi tăng, tiền phục lao công, bảo vệ tăng 10.000 đồng/phòng thi, tiền nước tăng 3.000 đồng/phòng cộng với rất nhiều khoản tăng giá trong mùa thi này…
ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) cũng phải thuê phòng thi với giá cao hơn 10 phần trăm so với năm ngoái. Những khoản dịch vụ khác cũng tăng với tỷ lệ tương tự.
Còn nhớ năm trước, dù không tiết lộ con số chính thức, nhưng Đại học Sư phạm Hà Nội phải bù lỗ thi tuyển sinh đến vài trăm triệu đồng, ĐH Kinh doanh & Công nghệ cho biết phải bù lỗ đến 600 triệu đồng. Dự báo, con số này sẽ còn cao hơn trong mùa tuyển sinh này.
Cán bộ coi thi ĐH Lạc Hồng nghiên cứu tài liệu hướng dẫn coi thi tuyển sinh 2009 diễn ra vào sáng 29/6. Ảnh: L.T.H
Chính vì thế, thí sinh ảo là nỗi ám ảnh của tất cả các trường đại học. Trước mùa tuyển sinh năm nay, đại diện nhiều trường đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính cho phép các trường thu lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí thi một lần để tránh tình trạng thí sinh ảo. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp thuận bất chấp giá cả leo thang.
Với tình hình nắng nóng và thời tiết bất thường như năm nay, các trường còn canh cánh nỗi lo ngập úng và mất điện. Ông Nguyễn Hữu Dư – Phó Hiệu trưởng ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) cho biết dù đã có lời hứa không cắt điện từ ngành điện, trường vẫn huy động máy phát để đảm bảo tất cả các điểm sao in đề thi, điểm đầu não của các hội đồng thi đều có nguồn điện dự phòng nếu xảy ra mất điện.
Theo ông Lê Văn Toàn – Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh & Công nghệ, trường chọn thuê điểm thi dễ tiếp cận đề phòng ngập lụt bất thường. Năm trước có một số phòng thi của trường này mất điện, trường đã xin ý kiến Bộ và giữ thí sinh ngồi tại chỗ, kéo dài thêm giờ làm bài. Để phòng ngập lụt, ĐHKHTN còn huy động 500 sinh viên tình nguyện sẵn sàng hướng dẫn hướng đi cho thí sinh để tránh muộn giờ thi.
Phía Nam: Dễ thở hơn
Năm nay, số lượng thí sinh thi đợt 2 vào ĐH Nông lâm TPHCM nhiều hơn so với đợt 1. Tuy vậy, theo đại diện trường, vì năm nay số lượng hồ sơ đăng ký vào trường ít hơn năm 2008 nên việc chuẩn bị dễ thở hơn nhiều.
Theo TS. Lê Thị Thanh Mai – Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐHQG TPHCM, chưa có thống kê chính thức nhưng sơ bộ có thể thấy số lượng thí sinh ảo sẽ ít hơn năm 2008. Cũng theo bà Mai, năm nay số lượng thí sinh thi vào ĐHQG TPHCM ít hơn năm ngoái nên việc chuẩn bị tương đối thuận lợi.
Theo ông Phạm Tấn Hạ – Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐHKHXH&NV (ĐHQG TPHCM), năm nay, trường có 13.987 thí sinh đăng ký dự thi tại ba địa điểm: TPHCM, Quy Nhơn, Cần Thơ nhưng công việc chuẩn bị cũng đã hoàn tất. Năm nay trường có hai thí sinh khiếm thị dự thi tại Hội đồng thi trường ĐHKHXH&NV (10 – 12 Đinh Tiên Hoàng). Cả hai thí sinh này đều học tại các Trung tâm GDTX.
Năm nay, dù số lượng thí sinh đăng ký dự vào ĐH Bách khoa TPHCM, trường thành viên khác của ĐHQG TPHCM, tăng so với năm 2008 (11.000 thí sinh), nhưng trường chỉ phải thuê bốn địa điểm thi vì có sẵn bốn điểm thi.
ĐH Kinh tế TPHCM là một trong những trường có lượng hồ sơ đăng ký với số lượng lớn, 35.000 hồ sơ, tăng 5.000 hồ sơ so với năm 2008. Đợt 1, trường bố trí 27 điểm thi với 665 phòng thi phục vụ 26.000 thí sinh.
Sáng 29/6, ĐH Lạc Hồng tổ chức tập huấn cho 550 cán bộ gác thi tuyển sinh năm 2009. Ths Lâm Thành Hiển – Phó Hiệu trưởng, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Lạc Hồng phổ biến những quy định về trách nhiệm của cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi, cách xử lí thí sinh dự thi vi phạm quy chế, hướng dẫn các thí sinh cách ghi phiếu trả lời trắc nghiệm…
 Song An
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, năm nay trường có khoảng 17.500 thí sinh dự thi, xấp xỉ con số năm 2008. Bởi vậy, trường cũng chỉ phải thuê 14 điểm thi. TS Nguyễn Tiến Dũng dự báo năm nay số thí sinh ảo khoảng 25  – 28 phần trăm, tương đương với các năm trước.
Ông Lâm Thành Hiển – Phó Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng, cho biết vì ở Đồng Nai không có trường ĐH nào tổ chức thi nên ĐH Lạc Hồng rất dễ dàng thuê địa điểm thi. Đợt 1, trường có năm điểm thi, đợt 2 có sáu địa điểm thi.
Do không phải cạnh tranh nên những địa điểm thuê mướn của ĐH Lạc Hồng rất gần nhau để tiện việc đi lại của thí sinh.
Hồ Thu – Đăng Khoa (TPO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)