Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các trường phải khắc phục tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là chỉ đạo của TS. Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) TP.Cần Thơ, tại hội nghị (HN) tổ chức ngày 24-8-2021: Đánh giá kết quả triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp I –  Tổng kết năm học 2020 – 2021, và Triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học (GDTH).


Một tiết dạy ở lớp I – chương trình GDPT 2018

Năm học 2020-2021, TP.Cần Thơ có 180 cơ sở GDTH. Tổng số học sinh (HS) tiểu học là 99.664, theo học tại 3.034 lớp. Bước vào năm học với nhiều khó khăn, trong đó có việc do dịch bệnh Covid-19, HS lớp 1 hầu như không được học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi, và không có 2 tuần để giáo viên (GV) tổ chức các hoạt động giúp các em  làm quen nền nếp, tạo tâm thế sẵn sàng vào học như những năm trước (do tất cả các khối lớp đều tập trung vào học sau ngày khai giảng 5-9-2020).

Ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng GDTH, Sở GD-ĐT, cho biết: “Quá trình dạy chương trình GDPT 2018, đối với một số ngữ liệu chưa phù hợp trong sách giáo khoa (SGK), các GV  thông qua sinh hoạt chuyên môn đã chủ động trao đổi để lựa chọn ngữ liệu tương đương, gần gũi với đời sống để giảng dạy cho HS. Trong năm học, Sở GD-ĐT chưa nhận được phản ánh khó khăn nào về việc dạy và học các môn học lớp 1, đặc biệt là môn tiếng Việt lớp I, bộ Cánh Diều”.

Đối với lớp 2, 3, 4 và 5, các phòng GD-ĐT giao quyền chủ động cho các cơ sở GDTH xây dựng và thực hiện kế hoạch GD theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS. Hầu hết các cơ sở GD Tiểu học tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả GD, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động GD trên lớp, áp dụng GD STEM và STEAM. Nhiều cơ sở GDTH đẩy mạnh ứng dụng cộng nghệ thông tin, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của HS để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, giúp GV có nhiều thời gian quan tâm đến HS và đổi mới phương pháp dạy học.


Tiến sĩ Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) TP Cần Thơ, chỉ đạo kết luận

Ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng GDTH, Sở GD-ĐT, thẳng thắn: “Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng chất lượng GD vẫn còn khoảng cách giữa các vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Tỉ lệ HS lớp 1, lớp 2 được làm quen với môn tự chọn tin học của Cần Thơ mới đạt 6,48%; Đối với môn tiếng Anh là 72,47%. Có huyện, hầu hết trường tiểu học không có GV Tin học do không  có biên chế, nếu có chỉ là hợp đồng. Khi được giao biên chế thì không có GV đăng ký tuyển dụng… Mạng lưới trường lớp ở vài địa phương tuy cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy nhưng về qui mô phát triển lâu dài chưa thật sự đảm bảo tính bền vững. Việc tổ chức cung ứng thiết bị danh mục đồ dùng tối thiểu cho lớp I theo Thông tư 05/2019/TT-BGD ĐT trong năm học chưa kịp thời, khiến các nhà trường gặp khó khăn trong dạy và học…”.

Phát biểu chỉ đạo, TS. Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, đề nghị các trường chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, và GV. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học và chủ động có các phương án, kịch bản để thích ứng với tác động của dịch Covid-19, phù hợp thực tiễn và điều kiện thực tế của người học: “Xây dựng nhà trường để tất cả HS đều hạnh phúc, tự hào về trường mình và cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Không so sánh việc học tập, rèn luyện của em này với em khác mà giúp các em phát huy năng lực, phẩm chất. Tránh tình trạng khen HS tràn lan. Tích cực tổ chức phụ đạo số HS chưa hoàn thành chương trình nhưng sẵn sàng để các em học lại một năm nữa nếu vẫn chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng. Các trường phải khắc phục tình trạng HS ngồi nhầm lớp, và cố gắng đảm bảo 100% HS có đủ SGK; Cần chuẩn bị một số SGK và quần áo, dụng cụ học tập để hỗ trợ những HS khó khăn, vì có nhiều phụ huynh mất việc làm vì đại dịch, không thể lo cho con đầy đủ trong năm học mới. Hiện nay cấp tiểu học không có chủ trương dạy trực tuyến, nhưng các phòng GD-ĐT và các trường quan tâm nghiên cứu những  mô hình dạy học trực tuyến phù hợp với HS tiểu học và điều kiện thực tiễn của nhà trường; Từng bước áp dụng để đến năm học 2024-2025, hình thức dạy này sẽ mang tính khả thi và trở thành một trong những phương pháp dạy ở cấp Tiểu học…” – TS. Nguyễn Phúc Tăng nhấn mạnh.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)