Sinh viên (SV) nào cũng muốn “tâng bốc” ngôi trường mình đang theo học (nổi tiếng nhất! đào tạo nhiều nhân tài nhất!…). Bởi theo họ, đó là cách “đánh bóng” tấm bằng nhằm kiếm được một chỗ làm ngon lành, lương cao, bổng lộc nhiều.
Đại học Oxford (Anh) luôn có tên trong số 20 trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Ảnh: I.T |
Trong thứ bậc xếp hạng các trường đại học (ĐH) trên thế giới, các trường ở Mỹ luôn đứng ở vị trí cao nhất. Theo đó, Trường ĐH Havard của Mỹ được xếp ở thứ hạng cao nhất. Tiêu chuẩn xếp hạng là số công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc mà trường công bố. Cũng theo cách xếp hạng đó. các trường ĐH ở châu Âu được xếp hạng thấp. Châu Âu chỉ có 10 trường được xếp trong số 50 trường dẫn đầu (và 32 trong số 100 trường đứng đầu) – hai trường Oxford và Cambridge có tên trong 20 trường ĐH hàng đầu. Trong khi đó, Mỹ chiếm 17 tên trong 20 trường top đầu. Cách xếp hạng trên bị chỉ trích vì chỉ chú ý đến khoa học tự nhiên mà coi thường khoa học xã hội.
Sự thật là các SV cũng chẳng biết tiêu chuẩn đánh giá công trình nghiên cứu dựa vào đâu. Ngưỡng mộ một giáo sư nổi tiếng và theo học ông ta là hai chuyện khác nhau. Nhà nghiên cứu giỏi chưa chắc đã biết truyền đạt kiến thức cho người học và ngược lại. Theo nhiều SV, tiêu chuẩn xếp hạng cần dựa vào chất lượng giảng dạy thực tế. Nhưng tiêu chuẩn đó lại càng khó xác định hơn!
Trước tình hình đó, Tạp chí Times Higher Education Supplement (THES) của Anh phối hợp với ông Quacquarelli Symonds, nhà xuất bản sách hướng dẫn giảng dạy ĐH đã đề xuất một cách xếp hạng mới cho các trường ĐH. Theo đó, họ sẽ thông báo cho dư luận bên ngoài về các trường ĐH có liên hệ, đặc biệt là ý kiến của các trường khác, và ý kiến của những nhà tuyển dụng về những SV được tuyển dụng.
Một tiêu chuẩn mới để đánh giá chất lượng của một trường ĐH là tỷ lệ giáo sư/ SV. Kết quả điều tra cho thấy: Nếu Havard lâu nay luôn ngự trị “ngai vàng” thì nay số các trường ĐH Anh trong Top 20 đã tăng lên gấp đôi.
Tuy nhiên, cách xếp hạng này cũng bị chỉ trích, do những thay đổi quan trọng mà nó tạo ra. Vì vậy, sau một sự thay đổi phương pháp luận năm 2007, Trường Kinh tế London, lâu nay được xếp vào một trong 5 trường đầu của Anh, nay tụt xuống 17 bậc, đứng thứ 59.
Hiện, có nhiều cách xếp hạng mới đang được soạn thảo. Trong số đó, phải kể đến cách xếp hạng của Liên hiệp châu Âu (UE). Những cơ sở giáo dục cao cấp xưa nhất của lục địa không còn được UE đánh giá cao nữa. UE đề nghị 5 trường ĐH trong số đó lập ra những bảng so sánh những trường ĐH có nhiệm vụ và cấu trúc giống nhau. Điều này tránh được lối so sánh khập khiễng như đem một cơ sở giáo dục nhỏ chỉ chủ yếu đào tạo đệ tam cấp khoa học kinh tế so sánh với một trường ĐH lớn nổi tiếng đào tạo kỹ sư kinh tế trình độ tú tài +3. Nếu cách xếp hạng này được đề xuất là có sức thuyết phục và khả thi, nó sẽ được công bố vào năm sau. Và nếu cách xếp hạng đó chưa hoàn chỉnh thì nó cũng có một tác dụng quan trọng đối với những trường ĐH được đánh giá cao. Theo Ellen Hazelkorn, người theo dõi vấn đề này ở Viện Kỹ thuật Dublin, tất cả phụ thuộc vào mục tiêu của công việc xếp hạng: sự xếp hạng của Trung Quốc nhằm mục tiêu nhận được các khoản tài trợ của nhà nước cho những nghiên cứu khoa học, còn sự xếp hạng của châu Âu trước hết nhắm vào việc tăng cường uy tín của các quốc gia thành viên.
Sự lẫn lộn của mục tiêu có nguy cơ dẫn đến kết quả sai lạc. Giám đốc các trường ĐH sẽ dựa vào ngôi thứ xếp hạng để nhào nặn điểm nhập học, tạo ra vẻ thành công của trường mình. Còn SV sẽ không ngừng tâng bốc trường mình để đề cao tấm bằng được cấp khi tốt nghiệp. Về phía các trường bị xếp hạng thấp một cách bất công, họ rất khó cải thiện thứ bậc của mình.
Cho đến nay, không có danh sách xếp hạng nào gọi là chính xác hoàn toàn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) thời gian qua đã bắt đầu khảo sát khả năng của các SV năm cuối tại nhiều nước khác nhau. Điều đó chắc sẽ đem lại nhiều lợi ích thực tế trong cuộc chạy đua dữ dội, đặc biệt giữa các trường ĐH hàng đầu. Điều còn lại là một sự xếp hạng chặt chẽ, tin tưởng được đối với những trường này.
Phan Thanh Quang
(Theo Corrier international số 6-2010)
Bình luận (0)