Năm nay, Bộ GD-ĐT chủ trương khuyến khích các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia lập nhóm để cùng tuyển sinh.
Hiện một số trường cũng đã thảo luận, bàn bạc để tạo nhóm và theo các trường, điều này sẽ có lợi cho thí sinh hơn.
Lập nhóm chống ảo
Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ mà Bộ đang lấy ý kiến, tuyển sinh đợt 1 năm nay mỗi thí sinh (TS) sẽ được đăng ký xét tuyển đồng thời tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành (nguyện vọng). Nếu quy định này chính thức ban hành, các trường sẽ phải đối mặt với vấn đề TS “ảo”.
Hiện Bộ đang tiến hành thiết kế phần mềm kho dữ liệu chung. Tuy bài toán giúp các trường chống ảo đã được đặt ra, nhưng việc đưa ra một chế tài bắt buộc các trường phải “liên thông” dữ liệu tuyển sinh của mình với kho dữ liệu chung này là khó khi mà cũng chính Bộ đặt mục tiêu nâng cao tính tự chủ trong tuyển sinh của các trường.
Để giải quyết vấn đề này, một số trường có ý tưởng tạo nhóm, lập chung một kho dữ liệu tuyển sinh để cùng sử dụng nhằm chống ảo, trong đó Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ đóng vai trò chủ trì.
Cuộc trao đổi đầu tiên lập nhóm diễn ra vào giữa tháng 2, ngoài Trường ĐH Bách khoa Hà Nội còn có đại diện phòng đào tạo các trường ĐH: Xây dựng, Giao thông vận tải, Mỏ – Địa chất, Thủy lợi, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân.
PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết chính ông đang soạn dự thảo tuyển sinh của một nhóm trường. Theo đó, tất cả những trường là thành viên của nhóm sẽ tạo một kho dữ liệu xét tuyển chung và dùng chung một phần mềm xét tuyển. “Lý tưởng nhất là nhóm có khoảng 10 – 15 thành viên, gồm những trường có mức điểm tuyển các năm trước tương đương nhau, có thể có trường cao hơn chút đỉnh, miễn là đừng trường nào lấy ngang “sàn” của Bộ. Có thể sẽ phải có một đầu mối tập hợp dữ liệu hồ sơ xét tuyển của tất cả các trường. Nhóm sẽ tạo một phần mềm xét tuyển cho tất cả các trường. Từ kho dữ liệu chung và căn cứ vào tiêu chí xét tuyển của từng trường, mỗi trường sẽ tự tính để xác định điểm chuẩn cho mình”, ông Điền nói.
Thí sinh sẽ hưởng nhiều lợi thế ?
Cũng theo ông Điền, nội dung đề án cố gắng hướng tới đảm bảo lợi ích cân bằng của tất cả những trường tham gia. Đề án không chỉ giúp các trường chống ảo mà còn mang lại chất lượng nguồn tuyển phù hợp nhất với từng trường.
Ngoài ra, đề án sẽ tận dụng tối đa những quy định có lợi cho TS trong quy chế của Bộ. Chẳng hạn, nếu quy chế quy định mỗi TS được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường 2 ngành thì có thể hiểu TS được tối đa 4 nguyện vọng. Nhưng khi vận dụng để xét tuyển theo nhóm, có thể TS sẽ được xét tuyển tối đa tới 3 hoặc 4 trường (mà vẫn đảm bảo chỉ tối đa 4 ngành).
Một lợi ích nữa là TS dễ… đỗ hơn. “Vì tránh được ảo nên điểm chuẩn các trường đưa ra sẽ là điểm thực. Nếu không có giải pháp tránh ảo, nhiều trường có thể sẽ phải đặt điểm chuẩn cho một ngành nào đó cao lên, trong khi thực ra chỉ tuyển được 70% vào, vẫn thiếu 30% do ảo. Vì điểm chuẩn cao do ảo, nhiều TS có kết quả sát điểm chuẩn đó vẫn bị trượt nhưng khi điểm chuẩn được xác định nhờ lượng TS thật thì TS có cơ hội đỗ đúng nguyện vọng cao hơn”, ông Điền giải thích.
Tuy số lượng trường đăng ký xét tuyển nhiều hơn nhưng theo cách này, nếu tham gia xét tuyển theo nhóm, TS sẽ không thể xét tuyển các trường khác ngoài nhóm.
Lợi ích nào cho các trường ?
Theo cán bộ đào tạo một trường ĐH nhóm ngành kinh tế, với những trường lớn (nhiều chỉ tiêu), có các ngành đào tạo mà sức hấp dẫn cao thì việc tham gia nhóm có thể mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, với những trường nhỏ, nếu không tìm hiểu kỹ thì sẽ tự chuốc thêm khó khăn vào mình trong cuộc chạy đua để tuyển sinh này khi mà bao nhiêu TS điểm cao sẽ bị các trường lớn “hớt” hết.
“Băn khoăn lớn nhất là nhóm sẽ xét điểm chuẩn thế nào? Tất cả thành viên trong nhóm có ngồi cùng nhau để xét không hay mạnh trường nào trường nấy cứ thế đếm từ cao xuống cho đủ chỉ tiêu để định điểm chuẩn? Chỉ cần một vài trường hơi “lỏng” tay chút khi xác định điểm chuẩn là đã ảnh hưởng tới các trường khác trong nhóm. Chẳng hạn trường A là một trường lớn, nếu họ lấy điểm chuẩn là 23 thì có thể không ảnh hưởng lắm tới những trường dưới nhưng chỉ cần họ hạ tiếp 0,5 điểm tình hình sẽ rất khác”, đại diện một trường phân tích.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết: “Trường có 2 nhóm ngành: ngôn ngữ và kinh tế. Với nhóm ngành ngôn ngữ, ngoài Trường ĐH Ngoại thương, TS còn nhắm tới các trường như ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Với các nhóm ngành kinh tế, trường sẽ chung nguồn tuyển với các trường ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Thương mại… Vì năm nay, số nguyện vọng của TS bị hạn chế nên nếu tham gia nhóm, chúng tôi sẽ chỉ được chọn nguồn tuyển trong nhóm. Nếu nhóm có đủ cả các trường khối kinh tế và khối ngôn ngữ thì trường sẽ có lợi khi tham gia. Còn nếu không, trường phải suy tính”.
Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Đào tạo, Học viện Tài chính, cũng bày tỏ: “Vướng mắc hàng đầu mà theo tôi, chủ trì nhóm phải giải đáp cho các thành viên là họ sẽ giải quyết vấn đề công nghệ thông tin trong xét tuyển như thế nào? TS trượt trường A thì liệu phần mềm xử lý có tự động chuyển sang trường B để xét hay rồi TS lại phải chạy nháo nhào từ trường nọ sang trường kia như năm ngoái? Phải có công cụ xử lý rồi thì mới ngồi bàn tiếp với nhau được. Nếu không thì vỡ trận, khổ TS, khổ cả người làm, dân người ta kêu”.
Quý Hiên (TNO)
Bình luận (0)