Bộ GDĐT đã yêu cầu bắt buộc các trường ĐH phải công bố chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều trường thừa nhận, làm để cho có chứ chưa phải là thực chất.
Chỉ là hình thức
Mặc dù yêu cầu phải công bố chuẩn đầu ra đã được đặt ra từ những năm 2008 – 2009 nhưng rất ít trường thực hiện.
Đến năm 2010 vừa qua, sau khi Bộ quyết liệt yêu cầu các trường phải công bố ở học kỳ II năm học 2009 -2010 thì các trường mới hối hả thực hiện. Và đương nhiên làm cấp tập trong thời gian ngắn như vậy thì chỉ có thể đạt được ở mức độ hình thức.
Lãnh đạo một số trường ĐH thừa nhận, theo đúng quy trình, để xây dựng được chuẩn đầu ra, nhà trường phải tuân thủ nhiều bước như xây dựng dự thảo, hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, nhà tuyển dụng lao động, cựu sinh viên… Sau đó, phải công bố dự thảo chuẩn đầu ra trên trang web của trường để lấy ý kiến. Để làm được hết các bước như vậy phải mất vài năm, trong khi thời gian của Bộ chỉ cho từ 1-2 năm nên các trường chỉ có thể làm sơ sài gọi là có.
Thêm vào đó, các trường cũng gặp phải không ít khó khăn khi thực hiện đúng theo yêu cầu của chuẩn đầu ra. Theo ông Nguyễn Văn Thư, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, đã công bố chuẩn đầu ra thì phải thực hiện được, nhưng nếu công bố chuẩn đầu ra đúng với thực lực đào tạo của trường thì có thể xã hội lại không chấp nhận vì cho rằng thấp, còn đưa ra tiêu chuẩn quá cao thì thành hứa hão.
Hiệu trưởng một trường ĐH khác cho biết, một khó khăn nữa chính là trình độ ngoại ngữ của sinh viên. Đầu vào của sinh viên khác nhau và thấp, nhất là sinh viên khu vực nông thôn, miền núi trong khi yêu cầu về TOEIC ở mức bình thường, chấp nhận được là 500 điểm. Nhưng để đạt tiêu chuẩn này, với đầu vào thấp của sinh viên, thì cần 400-500 tiết dạy. Đó là việc hầu như không thể thực hiện được.
Ngoài ra còn các khó khăn khác như đảm bảo kỹ năng thực hành của sinh viên trong khi phòng thí nghiệm, phòng thực hành không có… Chính vì thế, rất ít trường có thể khẳng định được rằng .sSinh viên ra trường làm được gì.
Vẫn còn nhiều lúng túng
Tháng 4.2010, Bộ GDĐT đã có văn bản hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo, các trường căn cứ vào đó để xây dựng chuẩn đầu ra cho mình.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường ĐH cho biết, ngay trong hướng dẫn của Bộ cũng có những điểm chưa đúng, nhất là phân biệt giữa kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Theo đó, kỹ năng cứng được quy định bao gồm kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề. Còn kỹ năng mềm thì bao gồm cả kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học. Trong khi đó, kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề là kỹ năng mềm, còn kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học là một kỹ năng cứng.
Chính điều này đã khiến các trường lúng túng không ít khi công bố chuẩn đầu ra của mình. Nhiều trường cho hết các tiêu chí thuộc kỹ năng cơ bản như khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học… vào kỹ năng chuyên ngành; kỹ năng hoạt động nhóm, xử lý tình huống… lại cho vào kỹ năng cứng. Đã có không ít sinh viên thắc mắc, không hiểu tại sao cùng là yêu cầu về hoạt động theo nhóm, lúc thì là kỹ năng mềm, khi lại là kỹ năng chuyên ngành.
Từ thực tế đó cho thấy, việc công bố chuẩn đầu ra của các trường chỉ là hình thức và chưa có một đơn vị nào kiểm chứng những công bố đó có đúng thực chất hay không.
Lãnh đạo một số trường ĐH cho biết, có nhiều trường không dám công bố chuẩn đầu ra vì tiêu chuẩn quá thấp, và cũng không thể đòi hỏi chất lượng của các trường phải ngang nhau bởi hiện nay đang có sự phân loại và phân tầng trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.
Theo Nguyên Minh
(laodong)
Bình luận (0)