Diễn biến phức tạp của bệnh tay, chân, miệng ở trẻ em trong những ngày qua đã làm nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ ở Hà Nội hoang mang, lo lắng. Sở Giáo dục và Ðào tạo, trung tâm y tế các quận, huyện, các trường mầm non đang triển khai các biện pháp tăng cường vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe học sinh, nhằm phòng tránh dịch bệnh lây lan.
Giờ học xếp hình của Trường mầm non Khương Mai, quận Thanh Xuân (Hà Nội). ( Ảnh: TRẦN HẢI )
|
Hoang mang vì dịch bệnh
Trường Mẫu giáo số 5 quận Ba Ðình, trên địa bàn phường Ngọc Hà có tổng số 488 học sinh. Ngày thường, các cháu đều đi học đầy đủ. Nhưng từ ngày 20-9 đến nay, sau khi có thông tin cháu B.N, 3 tuổi, học sinh của trường bị chết do nhiễm vi-rút EV71 (loại vi-rút gây ra bệnh tay, chân, miệng), các phụ huynh rất lo lắng, đồng loạt cho con em mình nghỉ học. Ngày 27-9, chúng tôi có mặt ở trường, ngôi trường vắng lặng khác thường. Cả trường chỉ có 64 em đi học, mỗi lớp chỉ có lác đác gần chục học sinh.
Diễn biến phức tạp của bệnh tay, chân, miệng ở trẻ em trong những ngày qua đã làm nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ hoang mang, lo lắng. Chị Khánh Duyên (phố Pháo Ðài Láng, quận Ðống Ða) cho biết, con gái chị năm nay 3 tuổi, cháu mới đi học được nửa tháng nay tại một trường mầm non gần nhà, lớp có hơn 50 cháu. Mặc dù rất lo lắng, vì lớp đông, không biết các cô có bảo đảm vệ sinh cho các con hay không, nhưng chị vẫn phải gửi con vì cả hai vợ chồng chị đều phải đi làm, ông bà ở xa, không thể cho con ở nhà được. Cũng có con đang học mầm non, chị Loan, nhà ở khu đô thị mới Pháp Vân (quận Hoàng Mai) cho biết, sức đề kháng của cháu rất kém, nên cứ đến giai đoạn giao mùa, cháu hay bị ho, sổ mũi, cho nên chị rất lo cháu có thể nhiễm thêm bệnh tay, chân, miệng. Trên các diễn đàn dành cho cha mẹ, gia đình như webtretho, lamchame…, các câu hỏi về cách phòng, tránh, chữa bệnh tay, chân, miệng được các thành viên rất quan tâm, trao đổi sôi nổi. Chị Nguyễn Thu Hà, nhân viên Công ty TNHH Tân Ðức (quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Những thông tin về bệnh tay, chân, miệng tôi vô cùng lo lắng. Gia đình có hai cháu nhỏ từ 2 đến 5 tuổi. Những hôm các cháu hơi mệt, có tiếng ho hoặc hơi ấm ấm đầu, gia đình cũng không dám cho cháu đi học".
Mỗi ngày, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Nhi các Bệnh viện Xanh Pôn, Việt Nam-Cu Ba, Thanh Nhàn… có hàng nghìn em nhỏ được cha mẹ đưa khám, xét nghiệm bệnh tay, chân, miệng. Hành lang các bệnh viện lúc nào cũng chật cứng các vị phụ huynh bế con nhỏ, chầu chực đợi khám. Nhiều cháu chỉ hơi mẩn đỏ trên da cũng được phụ huynh đưa đến, yêu cầu bệnh viện xét nghiệm máu. Nhiều người còn đổ xô đi mua Cloramin B về tự khử khuẩn đồ dùng trong nhà. Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết hoặc để cảm thấy yên tâm hơn, đã cho chất diệt khuẩn này quá nồng độ quy định, gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chú trọng phòng bệnh
Ngay từ đầu tháng 8, trước khi nhập học, giáo viên các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn đã được trung tâm y tế các quận, huyện tổ chức tập huấn về công tác giữ vệ sinh phòng tránh các nguy cơ gây bệnh cho trẻ em. Trước tình hình dịch bệnh tay, chân, miệng có xu hướng tăng, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã chỉ đạo các trường tăng cường thiết bị y tế để kiểm tra sức khỏe cho học sinh, nhất là trẻ mầm non. Trung tâm y tế các quận, huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các bà mẹ có con dưới 5 tuổi, giáo viên các trường mẫu giáo, tiểu học… các kiến thức về bệnh tay, chân, miệng và cách phòng chống, bảo vệ sức khỏe của con em trước căn bệnh này. Các trường đều đã được phát thuốc khử trùng đầy đủ, phát các tờ rơi cung cấp thông tin phòng tránh bệnh, tăng cường sự trao đổi giữa giáo viên trực tiếp và phụ huynh học sinh để theo dõi sát sao tình hình sức khỏe các em.
Tại các trường mầm non có học sinh mắc bệnh, công tác xử lý được tiến hành triệt để. Cô Ðỗ Thị Bích Vân, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo số 5 cho biết, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã tiến hành điều tra dịch tễ, lấy 12 mẫu bệnh phẩm của người nhà bệnh nhân và của giáo viên nơi bệnh nhân theo học gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư làm xét nghiệm. Trung tâm y tế phường, quận đã xuống phun thuốc diệt khuẩn toàn bộ khuôn viên trường, xử lý nơi phát bệnh. Hằng ngày, nhà trường tiến hành tổng vệ sinh đồ chơi, bàn ghế… các lớp học bằng dung dịch sát khuẩn Cloramin B. Toàn bộ học sinh lớp C2 được nhà trường chủ động cho nghỉ học mười ngày để cách ly và theo dõi tình trạng sức khỏe. Phụ huynh có con em theo học tại lớp này đã chủ động đưa con đi xét nghiệm, hiện nay sức khỏe các em vẫn bình thường. Với các em ở lớp khác, dù đi học hay nghỉ tại nhà, cũng thường xuyên được theo dõi về tình hình sức khỏe. Cứ 4 giờ chiều hằng ngày, các bậc phụ huynh lại gọi điện thông báo cho cô giáo chủ nhiệm lớp con mình tình hình sức khỏe của cháu. Ðến nay, không có thêm học sinh nào của trường bị nhiễm bệnh.
Tại Trường mẫu giáo Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), nơi có bốn cháu cùng một lớp đều mắc bệnh tay, chân, miệng, công tác vệ sinh, kiểm tra sức khỏe các cháu được tiến hành sát sao. Mỗi buổi sáng, khi đón trẻ, các cô giáo đều kiểm tra trên thân thể trẻ có các dấu hiệu nổi đỏ bất thường hay không. Khi trẻ có dấu hiệu sốt, mệt, các cô sẽ yêu cầu gia đình đón trẻ về chăm sóc, khám chữa. Khi trẻ có giấy chứng nhận không mắc bệnh truyền nhiễm từ phía cơ sở y tế mới được đến lớp. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, từ ngày 19-9 đến nay, trường không có thêm học sinh nào mắc bệnh tay, chân, miệng. Ngoài lớp có trẻ mắc bệnh được nghỉ học, các lớp khác, các em đi học vẫn đều. Tỷ lệ học sinh nghỉ học không đáng kể.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Tính đến ngày 27-9, thành phố đã phát hiện 339 trường hợp nhiễm bệnh tay, chân, miệng, trong đó có một trường hợp chết. Số bệnh nhân mắc bệnh nằm rải rác ở 155 xã, phường thuộc 27 quận, huyện. Trung bình, mỗi tuần có thêm từ 30 đến 50 trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành y tế khẳng định dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh tay, chân, miệng, lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo yêu cầu các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn chủ động, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe của học sinh. Các trường tăng cường thiết bị y tế để kiểm tra sức khỏe cho học sinh, nhất là trẻ mầm non; quan tâm triển khai những biện pháp theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch; không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng; cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa bát; thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà-phòng, Cloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường. Các cô giáo trực tiếp trông trẻ phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, khi thấy có dấu hiệu sốt và xuất hiện nốt phỏng, báo ngay cho gia đình để đưa đi khám, điều trị kịp thời.
Theo NGUYÊN TRANG
(NDĐT)
Bình luận (0)