Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Các trường ĐH loay hoay tiêu tiền tỷ

Tạp Chí Giáo Dục

“Đầu năm nhận tin cắt 100% chi phí thường xuyên. Cuối năm được cấp bù gần 8 tỷ đồng nhưng không được chi lương, mua ô tô, trích thưởng… Số tiền cấp bù bắt buộc phải giải ngân trong 1 tháng. "Bài toán khó" đang đặt ra với ĐH Hà Nội vào những ngày nước rút cuối năm 2008.

Giải ngân 8 tỷ/tháng, không dễ?  

Theo ông Đỗ Duy Truyền, Hiệu Phó ĐH Hà Nội, việc chi cho hết số tiền 8 tỷ đồng này không dễ vì nhà trường đã có kế hoạch chi tiêu trong năm tài chính 2008. 

Thí sinh dự thi vào ĐH Hà Nội năm 2008. Ảnh (minh họa) Nguyễn Dũng.

Không riêng Trường ĐH Hà Nội, các trường thí điểm tự chủ tài chính (ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP.HCM) đều được bổ sung kinh phí trong năm 2008.

 

Lý do cấp bổ sung có thể Bộ GD-ĐT thấy không bình thường trong việc cắt chi thường xuyên, nhưng lại không có cơ chế riêng cho các trường hoạt động.

 

Ông Truyền vừa mừng vừa lo bởi “số tiền chỉ được giải ngân trong tháng 12. Không giải ngân hết Nhà nước sẽ thu lại. Tuy nhiên, giải ngân được số tiền theo đúng yêu cầu “cải tạo các công trình xây dựng, mua sắm trang thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập” là vấn đề khó vì có những việc cần làm thì phải phụ thuộc vào thủ tục, mà làm thủ tục xong thì đã hết năm. 

Trong khi thực tế, nhà trường còn rất nhiều công trình cần cải tạo. Cụ thể, các khu nhà D1, D2, D3 (nguyên là nhà xây cho KTX từ những năm 1960) đã xuống cấp cần cải tạo thành các phòng học.

Theo tính toán của Ban Giám hiệu (BGH), tổng tiền cải tạo khu nhà đó phải đến hơn 20 tỷ đồng. Vậy nên, số tiền gần 8 tỷ đồng nếu giải ngân tháng cuối năm 2008 không hết mà Bộ cho chuyển năm sau thì hỗ trợ thêm cho nhà trường một phần kinh phí không nhỏ. Hoặc, để tiền được tiêu vào những mục tiêu hợp hơn, hiệu quả hơn, Bộ cho phép chuyển việc giải ngân sang năm tài chính 2009?

Tuy nhiên, nhận tiền thì phải lên kế hoạch giải ngân. Do đó, nhà trường đang làm tờ trình trình Bộ GD-ĐT có liệt kê một số hạng mục đã triển khai trong năm có trích từ một số nguồn vốn hợp pháp để cải tạo 1 số nhà KTX, nhà ghép cấp 4 để làm KTX cho sinh viên (SV), nâng cấp nhà khách chuyên gia phục vụ cho SV nước ngoài… Nếu Bộ đồng ý thì kinh phí được giải ngân hợp lệ, còn “bí” quá thì sẽ dùng mua sắm trang thiết bị, ông Truyền tính toán.

 

Đủ sức trả lương gấp 4-5 lần, nhưng không được?

 

Tiền nhận cấp bổ sung không được trả lương giáo viên, không mua ô tô, trích thưởng… là 1 ví dụ mới nhất ông Truyền dẫn dụ cho chính sách “giao tự chủ” nhưng trường không được “tự quyết”.

 

Trong gần 5 năm tự chủ tài chính (từ 2004 đến nay) nhà trường cũng không có “xáo trộn” về trả lương giáo viên vì vẫn tuân thủ theo các quy định của Nhà nước.  

"Về chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ nên để các trường tự quyết. Với những trường có trách nhiệm, muốn xây dựng thương hiệu thì sẽ không tuyển ồ ạt để chất lượng đào tạo bị mai một. Do vậy, nên giao quyền tự chủ càng sâu cho các trường thì tăng trách nhiệm cho BGH" – ông Truyền đề xuất.

Cụ thể, đối với "trường tự chủ một phần" thì không được trả quá gấp 2 lần lương cơ bản (540.000 đồng/người/tháng). "Trường tự chủ 100%" lại được trả lương không quá 3 lần lương cơ bản.

Hiện, Trường ĐH Hà Nội đang áp dụng trả lương không quá 3 lần. Mặc dù, có thể trả lương tăng gấp 4 lần nhưng trường không dám “chơi trội” vì sợ “phạm luật” phá vỡ quy định chung.

Còn việc thí điểm Hiệu trưởng được quyết trả lương giáo viên thì mới là chủ trương chứ chưa có hướng dẫn cụ thể. Muốn làm được, Nhà nước phải “bật đèn xanh”, có những văn bản pháp quy  thì các trường mới có cơ sở thực hiện.

 "Muốn trả lương giáo viên gấp 4 lần, lương trưởng khoa gấp 5 lần cơ bản thì cũng không làm được vì không được phép", ông Truyền nói. 

“Đối mặt” với thiếu giáo viên, “chảy máu” chất xám

 

Không được tự quyết tăng lương giáo viên dẫn đến thực trạng nhiều trường ĐH phải “đối mặt” với “chảy máu” chất xám. Theo ông Truyền, với cơ chế đãi ngộ như hiện nay rất khó để giữ chân, chứ chưa nói đến thu hút người tài về làm việc.  

 

Thực tế, đặc biệt là khu vực TP.HCM số lượng những người cán bộ có năng lực làm trong cơ quan nhà nước, giảng dạy ở các trường ĐH đã và đang có xu hướng xin thôi việc làm cho các cơ quan nước ngoài hoặc ra làm tư nhân. Trường ĐH Hà Nội cũng không ngoại lệ – ông Truyền nhìn nhận.

 

Mấy năm gần đây, đã 6 giáo viên bỏ việc. Hiện tại, BGH cũng đã nhận hồ sơ của 1 giáo viên tiếng Anh rất có năng lực đệ đơn thôi việc. Giáo viên này không chỉ giỏi tiếng Anh mà còn "cứng" về chuyên môn. Trường cũng sẽ cố gắng thuyết phục, nhưng không đặt điều kiện tăng lương.

 

Vẫn theo ông Truyền, với những giáo viên giỏi về chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ, học ở nước ngoài về cũng hưởng lương như tất cả giáo viên khác, không có ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên, để tăng thu nhập và tâm huyết với nghề BGH thường để họ tham gia các dự án liên kết đào tạo.

 

Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch Phạm Lê Thu Nga xác nhận, 100% giáo viên của khoa đều học ở các nước Austraylia, Anh, Mỹ, Singapore về và hưởng lương theo quy định của Nhà nước. 

 

Do đặc thù đòi hỏi giáo viên không chỉ dạy ngoại ngữ mà các môn khác đều dạy bằng ngoại ngữ nên đến nay, tất cả các khoa đều thiếu. Ông Truyền cho biết thêm, một giáo viên của trường hiện “cõng” trên 30 SV. Riêng các khoa đang triển khai giảng dạy bằng tiếng Anh thiếu rất nhiều giáo viên gồm Quản trị Kinh doanh, Du lịch, Quốc tế học, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, Khoa học máy tính…

 

Cơ sở vật chất tạm thời đáp ứng được, tuy nhiên vẫn thiếu và chưa chuẩn – ông Truyền nhìn nhận. Chương trình đào tạo vẫn tuân thủ chương trình khung quy định của Bộ nhưng có áp dụng nhiều chương trình quốc tế. Chính vì vậy nên trường mở ra nhiều chương trình đào tạo liên thông 3+1: ba năm học ở Việt Nam và 1 năm học nước bạn và nước bạn (Anh, NewZeland, Austraylia…) cấp bằng như Quản trị Kinh doanh, Du lịch, Quốc tế học, Tài chính, Kế toán – Ngân hàng.

 

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Phan Công Nghĩa: “Tự chủ phải có quyền”

 

“Nhưng hiện chỉ bị cắt thôi chứ chẳng có quyền gì cả. Ví như: nếu giao cho trường tự chủ tài chính thì có nghĩa Nhà nước không cho anh ăn nữa mà phải tự làm để nuôi. Vậy phải để cho trường sản xuất cái gì?, bán hàng này bao nhiêu nên để trường quyết định?

 

Trường ĐH Kinh tế quốc dân – chất lượng ai cũng bảo cao, nhưng học phí không được tăng, kinh phí không có hỗ trợ mà chất lượng đòi hỏi phải nâng cao là mâu thuẫn. Đã là tự chủ thì phải để trường quyết định. Giống như trong gia đình, con đã trưởng thành thì phải để chúng tự lo.

 

Tất cả những mâu thuẫn đó nó sẽ cản trở việc nâng chất lượng đào tạo… Vì chi phí cho 1 sinh viên giờ khác trước. Nếu tính được thì Bộ GD-ĐT đã thuyết phục cho tăng học phí từ lâu rồi.

 

Nên giao cho trường ĐH trách nhiệm và nghĩa vụ như thế nào thì phải có quyền tương ứng. Thực tế, nói chưa giao tự chủ thì cũng không đúng nhưng giao đã đủ chưa thì chưa đủ. Trong các văn bản, điều lệ… có giao cho Hiệu trưởng các quyền nhưng chưa đủ. Ngay đến giờ, một cái “nhãn sản phẩm” là cái phôi bằng thì vẫn chưa có trường nào được làm hết.

 

Trong khi đó, cách đây 2 năm – Bộ trưởng có nói “riêng 14 trường ĐH trọng điểm sẽ giao cho các trường quyền ít và phát phôi bằng cho SV tốt nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa giao”. Hoặc, việc duyệt chỉ tiêu ngoài ngân sách nhưng bất hợp lý ở chỗ: đầu vào của trường thường cao, nếu Nhà nước cho chỉ tiêu ngoài ngân sách sớm thì số sinh viên có điểm lân cận sẽ vào được trường. Nhưng, thực tế SV chờ mỏi cổ vẫn chưa thấy tín hiệu được tuyển chỉ tiêu ngoài ngân sách nên họ đã… chạy đi nộp NV2,3 trường khác rồi”.

 Tùng Linh (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)