Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Các trường học cần phải chuẩn xác khi trích dẫn

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ở nhiều trường học trong cả nước, kể từ bậc mẫu giáo cho đến cả CĐ-ĐH, người ta cứ hồn nhiên trương lên biểu ngữ rất to: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, bên dưới ghi chú: “Lời Hồ Chủ tịch”. Tôi không thể hiểu nổi: các nhà giáo mà chẳng những đã không trích đúng nguyên văn câu nói của Bác Hồ, lại còn không hiểu đúng ngữ pháp tiếng Việt. Nói cách khác, họ đã trương lên một biểu ngữ vi phạm vào yêu cầu “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”!

Trước hết, cần hiểu xuất xứ lời nói trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13-9-1958, Bác Hồ đã có bài nói quan trọng về nhiệm vụ của những người thầy giáo với sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Trong bài phát biểu đó, Bác căn dặn các nhà giáo: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang”. Bài nói của Bác Hồ đăng Báo Nhân dân, số 1645, ra ngày 14-9-1958; về sau đưa vào sách “Hồ Chí Minh – Tuyển tập”, tập II, NXB Sự Thật, Hà Nội – 1980, trang 93.

Chúng ta đều biết: Bác Hồ luôn luôn quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Ngay từ năm 1947, khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, với bút danh X.Y.Z, Bác đã dành hẳn một chương (chương VI) để nói về “Chống thói ba hoa”; trong đó Bác căn dặn: “Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”. Năm 1953, Bác dạy các nhà báo và những người làm công tác tuyên truyền về “Cách viết”. Bác nhắc nhở những người cầm bút: “Phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng” và “Chớ ham dùng chữ”… Cho nên, chỉ cần chú ý một chút thôi, thì thấy ngay, không bao giờ Bác Hồ lại nói (và viết): “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”!

Nếu viết: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” mới chỉ là hai trạng ngữ, chứ chưa có chủ ngữ và vị ngữ (hai thành phần chính của câu tiếng Việt). Đây là hai bộ phận trạng ngữ chỉ điều kiện (hay nguyên nhân), không phải là một câu, cho nên ý nghĩa chưa rõ ràng, chưa xác định. Viết như thế, có thể hiểu theo hai cách sau đây:

1- “Vì lợi ích mười năm của việc trồng cây, thì chúng ta phải ra sức trồng cây gây rừng; vì lợi ích trăm năm của việc trồng người, thì chúng ta phải chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo”.

2- “Vì lợi ích mười năm thì chúng ta phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì chúng ta phải trồng người”.

 Viết như vậy, mới tạo thành câu hoàn chỉnh, bao gồm hai vế câu (tức là bộ phận câu, hay còn gọi là ngữ), mỗi bộ phận câu đều có trạng ngữ, chủ ngữ và vị ngữ. 

Song, Bác Hồ không viết (và nói) như vậy. Bác liên tưởng lợi ích của việc trồng cây với lợi ích của việc trồng người và nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Đây là một câu ghép, gồm hai vế (cách nhau bằng một dấu phẩy), mỗi vế đều có trạng ngữ, chủ ngữ ẩn (chúng ta) và vị ngữ: “trồng cây”, “trồng người”. Câu văn tiếng Việt có thể ẩn chủ ngữ, nhưng nhất định phải có vị ngữ.

Nếu viết đầy đủ, câu nói có trên có kết cấu: “Vì lợi ích mười năm thì chúng ta phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì chúng ta phải trồng người”. Nhưng, để làm cho câu văn gọn, không bị trùng lặp chủ ngữ, làm cho nội dung rõ ràng mà lại nhấn mạnh được ý nghĩa của câu nói, Bác đã bỏ chủ ngữ (chúng ta), tức là dùng hình thức chủ ngữ ẩn, nhưng Bác vẫn giữ thành phần vị ngữ “trồng cây”, “trồng người” và thêm hai chữ “thì phải” (có ý nghĩa nhắc nhở, nhấn mạnh) đứng trước vị ngữ.

Cho nên, các trường học cần phải chuẩn xác khi trích dẫn câu nói của Bác: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”!

Đào Ngc Đ
(Ging viên chính ĐH Hi Phòng)

 

Bình luận (0)