Tại cuộc tập huấn về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm diễn ra tại Nghệ An vào ngày 12.6, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết chỉ có thí sinh mới được điều chỉnh nguyện vọng, còn các trường phải thực hiện theo đề án tuyển sinh đã công bố.
Sẽ xử lý mạnh tay trường tuyển vượt chỉ tiêu
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, năm nay việc đăng ký nguyện vọng (NV) của thí sinh (TS) sớm hơn mọi năm 2 tháng để sớm ổn định tư tưởng, tập trung ôn thi tốt nhất sau khi đã xác định được mục tiêu. Để tạo điều kiện tối đa cho TS, sau khi có kết quả kỳ thi, TS được điều chỉnh NV.
Tuy nhiên, bà Phụng lưu ý, mục đích chủ yếu của việc điều chỉnh NV là giúp TS tăng cơ hội trúng tuyển, xác định lại trường đăng ký phù hợp với kết quả thi của mình, cũng là để lựa chọn những ngành phù hợp với năng lực sở trường và NV yêu thích của mình.
Bà Phụng khẳng định: “Chỉ có TS mới được điều chỉnh. Còn các trường khi đã công bố đề án tuyển sinh thì phải thực hiện cái mà mình công bố”.
|
Bà Phụng cũng khuyên các TS nếu như có điều chỉnh NV sau khi có kết quả thi cũng nên đọc kỹ đề án tuyển sinh của mỗi trường bởi trong đó cung cấp những thông tin giúp TS có cơ sở để đưa ra quyết định lựa chọn trường phù hợp nhất. Bà Phụng cho rằng tỷ lệ ảo năm nay chắc chắn sẽ thấp hơn năm 2016, vì thế các trường không thể mang các kinh nghiệm năm trước để áp dụng cho năm nay trong việc phòng “ảo”.
Các trường cũng đã tự tìm đến phối hợp với nhau, cùng tạo nhóm để xét tuyển. Hiện nay nhóm các trường phía bắc đã có 57 trường đăng ký tham gia, nhóm các trường phía nam có 72 trường. Các trường cần tránh việc gọi nhiều hơn so với chỉ tiêu (để phòng "ảo") theo kiểu lọc ảo năm ngoái, vì điều này sẽ khiến các trường đối mặt với nguy cơ tuyển vượt chỉ tiêu.
“Vì đã cung cấp cho các trường công cụ lọc "ảo", thậm chí chỉ khống chế mỗi TS chỉ được trúng tuyển một NV ưu tiên cao nhất, nên nếu năm nay các trường tuyển vượt chỉ tiêu, chắc chắn Bộ sẽ xử lý mạnh tay, kiên quyết hơn”, bà Phụng cảnh báo.
Lo lắng nhất là bảo mật đề thi
Về thanh tra, kiểm tra kỳ thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết năm nay Bộ đã thành lập 5 đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi, tới các nơi khó khăn để hỗ trợ địa phương giải pháp tháo gỡ. Bộ cũng xác định công tác thanh tra sẽ phải làm quyết liệt hơn những kỳ thi trước.
“Kỳ thi được tổ chức tại các địa phương, kết quả được sử dụng cho cả 2 mục tiêu, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng thanh tra chỉ là biện pháp cuối cùng. Quan trọng nhất là phải tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, hướng tới mục tiêu công bằng, từ các em lan tỏa tới phụ huynh và xã hội, để triệt tiêu các yếu tố phát sinh tiêu cực. Những tiêu cực nếu xảy ra sẽ bị xử lý rất nghiêm, theo quy chế và theo các quy định của pháp luật hiện hành”, ông Trinh nói.
Liên quan tới các câu hỏi về đề thi, an ninh kỳ thi, ông Trinh cho biết đến thời điểm này điều mà Bộ lo lắng nhiều nhất là khâu in sao – bảo mật đề thi vì tiềm ẩn nhiều rủi ro phức tạp, sau đó là trật tự an toàn của 36.832 phòng thi ở 2.364 điểm thi trong cả nước. Hiện đề thi đã được chuyển tới tất cả các hội đồng thi để tổ chức in sao. Địa điểm in sao đều phải được cách ly 3 vòng, có cán bộ an ninh bảo vệ nghiêm ngặt. Các địa phương cũng đã rất sáng tạo để tăng cao tính an toàn cho đề thi, chẳng hạn với đề thi các bài thi tổng hợp, có nơi in sao mỗi môn là một màu giấy khác nhau, để tránh nhầm lẫn khi xếp đề vào phong bì đựng đề thi của từng môn…
Theo ông Trinh, mỗi TS trong phòng thi có một mã đề thi riêng, nên sẽ không có chuyện quay cóp bài của nhau.
Bộ GD-ĐT cũng đã làm việc với A83 Bộ Công an trong việc phòng chống gian lận thi cử, đặc biệt trong việc phòng chống việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận.
Từ năm 2017 sẽ ổn định chính sách tuyển sinh
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng đây là năm thứ 3 trong tiến trình đổi mới tuyển sinh của cả hệ thống trường ĐH và trường CĐ nhóm ngành sư phạm. Sau mỗi năm thì một số quy định có thay đổi chút ít so với năm trước, nhưng các thay đổi đó đều hướng tới mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho TS. Những năm tiếp theo cũng sẽ có một vài thay đổi so với năm 2017 nhưng những thay đổi đó đã được nêu rõ trong quy chế, và trên một chủ trương nhất quán là các trường được tự chủ như được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tự đưa ra các điều kiện tuyển sinh, tự xác định tổ hợp, tự xác định hình thức tuyển sinh…
“Quy chế tuyển sinh năm thứ 3 đổi mới đã tương đối ổn định. Vì vậy quy chế tuyển sinh vừa ban hành năm nay sẽ giữ ổn định cho các năm tiếp theo”, bà Phụng khẳng định.
|
Quý Hiên (TNO)
Bình luận (0)