Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các trường không tăng học phí năm học tới

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa gửi công văn đề nghị các bộ ngành, địa phương, cơ sở GD-ĐT chỉ đạo các trường phải giữ nguyên học phí năm học tới như năm nay.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường không tăng học phí để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường không tăng học phí để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. ĐÀO NGỌC THẠCH

Chia sẻ gánh nặng tài chính với phụ huynh
Để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ ở nhiều địa phương thời gian vừa qua, Bộ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương về dự thảo Nghị định và báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên học phí của năm 2021 – 2022.
Từ năm học 2022 – 2023, mức học phí được điều chỉnh tăng theo lộ trình phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế để từng bước thực hiện lộ trình…
Bộ đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí. Sau khi Chính phủ duyệt ban hành nghị định thay thế Nghị định 86, các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục cần rà soát thực hiện theo đúng nghị định mới được ban hành.
Đưa vào văn bản pháp quy không tăng học phí năm học tới
Chia sẻ với báo chí, đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT, cho biết Nghị định số 86/2015/NĐ-CP đã quy định rõ khung, mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục.
Các trường ĐH công lập tự chủ thì thực hiện theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt cho từng trường. Với trường mầm non, trường phổ thông công lập, Chính phủ chỉ quy định khung học phí, còn mức thu học phí cụ thể từng năm do HĐND cấp tỉnh quy định cho từng khu vực phù hợp với điều kiện thực tế của các vùng miền của địa phương và mức tăng học phí hằng năm căn cứ theo chỉ số giá tiêu dùng do nhà nước công bố. Các trường ngoài công lập (dân lập, tư thục) thì được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo. Nhà nước không quy định khung, mức trần học phí với loại hình trường này.
Vì Nghị định 86 sẽ hết hiệu lực sau khi kết thúc năm học 2020 – 2021, nên thời gian qua Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng nghị định thay thế Nghị định 86 để áp dụng từ năm học 2021 – 2022, hiện đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
“Nghị định mới này được soạn thảo trong bối cảnh từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ ở nhiều địa phương làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và tác động đến thu nhập của người dân. Cho nên, trong dự thảo nghị định mới, Bộ đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh”, đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết.
Nghị định mới được soạn thảo trong bối cảnh dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ ở nhiều địa phương làm ảnh hưởng tác động đến thu nhập của người dân. Cho nên Bộ đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí, nhằm chia sẻ khó khăn của phụ huynh và học sinh
Đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT
Dự thảo nghị định mới đã mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bổ sung nhiều chính sách mới để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội, tập trung hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục.
Các trường công lập tự chủ tài chính học phí ra sao ?
Nghị định dự thảo lần này với nhiều chính sách mới, có ý nghĩa lớn, gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập mà quan trọng hơn còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng GD-ĐT của các cơ sở GD-ĐT công lập. Đây là điểm mới mà Nghị định 86 chưa quy định đến, nhằm đảm bảo mức thu học phí tương xứng với chất lượng GD-ĐT, đồng thời cũng mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội.
Dự thảo nghị định mới còn quy định đối với các trường công lập chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng thì thực hiện mức thu học phí không quá một mức trần nhà nước quy định, các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2 – 2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng. Chỉ các trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài thì mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội và thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trường tư cũng không được tăng học phí
Theo Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 vẫn giữ quy định các trường ngoài công lập được tự chủ quyết định mức thu học phí và về công khai mức thu học phí của Nghị định 86, nhưng bổ sung các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ngoài công lập đối với xã hội về chất lượng giáo dục đào tạo phải tương xứng với mức thu học phí; quy định mức tăng học phí tối đa mỗi năm học không quá 10% đối với giáo dục mầm non, phổ thông và không quá 15% đối với đào tạo đại học. Riêng mức thu học phí năm học 2021 – 2022 không được vượt quá mức thu năm học 2020 – 2021 đã thu do cơ sở đào tạo quy định.
Theo Quý Hiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)