Nhiều trường ĐH đã cùng ngồi lại tính chuyện sử dụng nguồn lực chung là kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM làm phương thức tuyển sinh, nhằm giảm áp lực cho học sinh cũng như phù hợp với mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Theo đánh giá, việc dùng chung kết quả kỳ thi riêng là cần thiết và phù hợp với xu hướng hiện nay (ảnh minh họa)
Phù hợp với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018
GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhìn nhận, trong công tác tuyển sinh ĐH hiện nay, nhiều giả định về chuyên môn đang được đặt ra: Phương thức tuyển sinh nào khách quan khi học bạ đang được cố gắng sáng hơn; học sinh tốt nghiệp nhưng kiến thức, kỹ năng cơ bản chưa đồng đều hay có phần bị lệch; tuyển sinh ĐH sẽ tuyển người có kiến thức hay tư duy, năng lực; công cụ đánh giá trong các kỳ thi có khách quan, công bằng; nhiều hay ít kỳ thi đánh giá năng lực là phù hợp và tạo cơ hội cho học sinh; công tác tuyển sinh ĐH có thực sự được tự chủ tuyển sinh đúng nghĩa… Ông Sơn đánh giá, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt được Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chuẩn bị trong 5 năm với một chuỗi nhiệm vụ đặt hàng. Năm 2022, trường bắt đầu tổ chức với khoảng 2.000 học sinh tham gia với các bài thi toán, lý, hóa, sinh, văn, tiếng Anh. Kỳ thi được thực hiện trên máy tính, tiếp cận với định hướng đổi mới công tác khảo thí, tận dụng công nghệ, có tính phân loại cao và đánh giá được năng lực của học sinh trong các lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Đặc biệt, việc xây dựng bài thi đánh giá năng lực và cả phẩm chất được tích hợp đã được trường chuẩn bị để đáp ứng Chương trình GDPT 2018, đảm bảo đến năm 2025 sẽ là công cụ đánh giá phù hợp với chương trình.
Nói về việc lãng phí nguồn tài nguyên hiện nay khi các trường, nhất là các trường đào tạo sư phạm đang tổ chức thành nhiều đợt thi năng khiếu riêng, ông Sơn nêu ví dụ, học sinh hiện đang phải sáng thi mầm non tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chiều thi bên Trường ĐH Sài Gòn, kế đó lại chạy qua Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM… “Các trường hoàn toàn có quyền cùng làm với nhau về một kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tiết kiệm chi phí, giảm gánh nặng cho học sinh và đáp ứng nhu cầu tuyển sinh cho các trường”, ông Sơn đặt vấn đề.
Dùng chung là cần thiết và đúng đắn
Đại diện Trường ĐH Sư phạm Huế đánh giá, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đáp ứng được xu thế và yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu là chuẩn đầu ra của học sinh đáp ứng phẩm chất năng lực. Nếu sử dụng được thì rất tốt cho công tác tuyển sinh của trường. Vị này cho biết sẽ cân nhắc việc sử dụng chung kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM song mong muốn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho chuyên gia của Trường ĐH Sư phạm Huế cùng thiết kế, xây dựng ngân hàng câu hỏi, sử dụng nguồn nhân lực chung của hai trường để đánh giá các bộ đề. Đồng thời kiến nghị Bộ GD-ĐT không nên lập quá nhiều trung tâm đánh giá năng lực bởi nhiều quá sẽ loạn mà chỉ cần 2 đầu ở Hà Nội và TP.HCM là đủ.
Nhìn từ đơn vị phổ thông, ông Nguyễn Hồng Phúc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An) khẳng định, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt là phù hợp với công tác tuyển dụng giáo viên khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, phù hợp với mục tiêu giáo dục theo chương trình mới, bởi khi đào tạo theo hướng năng lực thì không thể tuyển sinh chỉ dựa trên kiến thức. Thời gian tới, địa phương sẽ nghiên cứu kiểm tra đánh giá học sinh trong quá trình học gắn với việc đánh giá năng lực chuyên biệt như hiện nay đào tạo. “Các trường ĐH đào tạo sư phạm nên xem xét sử dụng kết quả kỳ thi đánh gia năng lực chuyên biệt để giảm áp lực cho học sinh tham gia các kỳ thi. Ngoài ra, các trường có đào tạo môn năng khiếu cũng nên sử dụng chung kết quả kỳ thi năng khiếu. Khi tổ chức có thể tạo điểm thi ở các địa phương, tạo điều kiện cho học sinh tham gia, giảm kinh phí cho phụ huynh, học sinh…”, ông Phúc kiến nghị.
Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt phân hóa tốt hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT ThS. Nguyễn Ngọc Trung (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết, khi thực hiện đối chiếu điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt với điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả cho thấy thí sinh có điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt cũng là những em có điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng thí sinh có điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải đều có điểm cao khi thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Theo đó, bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt phân hóa tốt hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT ở nhóm thí sinh có năng lực cao. Đặc biệt, khi đối chiếu với điểm học bạ, bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt phù hợp hơn với tương quan điểm thi của học sinh THPT, điều này “rất ngạc nhiên và thú vị”. Y.Hoa
|
PGS.TS Ngô Quốc Đạt (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM) thông tin, thời gian qua trường đã chuyển đổi lộ trình đào tạo dựa trên năng lực, đi đầu là ngành y khoa với lứa sinh viên 6 năm đã ra trường. Hiện nay, trường tiếp tục đào tạo thêm 4 ngành nữa, cuốn chiếu đến năm 2025. Trường ĐH Y Dược TP.HCM được Bộ Y tế giao xây dựng ngân hàng câu hỏi cho năng lực hành nghề ngành y khoa, chắc chắn trường sẽ phải đổi mới về phương thức tuyển sinh. Ông Đạt nhìn nhận, định hướng sử dụng nguồn lực chung trong tuyển sinh là cần thiết và đúng đắn. Hiện trường mong muốn có khung pháp lý tự chủ tuyển sinh, đồng thời cũng mong muốn có thể tuyển sinh sớm, tạo điều kiện đa dạng để học sinh có những năng lực khác nhau có điều kiện vào học khối ngành sức khỏe. Trên thế giới, ở những nước tiên tiến ngay từ THPT đã có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng. “Trường ĐH Y Dược TP.HCM rất mong muốn tuyển được những sinh viên có năng lực phân tích vào học y khoa rất tốt, do đó trường quan tâm đến phần kỹ thuật trong đề thi đánh giá năng lực. Đặc biệt, phương thức tuyển sinh phải đảm bảo sự công bằng giữa nông thôn và thành thị, tránh tạo sự thiệt thòi cho học sinh nông thôn. Ngoài ra, một băn khoăn nữa là đề án về kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đã có sự đối sánh với các bộ đề thi đánh giá năng lực trong và ngoài nước hay không”, ông Đạt băn khoăn.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)