Cô Nguyễn Thị Thanh Vân và các cháu lớp Mầm 1 Trường MN Tuổi Xanh
|
Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đã lan ra gần như cả nước với trên 52 ngàn ca mắc và trên 100 trường hợp tử vong. So với đại dịch cúm A/H1N1 mấy năm trước thì sự bùng phát của dịch bệnh TCM năm nay cũng chẳng thua kém gì…
Từ đầu năm 2011 đến nay, đặc biệt là từ đầu năm học 2011-2012 khá nhiều trường mầm non (MN) trong cả nước đã phải đóng cửa vì có học sinh nhiễm bệnh TCM. Tại TP.HCM, số trẻ đang học tại các trường MN mắc bệnh TCM cũng lên tới vài trăm trường hợp và 5-7 trường hợp tử vong. Đặc biệt, tháng bảy vừa qua, hàng loạt trường MN trên địa bàn Q.8 đã phải ngừng tổ chức dạy hè do có trẻ mắc và tử vong vì căn bệnh này.
Vất vả chống dịch
Từ tháng 3 đến tháng 5-2010 (học kỳ II năm học 2010-2011), tại Q.Tân Bình, TP.HCM có 6-7 trường MN có trẻ mắc bệnh TCM, trong đó có 2 trường có trẻ bị tử vong.
Trường MN Tuổi Xanh cũng không thoát khỏi “đại dịch” này. Cô Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng nhà trường kể lại: “Ngày thứ sáu phụ huynh đón bé về sớm và nói là cho bé về quê thăm ông bà. Sau đó bé bị sốt và phải nhập viện. Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết là bé bị TCM. Sau khi biết được thông tin này, ngày nào nhà trường cũng phải tổng vệ sinh bằng dung dịch cloramin B. Không chỉ có vậy, ngày nào nhà trường cũng phải tập hợp danh sách bé nghỉ học do bệnh để gửi y tế địa phương. Còn giáo viên, mỗi khi có một cháu nghỉ bệnh là phải gọi điện cho phụ huynh hỏi lý do tại sao cháu nghỉ, nếu phụ huynh nói bị bệnh thì phải hỏi bệnh gì, đã đi khám ở bệnh viện hay chưa… Thấy cô giáo hỏi nhiều, không ít phụ huynh nổi quạu: “Nghỉ có một hôm mà sao cô giáo hỏi nhiều thế?”. Tóm lại, mỗi khi có dịch bệnh là cả ban giám hiệu, giáo viên đến công nhân viên trong trường mệt rã rời. Ngày nào cũng phải hơn 6 giờ tối mới được về”.
Tại Q.8, từ đầu năm 2011 đến nay đã có hơn 10 trường MN có trẻ mắc TCM, trong đó có những trường bị “đại dịch” viếng thăm tới vài lần. Đơn cử như Trường MN 19-5, cuối năm học 2010-2011 đã có cháu bị nhiễm TCM, đầu năm học 2011-2012 lại cũng có trường hợp mắc.
Một giáo viên MN ở Q.8 cho biết, trường cô có hai trẻ mắc bệnh TCM. Theo đó, mỗi ngày khi nhận trẻ từ phụ huynh, cô vừa phải quan sát biểu hiện của trẻ, vừa phải tế nhị sờ vào mặt, tay chân của trẻ, vừa phải hỏi han phụ huynh xem tối qua ở nhà cháu ăn uống, sinh hoạt như thế nào. Mỗi khi cháu nóng sốt là phải tư vấn để phụ huynh đưa trẻ đi khám ở bệnh viện chứ không được chủ quan tự ý mua thuốc về nhà cho trẻ uống hay đi khám phòng mạch tư. “Không có dịch bệnh, chúng tôi làm việc 10 tiếng/ngày, còn có dịch thì làm việc tới 11-12 tiếng/ngày”, cô giáo này cho biết.
5 ngàn đồng mua… 1.001 thứ
Một ngày làm việc của cô Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên lớp Mầm 1 Trường MN Tuổi Xanh, Q.Tân Bình bắt đầu từ 6 giờ 30. Với thời gian 30 phút (từ 6 giờ 30 đến 7 giờ), cô phải lau nhà và đồ chơi của cháu bằng hai xô nước (nước xà bông và nước sạch). 7 giờ, cô bắt đầu đón trẻ từ phụ huynh. Đón xong là phải dẫn các bé đi rửa tay. Vì: “Các bé mới đi học nên nhiều em chưa biết rửa tay, giáo viên phải làm giùm”, cô Vân cho biết.
Trung bình mỗi ngày cô Vân phải lau sàn nhà 4 lần, rửa tay cho các cháu ít nhất là 4 lần, 1 lần khử trùng nhà vệ sinh và đồ dùng, đồ chơi của trẻ bằng nước Javel. Kinh phí để mua xà bông cho cháu rửa tay, xà bông và nước Javel cho cô Vân lau nhà, đồ chơi… được lấy từ 5 ngàn đồng vệ sinh phí mà các phụ huynh học sinh đóng hàng tháng.
Chưa hết, 5 ngàn đồng này còn phải mua giấy để các cháu lau mũi, rồi giấy vệ sinh cho các cháu. Thậm chí còn phải mua cả gas để hấp khăn, xà bông để giặt khăn của các cháu – 3 lần/ngày. Và đương nhiên, 5 ngàn đồng này còn phải làm thêm “sứ mệnh” mua dung dịch tẩy rửa để các nhân viên làm vệ sinh đồ chơi ngoài trời, hành lang, sân trường…
“Trong tháng 9 vừa qua, chỉ riêng tiền mua xà bông, giấy, dung dịch vệ sinh, nhà trường đã phải chi hết 4,9 triệu đồng. Trong khi đó tiền vệ sinh phí thu được chưa tới 2,5 triệu đồng (5 ngàn đồng/cháu, trường có gần 500 cháu). Như vậy là bội chi khoảng 2,5 triệu đồng”, cô Dung, Hiệu trưởng Trường MN Tuổi Xanh cho biết.
“Đại dịch” xuất hiện, các trường MN còn tốn một khoản kinh phí rất lớn để chi trả tiền điện, tiền nước. Cô Phạm Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng Trường MN 14, Q.3 cho biết: “Muốn làm vệ sinh thì phải có nước. Muốn có nước thì phải bơm, bơm thì tốn điện. Tóm lại, có dịch bệnh, các trường tốn đủ thứ. Dù có muốn tiết kiệm cũng khó. Nếu không tiết kiệm được thì cuối năm sẽ ảnh hưởng đến việc tăng thu nhập cho giáo viên”.
Hiện nay các trường đang hoạt động theo Nghị định 43 (tự chủ tài chính). Theo đó, ngân sách sẽ cấp cho nhà trường một khoản tiền, các trường tiết kiệm được càng nhiều thì tiền tăng thu nhập cho giáo viên càng lớn. Nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay, nếu các trường tiết kiệm thì số học sinh mắc bệnh sẽ tràn ngập.
Thu nhập của giáo viên MN đã thấp, nếu cứ để dịch bệnh TCM hoành hành và sẽ “cào cấu” vào số tiền ít ỏi này thì các cô lấy gì mà sống. Từ thực tế này, thành phố nên cho tăng mức thu vệ sinh phí từ 5 ngàn lên 15 ngàn, thậm chí là 20 ngàn đồng như ý kiến của đông đảo giáo viên và phụ huynh. Ngoài ra, ngân sách chi phòng chống dịch bệnh cũng nên chia bớt một phần cho ngành GD-ĐT chứ không nên “đổ” hết vào ngành y tế. Bởi giống như các bác sĩ, các giáo viên cũng phải chống dịch…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)