Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các trường được “ưu tiên” vẫn… thiếu trước hụt sau

Tạp Chí Giáo Dục

TS làm thủ tục tại kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH 2009. Ảnh: Mê Tâm

Năm nào cũng vậy, có những trường ĐH, CĐ luôn trong tình trạng thiếu hụt chỉ tiêu, phải đề nghị được áp dụng khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh (theo Điều 33, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT) mới mong tuyển đủ…
Theo quy định này, đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép từ 1 – 1,5 điểm, các trường đào tạo nhân lực cho địa phương: mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép 0,5 nhưng không quá 1 điểm.
Cả nước hiện có 10 trường gửi đơn trình Bộ xem xét vấn đề này, bao gồm: ĐH Tây Nguyên, ĐH Tây Đô, ĐH Yersin, ĐH Cửu Long, ĐH Quảng Bình, ĐH Phan Thiết (Bình Thuận), ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), CĐ tư thục Đức Trí (Đà Nẵng)…
Được “ưu tiên” vẫn thiếu trước hụt sau
ThS. Phan Nam (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Yersin, Lâm Đồng) cho biết, từ khi thành lập trường (2004), năm nào trường cũng áp dụng quy chế này nhưng mỗi năm trường vẫn “hụt” khoảng 20% chỉ tiêu. ThS. Phan Nam nhận định, năm nay nhà trường gặp nhiều khó khăn hơn để tuyển đủ 1.300 chỉ tiêu vì qua kết quả thi tuyển, lượng TS dưới điểm sàn rất nhiều. Ngoài ra, trường lại đặt tại một tỉnh miền núi nên ít hấp dẫn TS như các trường ĐH khác. Trong khi đó, một số ngành rất mới tại trường như kiến trúc chưa thể hút TS bằng các trường có thời gian đào tạo lâu đời. Hầu như điểm chuẩn các ngành tại trường năm nay đều giảm, riêng ngành điều dưỡng năm trước điểm trúng tuyển vào là 19, năm nay giảm đến 5 điểm. Tuy nhiên, trường vẫn có nguyện vọng được “ưu tiên” mới yên tâm tuyển đủ.
Hai năm trước, Trường CĐ tư thục Đức Trí (Đà Nẵng) đều áp dụng quy chế này, hằng năm trường vẫn chỉ đảm bảo được xấp xỉ 90% chỉ tiêu. Năm nay, để tuyển 1.500 chỉ tiêu, trường đang đề nghị được Bộ cho phép nâng mức chênh lệch giữa hai khu vực tuyển sinh kế tiếp lên 1,5 điểm mặc dù điểm chuẩn chỉ lấy ngang mức điểm sàn của Bộ. Thầy Đoàn Việt Hùng (Trưởng phòng đào tạo) cho biết, khoảng 92% SV của trường thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu xa, miền núi nên nếu không “được ưu tiên” sẽ khó mà đảm bảo đủ chỉ tiêu.
Là ĐH lớn tại khu vực Tây Nguyên, Trường ĐH Tây Nguyên (Đăk Lăk) năm nay cũng đối mặt với tình trạng khan hiếm TS, phải đề nghị được nâng mức chênh lệch điểm ưu tiên giữa các đối tượng lên 1,5 điểm. Theo thầy NguyễnVăn Hòa (Trưởng phòng đào tạo) chưa năm nào trường lại thu được những con số đáng buồn như năm nay, có ngành hàng trăm SV đăng ký dự thi nhưng không có SV nào đạt điểm sàn. Một số ngành khác, như triết học khối C chỉ 8 TS đậu, khối D1 lại không có TS nào đạt điểm sàn. Ngành chăn nuôi – thú y (khối B) dù điểm chuẩn NV1 chỉ bằng điểm sàn nhưng không TS nào đạt. Ngành kinh tế nông lâm chỉ 2 TS đậu NV1, con số này ở ngành chế biến và bảo quản nông sản (khối A) là 6. Những năm trước, các ngành sư phạm dù điểm chuẩn 18 nhưng chỉ cần lấy NV1 thôi đã đủ, ngành bác sĩ đa khoa cũng vậy (21,5 điểm). Tuy nhiên, năm nay trường phải xét tuyển NV2 cho 15 ngành với 780 chỉ tiêu.
“Nhanh chân” tập hợp TS
Nhiều trường đã phải chọn phương án xét tuyển gấp gáp để thu nhận TS. Cô Lê Thị Hà (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Võ Trường Toản – tỉnh Hậu Giang) cho biết, trường sẽ thông báo cho TS có khả năng trúng tuyển ngay khi nhận hồ sơ xét tuyển NV2 vào 25-8 để sau đó thông báo nhập học sớm và tranh thủ xét NV3. Năm nay trường phải làm như vậy nhằm tránh tình trạng như năm 2008, năm đầu tiên thành lập nên không có TS nào trúng tuyển NV1. Ngành Anh văn năm trước cũng chỉ “trụ” lại được 4 TS, trường phải vận động các em chuyển sang ngành khác. 
Ngành xây dựng tại Trường ĐH DL Cửu Long (Vĩnh Long) năm trước cũng rơi vào tình trạng tương tự khi chỉ 14 TS nhập học. Thầy Nguyễn Cao Đạt (Hiệu trưởng) tiết lộ, dù sĩ số không đủ nhưng trường vẫn phải mở lớp dạy. Rút kinh nghiệm, năm nay những ngành trúng tuyển dưới 30 TS trường sẽ vận động các em chuyển. Năm trước, 1.100 TS trúng tuyển NV1 tại trường. Năm nay con số đó chỉ 290 trong khi lượng TS dự thi vào trường đến 2.400. Tuy nhiên, theo giải thích của thầy Đạt, do năm nay tỷ lệ đậu tốt nghiệp của học sinh ĐBSCL thấp hẳn so với năm 2008. Trường dự định dành 1.400 chỉ tiêu xét tuyển NV2 và 400 NV3, nhưng phía nhà trường hiện đang lo vì có thể năm nay khó đạt chỉ tiêu.
MÊ TÂM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)