Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các trường lo không có sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện các trường ĐH đang trong giai đoạn chấm thi nhưng với nhiều trường, đã bắt đầu lo nguồn tuyển không đủ hoặc ngành học không thể “hút” được thí sinh (TS). Thật ra, tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu không còn mới lạ đối với cả trường công và trường tư trong những năm trở lại đây.
Trường ngoài công lập lép vế
Theo phân bổ chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT, năm 2012, có 560.000 chỉ tiêu cho hệ ĐH, CĐ. Việc xác định điểm sàn của bộ sẽ dựa chủ yếu vào tiêu chí chỉ tiêu này để làm sao cho các trường có đủ nguồn tuyển. Tuy nhiên, trong một tấm áo quá chật, trường này duỗi thì trường khác phải co, đó là quy luật tất yếu. Năm nay, bộ chủ trương cho các trường được kéo dài tuyển sinh đến 30/11, không phân biệt nguyện vọng (NV), không nhất thiết NV sau phải cao hơn NV trước nên các trường ngoài công lập (NCL) càng lo. 
Là trường NCL nhưng tổ chức thi tuyển sinh từ những ngày đầu thành lập. Mỗi năm có khoảng 10 ngàn TS dự thi nhưng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ năm nào cũng phải tuyển đến NV2 dù chỉ tiêu cũng chỉ vài ngàn. Trường ĐH Đại Nam năm nay là năm thứ hai tổ chức thi, dù chỉ tiêu là 1.000 nhưng cả hai đợt cũng chưa được 1.000 TS dự thi. Với việc giải phóng NV như năm nay, các trường NCL bắt đầu thấy ngồi trên lửa. Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng, cho biết, việc bộ cho các trường xét tuyển nhiều lần đã đẩy các trường tư vào thế khó. Hai trường có chất lượng ngang nhau, nhưng học phí trường công chỉ bằng 2/3 trường tư, đương nhiên TS sẽ chọn trường công. Đó là chưa kể, tâm lý người dân thường sính trường công hơn nên việc các trường tư phải chịu lép vế là điều chắc chắn.  Trong khi đó, học phí rẻ, thương hiệu có rồi, các trường CL lại liên tục tăng chỉ tiêu. Đến các trường sư phạm địa phương cũng chuyển sang đào tạo đa ngành để “hút” người học. Không những thế, tại các trường CL, điểm chuẩn cũng chỉ tương đương hoặc nhích hơn điểm sàn một chút. Có những tỉnh có tới vài trường ĐH, trong đó có cả những trường công thì tất nhiên, “đất” cho trường NCL sẽ không còn. Theo phân tích của GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện đang tồn tại sự thiếu công bằng trong đối xử của Nhà nước với sinh viên. Bởi vì cùng là một công dân, nếu tôi thi vào trường CL thì được hưởng chi phí đào tạo 70% do Nhà nước cấp, nhưng thi vào trường NCL phải nộp 100% học phí, thậm chí còn hơn. Không chỉ GS. Trần Hồng Quân mà nhiều vị GS khác hiện đang đứng mũi chịu sào ở các trường NCL đều cho rằng, Nhà nước chỉ nên tập trung nguồn lực tài trợ 100% vào một số trường ĐH trọng điểm, những trường đào tạo chất lượng cao, trung tâm khoa học lớn đào tạo các lĩnh vực phục vụ công ích, công quyền, phục vụ đối tượng chính sách. 
Lo ngành không hút TS
Dù đang bị các trường NCL “tỵ” do được nhiều ưu tiên hơn nhưng với các trường CL, không phải ngành nào cũng hút được TS. Ông Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết các ngành đào tạo khoa học cơ bản của ĐH Quốc gia đang gặp rất nhiều khó khăn và thường tuyển không đủ chỉ tiêu. Như những năm trước, ngành địa chất phải chuyển TS từ địa chính sang… Ông Nhã cho biết, hiện ĐH Quốc gia Hà Nội có các ngành khó tuyển như: Khoa học đất, hải dương học, khí tượng thủy văn,  khoa học vật liệu, địa lý tự nhiên, quản lý tài nguyên và môi trường, địa kỹ thuật – địa môi trường… Ông Vũ Quang Thọ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn cũng cho biết, trường có một số ngành khó tuyển như bảo hộ lao động, quản trị nhân lực. Đây là hai ngành gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh, năm trước đã phải tuyển đến NV2. Riêng ngành xã hội học, năm nay chỉ có gần 300 TS đăng ký dự thi, nhà trường cũng dự đoán ngành này cũng sẽ phải gọi đến NV2 và cố gắng tuyển thấp nhất là được một lớp. Phân tích về nguyên nhân tại sao các ngành khó tuyển sinh, ông Thọ cho hay, đối với một sinh viên, khi lựa chọn ngành học, họ sẽ dựa vào hai tiêu chí đó là sau khi ra trường có việc làm ngay và việc làm tốt. Trong khi đó, đối với sinh viên ngành xã hội học nếu nói có được việc làm tốt thì rất khó.     
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)