Sự kiện giáo dụcTin tức

Các trường ĐH ngoài công lập: Xin giảm “3 chung” xuống “2 chung”

Tạp Chí Giáo Dục

SV Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM trao đổi bài tại trường ngày 20-10

Hầu hết các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL) kiến nghị, sắp tới Bộ GD-ĐT nên chuyển đổi kỳ thi tuyển sinh theo phương án “3 chung” thành “2 chung” để tạo thuận lợi cho các đơn vị trong việc đảm bảo đủ chỉ tiêu, rồi dần tiến tới bỏ hẳn.

Cụ thể kiến nghị, tại kỳ thi năm tới, các ĐH-CĐ sẽ tổ chức chung đề, chung đợt, còn vấn đề điểm sàn các trường xin tự chủ động.
“Còn chung là còn… chuyện”
Năm ngoái, với tình hình tuyển sinh hết sức khó khăn, Hiệp hội các trường ĐH – CĐ NCL đã từng đề xuất bộ kéo giãn thời gian xét tuyển và chuyển chỉ tiêu hệ ĐH cho hệ CĐ nhưng cũng không cải thiện được tình thế bởi vướng vấn đề cạn nguồn tuyển. Năm nay, khó khăn này đã lặp lại và các đơn vị lại tiếp tục “kêu” bộ cho phép nới hạn tuyển sinh đến hết tháng 12-2011, đồng thời xét tuyển cả khối B cho nhóm ngành kinh tế do số dôi của nguồn tuyển khối này khá nhiều.
Ngày 20-10, tại hội nghị bàn về đổi mới tuyển sinh do Hiệp hội các trường ĐH – CĐ NCL tổ chức, GS.TS Trần Hồng Quân (Chủ tịch Hiệp hội) nhìn nhận, năm 2011, tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn ngành tăng 6,5%, trong khi đề thi khó và bộ vẫn quyết tâm không hạ điểm sàn; nhiều trường công lập đã tuyển ở mức sát sàn mà vẫn thiếu, các trường NCL càng thiếu hụt trầm trọng nguồn tuyển. GS.TS Quân còn nêu thực tế, không chỉ nhiều ngành rơi vào thế phải ngừng đào tạo mà có đến 7 trường cũng đứng trước nguy cơ đóng cửa do có quá ít sinh viên. PGS.TS Phạm Bá Phong (Hiệu trưởng Trường ĐH Yersin Đà Lạt) đơn cử, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm tại trường từ 1.000 đến 1.300. Từ năm 2009 đến nay, trường chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu cho mỗi năm. Số lượng sinh viên của trường từ năm 2009 cũng giảm khoảng một nửa và khả năng giảm có thể còn kéo dài.
Các trường cho rằng, cần có lộ trình cải tiến, đổi mới tuyển sinh, theo hướng chuyển từ thi theo phương án “3 chung” xuống còn “2 chung” rồi dần dần bỏ hẳn. Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM Nguyễn Minh Đức khẳng định, còn chung là còn chuyện, nhưng bỏ hẳn “ba chung” cần có lộ trình cụ thể. Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Kinh tế – Kỹ thuật Bình Dương Lê Hồng Minh cũng đồng tình: “Nếu bỏ “3 chung” phải quy định sử dụng điểm thi tốt nghiệp phổ thông làm điểm chuẩn để tuyển vào các trường ĐH. Đồng thời, cần phân tầng để tránh tình trạng mạnh trường nào trường đó làm. Nếu bỏ “3 chung” mà thiếu quy định cụ thể sẽ gây… lộn xộn gấp nhiều lần và các trường NCL sẽ có nguy cơ phá sản nhanh hơn”.
Đầu tư có trọng điểm
Song song với việc dần đi đến xóa bỏ “3 chung”, nhiều ý kiến cũng theo hướng dồn đầu tư cho giáo dục phổ thông. Theo ông Lê Hồng Minh, Nhà nước chỉ nên đầu tư và bao cấp cho giáo dục phổ thông để nâng cao chất lượng nguồn tuyển, bậc ĐH không phải mất công đào tạo lại. Thực tế hiện nay, bậc ĐH phải đào tạo lại nhiều kiến thức khối phổ thông cho các em. Bên cạnh đó, đầu tư cho giáo dục ĐH cần có trọng điểm, theo hướng nghiên cứu. Tập trung đầu tư cho ít SV nhưng mức độ xứng đáng, hướng đến chất lượng. Ông Nguyễn Minh Đức nêu thêm, thay vì tập trung cho kỳ thi ĐH, nên tập trung cho kỳ thi phổ thông, kết quả thi phổ thông của các em có thể sử dụng để theo học các hệ trung cấp, hệ nghề… trên toàn quốc. Đơn vị xét tuyển sẽ căn cứ lấy điểm số cao ở một trong số các môn chứ không nhất thiết phải tất cả. TS. Nguyễn Đăng Liêm (Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định) cũng đồng tình, nếu tăng quyền tự trị ĐH cho các trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chính các đơn vị được chủ động tổ chức thi hoặc xét tuyển. Việc xác định đào tạo THPT thực sự đạt chất lượng thì các trường ĐH, CĐ sẽ yên tâm xét tuyển trên cơ sở kết quả thi tốt nghiệp. Đối với các trường ĐH như Y khoa, Bách khoa… cần chọn những sinh viên có năng lực thật sự thì có quyền tổ chức thi. TS. Vũ Thị Phương Anh (Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL) đồng tình với vấn đề dần xóa bỏ “3 chung” để nâng cao tự chủ tuyển sinh cho các trường, bởi theo bà điểm sàn hiện đã không còn khoa học, khi học sinh đã tốt nghiệp phổ thông đồng nghĩa đã vượt qua được ngưỡng sàn rồi.
Bài, ảnh: Mê Tâm

Nên để các trường tự cân đối chỉ tiêu
Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến Nguyễn Mộng Hùng nêu thực tế, có thời gian các trường vượt chỉ tiêu hệ CĐ mà không đạt chỉ tiêu ĐH trong khi số lượng chỗ học cho hệ ĐH là rất nhiều. Do đó, nên giao tổng chỉ tiêu ĐH, CĐ lẫn hệ liên thông cho các trường từ đó các đơn vị linh hoạt tự cân đối tuyển sinh, không nên quy định “cứng” với chỉ tiêu giao cho từng ngành gây khó công tác xét tuyển và đào tạo.

 

Bình luận (0)