Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Các trường ở ĐBSCL: … lần không ra thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giống như nhiều trường ĐH, CĐ trên cả nước, mùa tuyển sinh năm 2016 đang “gây khó” cho các trường ĐH, CĐ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ trường bậc trung, mà trường tốp trên cũng đang thiếu thí sinh…

Thí sinh làm thủ tục xác nhận việc học tại Trường CĐ Cần Thơ

Năm nay Trường ĐH Y dược Cần Thơ gọi 985 thí sinh trúng tuyển cho 8 ngành đào tạo, điểm chuẩn từ 22,5 (y học dự phòng) đến 25 (y đa khoa). Lần đầu tiên kể từ khi thành lập, hết đợt 1, trường mới có 505 thí sinh đến làm thủ tục xác nhận nhập học, chỉ đạt 62%. Trong khi đó, Trường ĐH Cần Thơ có chỉ tiêu 8.200 thí sinh cho hơn 80 ngành đào tạo, và trường đã gửi giấy báo cho những thí sinh trúng tuyển, trong đó có 20 ngành lấy bằng điểm sàn (15), một số ngành điểm chuẩn giảm từ 1 đến 2 điểm… Tuy nhiên, PGS.TS Hà Thanh Toàn (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Trường phải tuyển bổ sung 1.300 chỉ tiêu, nhưng đến nay mới có hơn 640 thí sinh đăng ký, mà đợt bổ sung này thí sinh ảo sẽ nhiều hơn do mỗi em được đăng ký xét tuyển 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng”.

Đắn đo trước khi chọn ngành học

Qua thống kê của Bộ GD-ĐT về tổng điểm của các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia, và theo hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh tại nhiều trường, rõ ràng nguồn tuyển không thiếu; đặc biệt với các trường xét tuyển những thí sinh thi tại cụm địa phương, kết hợp xét học bạ. Tuy nhiên, ngoài việc năm nay các trường đều tăng chỉ tiêu đào tạo thì qua tìm hiểu của chúng tôi, các thí sinh đã có những đắn đo, cân nhắc trước khi chọn ngành theo học, trong đó yếu tố quan trọng là ra trường có dễ tìm việc làm không? Cụ thể, những ngành hot của Trường ĐH Cần Thơ đều tuyển đủ chỉ tiêu, tình trạng thiếu thí sinh rơi vào những ngành mới mở hoặc những ngành rất khó xin việc sau khi học xong, trong đó có một số ngành sư phạm (dù đa số ngành thuộc khối sư phạm của trường có điểm chuẩn rất cao, trong đó ngành sư phạm toán lấy 22,25). Bởi khi đăng ký xét tuyển, các thí sinh căn cứ vào điểm chuẩn năm trước rồi chọn ngành. Các thí sinh điểm không cao thì né những ngành có điểm chuẩn cao của năm trước. Do vậy khi trúng tuyển vào những ngành cảm thấy không ưa thích, các em từ chối nhập học.

Với lĩnh vực “Nhất y nhì dược”, tình trạng bác sĩ, dược sĩ được đào tạo quá nhiều theo nhiều dạng, từ cử tuyển, cơ chế đặc thù, đến liên thông, vô hình trung đã khiến nhiều bác sĩ hiện không tìm được việc làm thích hợp, còn dược sĩ thì cung đã vượt cầu. Em Nguyễn Khánh Vân (ở quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) thi khối B được 24,40 điểm; khối A được 24,20 điểm. Không trúng tuyển ngành y đa khoa (điểm chuẩn là 25), Vân từ chối học ngành dược và chọn ngành kỹ thuật phần mềm của Trường ĐH Cần Thơ vì xã hội đang rất cần nhân lực giỏi của ngành này. Vân chia sẻ: “Lớp em có 9 bạn đạt hơn 24 điểm khối A và B, không đủ 25 điểm vào ngành y đa khoa của Trường ĐH Y dược Cần Thơ nên các bạn chọn vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM mà không học ngành dược vì ngành này khó xin việc làm. Còn em, do cha mẹ không muốn em học xa nhà nên em chọn Trường ĐH Cần Thơ”. Rõ ràng các thí sinh đã nhận ra: Không nên cố gắng vào ĐH bằng mọi giá, để sau 4-5 năm ra trường không có việc làm. Nhiều cử nhân, kỹ sư phải giấu bằng đi làm công nhân, hoặc học TCCN để dễ kiếm việc làm.

Trường nghề bên bờ vực “phá sản”

Ông Nguyễn Quốc Vững (chuyên viên tư vấn việc làm thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.Cần Thơ) nhận định: “Hiện nay nhiều thông tin được minh bạch, trong đó có việc hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Và tình trạng liên thông ngược (ĐH đi học TC) đã khá phổ biến. Điều này cũng hợp lý vì trong tuyển dụng, các công ty cần 100 công nhân thì chỉ cần khoảng 3 kỹ sư, 1 kế toán, 1 nhân viên quan hệ công chúng. Như vậy việc thành lập quá nhiều trường ĐH, tuyển sinh rộng rãi, hạ điểm chuẩn và đào tạo quá nhiều đã dẫn đến cung vượt cầu, chưa nói đến chất lượng đào tạo có vấn đề, vì ai vào ĐH cũng tốt nghiệp, dù học không ra gì, thi cử quay cóp nên thất nghiệp là tất yếu…”.

Theo chúng tôi, đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều thí sinh từ chối nhập học ĐH khi trúng tuyển các ngành không ưa thích, không hợp khả năng, hoặc cảm thấy không có tương lai. Điều này được chứng minh trong đợt 1 xét tuyển: Rất nhiều thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên đã chọn các trường CĐ. Đơn cử là Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ. Năm nay trường có 1.500 chỉ tiêu cho 21 ngành đào tạo bậc CĐ. Hết đợt 1, hơn 80% thí sinh trúng tuyển đã đến làm thủ tục xác nhận học, trong đó 310 em có tổng điểm từ 15 trở lên. Thí sinh cao điểm nhất là Trần Thị Thanh Nhí (ở xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đạt 22 điểm các môn toán, lý, hóa Thanh Nhí chọn học ngành kinh doanh quốc tế vì: “Xu hướng hiện nay học ĐH rất khó kiếm việc làm. Học CĐ đóng học phí ít, thời gian học ngắn lại dễ kiếm việc làm”.

Cũng liên quan đến vấn đề tuyển sinh, trong khi thợ đang rất thiếu, nhất là thợ giỏi, thì việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm chuẩn bậc CĐ; kèm theo đó nhiều trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng bằng cách xét học bạ đã khiến các trường TCCN và trường nghề ở đồng bằng sông Cửu Long đang tiến tới bờ vực phá sản vì không có người học. Và mục tiêu phân luồng sau THCS chỉ là hướng phấn đấu của các trường phổ thông và các sở GD-ĐT.

Trở lại vấn đề “Thí sinh ĐH đang ở đâu?”, ông Nguyễn Quốc Vững cho rằng: “Đây là tín hiệu đáng mừng. Quy luật khách quan sẽ tự điều chỉnh các giá trị cuộc sống theo hướng tích cực. Theo ý kiến của tôi, mong các trường ĐH không nên hạ điểm chuẩn xét tuyển để có người học bằng mọi giá, vì sẽ khiến việc tuyển sinh càng lộn xộn và bất công cho những thí sinh của đợt 1. Hãy để thí sinh tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Các trường nên tuyển sinh viên có năng lực để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường”.

Bài, ảnh: Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)