Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các trường ĐH đừng chỉ chú trọng đầu vào

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường ĐH hiện vẫn chưa chú ý nhiều đến đầu ra nên chất lượng kỹ sư, cử nhân chưa cao. Ảnh: H.T

Những bất cập trong chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, công tác quản lý, quản trị ĐH đặt ra đòi hỏi phải đổi mới giáo dục ĐH mạnh mẽ, căn bản, toàn diện như Nghị quyết Trung ương 29 đã xác định… Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ĐH Cần Thơ, sáng 31-3.

Nêu thực tế lâu nay giáo dục ĐH chỉ chú trọng “siết chặt” đầu vào, không chú ý đúng mức tới đầu ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là nguyên nhân tạo ra tâm lý tất cả để “vượt vũ môn”, vào được ĐH là chắc chắn sẽ tốt nghiệp nên nhiều sinh viên không nỗ lực học tập. Đây cũng là một yếu tố góp phần làm giảm động lực nghiên cứu và giảng dạy của chính các thầy cô giáo. Để khắc phục tình trạng này cần tăng cường quản lý chất lượng đầu ra gắn với đánh giá, thừa nhận của xã hội, của người sử dụng lao động, của đối tác quốc tế.

Kỹ sư, cử nhân kém gây lãng phí cho cả xã hội

“Có ý kiến cho rằng để các em vào ĐH rồi lại phải lưu ban hay không tốt nghiệp sẽ là sự lãng phí lớn với nhiều gia đình, nhất là gia đình nghèo. Nhưng nếu các kỹ sư, cử nhân không đủ chất lượng, không có việc làm thì sự lãng phí đó không chỉ ở một số gia đình mà toàn xã hội”, Phó Thủ tướng phân tích.

Trò chuyện với sinh viên ĐH Cần Thơ, Phó Thủ tướng chia sẻ: Đất nước không thể mãi nghèo, mãi tụt hậu. Để vượt lên, nhất định phải có đội ngũ cán bộ khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp và thực sự giỏi về cả chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm, nhất là công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm.

“Tấm bằng ĐH, thậm chí là tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ sẽ là không đủ, không ý nghĩa nếu các bạn không thực sự giỏi và không có kỹ năng tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet trở thành phổ cập, cơ hội để sinh viên học tập, nghiên cứu vô cùng thuận lợi. Đi cùng với đó là nhiều yếu tố chi phối, lôi kéo sinh viên vào những hoạt động, sinh hoạt khác, nên mỗi người phải xác định rất rõ mục tiêu học tập và kiên định thực hiện. “Sinh viên nỗ lực học tập là hàng đầu nhưng không có nghĩa là không vui chơi. Các bạn có thể và hãy sống hết mình, tham gia nhiều các hoạt động tập thể, cộng đồng. Hãy luôn tự nhủ rằng mình là sinh viên ĐH. Phải làm người tốt, phải làm người tử tế là đương nhiên, nhưng quan trọng hơn hãy tự nhủ mình học ĐH, mình phải là người có học nữa. Đừng quên điều đó trong mọi hành vi, suy nghĩ ở nhà, ở trường, ngoài xã hội”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.

“Khát” kỹ sư cơ khí nông nghiệp

Trước đó, ngày 30-3, tại ĐH Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức Hội thảo “Các ĐH kỹ thuật với sự phát triển bền vững Tây Nam bộ”.

Tại đây, các đại biểu đều cho rằng, việc ứng dụng KH-CN là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội cho vùng. PGS.TS Nguyễn Huy Bích, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM chia sẻ: ĐBSCL có mức trang bị động lực cao nhất nước nhưng 62 hộ mới có 1 máy kéo. Mức trang bị này chưa bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Hàn Quốc. Riêng khâu thu hoạch lúa, nếu cơ giới hóa để kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch xuống mức 5-6% sẽ làm tăng tương ứng giá trị 6% cho 44 triệu tấn lúa của cả nước, tạo ra giá trị tăng thêm khoảng 13.000 tỷ đồng, trong đó ĐBSCL chiếm hơn 50%. Sự phát triển chậm của cơ giới hóa khiến nhu cầu đào tạo ngành cơ khí nông nghiệp chưa cao và nhiều bất cập. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, danh sách những ngành nghề đang khát nhân lực có hàng loạt các ngành cơ khí, nhưng đây lại là nhóm ngành có tỷ lệ nguồn cung thấp nhất.

ĐH Cần Thơ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất

Qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, ĐH Cần Thơ đã đào tạo hơn 90.000 kỹ sư, cử nhân, bác sĩ hệ chính quy và hơn 40.000 kỹ sư, cử nhân hệ ngoài chính quy; hơn 6.100 thạc sĩ và tiến sĩ. Trường khởi xướng và đảm nhận chương trình đào tạo 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật sau ĐH ở nước ngoài cho 13 tỉnh, thành trong khu vực (Chương trình Mekong 1.000), đến nay đã đào tạo được 521 thạc sĩ, 54 tiến sĩ. Thời gian qua, trường có nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp cải tạo đất phèn, nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu về xử lý dịch bệnh, các giống gia súc gia cầm, chế biến bảo quản trái cây. Qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng sản lượng xuất khẩu lúa gạo, thủy sản trong vùng.

Được biết, ĐH Cần Thơ trở thành thành viên của mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) từ tháng 7-2013. Được sự phê duyệt và hỗ trợ kinh phí của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, trường đang thực hiện Dự án nâng cấp với kỳ vọng xây dựng ĐH Cần Thơ nằm trong số những trường hàng đầu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2022.

Dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho trường vì có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo, giai đoạn từ 2010-2011 đến 2014-2015.

Đ.Phượng 

Nông dân tham quan khu triển lãm máy cày tại Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: Đ.Phượng

Sản xuất nông nghiệp, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và công nghiệp hóa nhanh sẽ đối mặt với thiếu hụt lao động, do vậy phải tiến hành cơ giới hóa. Muốn phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phải đào tạo kỹ sư, tuy nhiên ngành cơ khí nói chung, cơ khí phục vụ nông nghiệp và nông thôn nói riêng, là ngành ít hấp dẫn (lương không cao, học tập vất vả, làm việc cực nhọc). Một số trường đã ngưng đào tạo (ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm Huế, ĐH Thái Nguyên…), hoặc rất khó khăn trong tuyển sinh. Do đó rất cần một chính sách học bổng hợp lý từ ngân sách thông qua điều tiết chung từ nhiều nguồn khác nhau ở tầm vĩ mô, kết hợp các chính sách phù hợp khác để thu hút sinh viên. Nhà nước cần thực hiện chính sách đồng bộ như: hỗ trợ nông dân phát triển, tăng thu nhập; khuyến khích đầu tư vào các dự án sản xuất máy cơ khí và hỗ trợ những cơ sở chế tạo máy nông nghiệp; Thành lập lại hệ thống các trung tâm nghiên cứu và dịch vụ kỹ thuật cơ khí hóa nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm như ĐBSCL, miền Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng… vừa đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa phục vụ nông thôn, xây dựng nông thôn mới, vừa là nơi làm việc cho những người làm công tác cơ giới hóa.

Đan Phượng – Đ.N

 

 

 

Bình luận (0)