Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các trường Nông – Lâm – Ngư – Y: Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa xứng tầm

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT đã cùng với ĐH Nông nghiệp Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) 2006-2010 và định hướng 5 năm 2011-2015 của các trường khối Nông – Lâm – Ngư – Y. Có thể thấy, hoạt động KHCN tại các trường thuộc khối này chưa thực sự “xứng tầm” với một đất nước có tới 70% dân số làm nông nghiệp như Việt Nam hiện nay.
Lượng nhiều – chất kém
Thời gian vừa qua, xã hội đã chứng kiến những thành tựu nổi bật mà các trường thuộc khối Nông – Lâm – Ngư – Y đã đạt được trong nghiên cứu khoa học, thậm chí đã có những “sản phẩm” được bán với giá cao như giống lúa lai TH3 – 3 của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm và cộng sự Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã được chuyển nhượng với giá 10,3 tỷ đồng. Nhưng những “sản phẩm” từ những công trình nghiên cứu khoa học của các trường thực sự còn rất khiêm tốn. Theo TS. Nguyễn Tất Cảnh, Hiệu phó ĐH Nông nghiệp Hà Nội, nguồn thu từ hoạt động KHCN mới chỉ đạt 3,92% tổng nguồn thu từ các trường và chỉ đạt 26% mục tiêu do Chính phủ đề ra. Trong khi đó, theo báo cáo, trong 5 năm vừa qua, các trường thuộc khối Nông – Lâm – Ngư – Y đã có tổng số 6.611 đề tài, dự án được thực hiện, trong đó có 51 đề tài cấp nhà nước, 950 đề tài cấp bộ, 4.064 đề tài cấp cơ sở, 427 đề tài địa phương và 211 đề tài/dự án quốc tế với tổng kinh phí là 1.022.295 triệu đồng. Nhiều nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 76% đề tài và 80% kinh phí, thấp nhất là lĩnh vực y tế chỉ chiếm 3% đề tài và 2% kinh phí. Nhưng điều đáng nói, mức độ ứng dụng của các công trình còn rất khiêm tốn. Với số tiền đầu tư không nhỏ nhưng sau 5 năm chỉ có 56 tiến bộ kỹ thuật được Nhà nước công nhận. Như vậy để có 1 tiến bộ kỹ thuật ước tính bình quân phải mất 18.255,3 triệu đồng. Số công trình công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế còn ít, trung bình chỉ đạt 0,25 bài báo/người/năm….
Vẫn chuyện “kinh phí”
Tại sao lại để cho các “Hai Lúa” tự sản xuất ra các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp? Câu hỏi này được ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ NN&PTNT đặt ra tại hội nghị. Theo ông Hùng, để trả lời cho vấn đề này có một số nguyên nhân: Thứ nhất lực lượng trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghệ sau thu hoạch của ngành còn mỏng. Cơ chế chính sách còn thiếu và yếu. Trong tổ chức nghiên cứu, Bộ NN&PTNT đã trình đề án “khoán đến sản phẩm cuối cùng” nhưng vẫn chưa được thông qua. Đặc biệt vấn đề quan trọng nhất đó chính là kinh phí. Rất nhiều trường đồng tình với ý kiến này tại hội nghị. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng khoa Thú y, ĐH Nông lâm, Huế thì chất lượng đề tài nghiên cứu không cao do kinh phí thấp. Cụ thể, đối với cấp cơ sở (cấp trường) thì tại ĐH Nông lâm, Huế chỉ có 1-2 triệu đồng/đề tài/năm. Không những thế, kinh phí này phải được “giải quyết” trong một năm, nếu dây dưa, người nghiên cứu có khi còn bị “cắt” danh hiệu thi đua. TS. Nguyễn Tất Cảnh thì cho hay một trong số những khó khăn nhà trường gặp phải trong hoạt động nghiên cứu khoa học là các đề tài được phê duyệt thường chậm so với kế hoạch. Các đề tài theo yêu cầu xã hội theo cơ chế 50:50 (50% kinh phí từ cơ sở), khâu xét duyệt từ địa phương còn gặp nhiều khó khăn; không có hướng dẫn quy định rõ bộ chi 50% kinh phí cho những hoạt động nào dẫn đến rất khó cho việc thanh quyết toán và quản lý đề tài. Thêm nữa, thời gian thực hiện một số đề tài đặc thù quá ngắn nên không đạt được kết quả cuối cùng như yêu cầu. Những đề tài nối tiếp thì khó đưa ra tính mới… Còn tại báo cáo chung của 19 trường thuộc khối Nông – Lâm – Ngư – Y thì trung bình một đề tài cấp nhà nước được “rót” 2.027 triệu đồng, cấp bộ (ngoài Bộ GD-ĐT) là 222 triệu đồng, cấp bộ (Bộ GD-ĐT) là 84 triệu đồng, cấp địa phương là 429 triệu đồng, đề tài, dự án quốc tế là 2.145 triệu đồng. Chính vì kinh phí nghiên cứu từ các đề tài, dự án quốc tế cao nên các trường rất tích cực tìm nguồn từ hướng này.
Ưu tiên đề tài hướng tới 3 “Tây”
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, hoạt động nghiên cứu KHCN chưa tạo được sự tham gia đông đảo của đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ có nguyên nhân trong thời gian vừa qua, các trường đều tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước. Không những thế, nghiên cứu KHCN chưa có sự gắn kết với đào tạo. Chuyển giao công nghệ chưa đẩy mạnh. Đóng góp của nghiên cứu KHCN tại các trường chưa được cải thiện. Điều quan trọng là chưa có chế tài để xử lý những cán bộ giảng viên không tham gia nghiên cứu khoa học. Định hướng và chính sách phát triển KHCN giai đoạn 2011-2015 của các trường khối Nông – Lâm – Ngư – Y, Thứ trưởng Trần Quang Quý đề nghị các trường tập trung vào vấn đề đổi mới quản lý KHCN trong các nhà trường, thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ; vấn đề cơ chế phối hợp các hoạt động nghiên cứu khoa học liên ngành, liên trường, tập trung giải quyết các nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội. Thứ trưởng Quý cũng cho hay Bộ GD-ĐT sẽ ưu tiên kinh phí cho những đề tài nghiên cứu giải quyết những khó khăn vướng mắc tại 3 “Tây” của nước ta là Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam bộ. Đây được coi là những vùng “trũng” không chỉ trong giáo dục mà cả phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)