Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Các trường sư phạm đang “thị trường hóa”

Tạp Chí Giáo Dục

Tính đến nay, cả nước chỉ còn khoảng 30 trường CĐ sư phạm địa phương, thế nhưng nhiều trường trong số này đang phải tuyển sinh số ngành ngoài sư phạm cao hơn, thậm chí gấp đôi so với số ngành sư phạm
Tỉ lệ tuyển sinh số ngành ngoài sư phạm ở Trường CĐ sư phạm Thừa Thiên – Huế là 16/8, ở Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu là 8/4, còn Trường CĐ Sư phạm Kon Tum là 6/3… Ngay những trường ĐH sư phạm lớn cũng đang dần dần bị đa ngành hóa.
Chẳng hạn như Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm nay tuyển sinh 31 ngành thì có đến 12 ngành ngoài sư phạm; hay như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tuyển sinh 22 ngành thì có đến 11 ngành ngoài sư phạm; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển sinh 31 ngành thì có 8 ngành ngoài sư phạm.
Cạn nguồn tuyển
Theo ông Lê Văn Dờn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh (nguyên hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trà Vinh), cho biết do nguồn tuyển sinh ngày càng giảm, nhất là các ngành thuộc khối tự nhiên, dẫn tới lãng phí cơ sở vật chất, giảng viên… nên trường buộc phải sáp nhập với Trường ĐH Trà Vinh để tồn tại.
Cũng theo ông Dờn, 3 – 4 năm gần đây, trường phải chấm dứt tuyển sinh các ngành toán, lý, hóa, sinh, tin học mà chỉ tuyển 2 ngành sư phạm là giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; trong tổng số 8 ngành mà Trường CĐ Sư phạm Trà Vinh thông báo tuyển sinh đầu tháng 4 năm nay thì đã có đến 6 ngành là ngoài sư phạm.
Ông Phạm Vũ Luật, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, cho rằng có nhiều lý do khiến các trường CĐ sư phạm địa phương muốn chuyển đổi sang hướng đào tạo đa ngành.
Thí sinh trong một kỳ thi tuyển vào Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM
Một phần do trong những năm gần đây, số lượng giáo viên ở các cơ sở đã đi vào ổn định; phụ huynh, học sinh cũng không mấy mặn mà với sư phạm khi lương giáo viên không cao; một nguyên nhân quan trọng nữa là do việc tuyển dụng giáo viên ở các trường theo lối khép kín, tức là không có chuyện nơi thừa điều hòa cho nơi thiếu, nếu có việc điều hòa thì lại là điều giáo viên cấp này lấp chỗ trống cho cấp kia… Chính vì thế nên việc tuyển sinh các ngành sư phạm ở trường CĐ sư phạm càng khó khăn hơn.
Bà Lê Thị Hoa, Phó hiệu trưởng Trường CĐ sư phạm Thừa Thiên-Huế, cho rằng do kinh phí địa phương eo hẹp nên việc hình thành trường CĐ đa ngành sẽ phù hợp hơn, vừa tận dụng được nguồn lực cơ sở vật chất, giảng viên… vừa tăng nguồn tuyển. Theo bà Hoa, việc đổi tên trường thành trường CĐ đa ngành sẽ phù hợp hơn. Mặc dù là trường sư phạm nhưng CĐ sư phạm Thừa Thiên – Huế đang đào tạo số ngành ngoài sư phạm cao gấp đôi số ngành sư phạm.

Trong khoảng 10 năm qua, rất nhiều trường CĐ sư phạm địa phương (như CĐ Sư phạm Bắc Kạn, CĐ Sư phạm Hải Dương, CĐ Sư phạm Vĩnh Phúc, CĐ Sư phạm Bình Định, CĐ Sư phạm Cần Thơ…) đã phải lần lượt chuyển đổi thành CĐ đa ngành. Ngay như Trường CĐ Sư phạm Thừa Thiên-Huế được thành lập từ năm 1976 và hoạt động hiệu quả liên tục nhưng hiện cũng đang chờ duyệt để chuyển đổi tên trường.
Ông Luật cho biết việc các trường chuyển đổi sang đào tạo đa ngành là giải pháp để khắc phục khó khăn hiện nay. Thậm chí, có địa phương chọn phương án nâng cấp trường CĐ sư phạm thành ĐH đa ngành trong khi trường đó vẫn còn “non”. “Đây chỉ là giải pháp tạm thời chứ về lâu dài, để đào tạo giáo viên bảo đảm chất lượng thì các trường sư phạm vẫn phải giữ chức năng chính của mình” – ông Luật nhấn mạnh.
Đa ngành để tồn tại
Theo PGS-TS Trần Hữu Tá, nguyên chủ nhiệm Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM, sở dĩ hệ thống các trường sư phạm được “đẻ” ra ào ạt, hào hứng cách đây ba thập kỷ nhưng đến nay số đông lâm vào tình trạng “suy dinh dưỡng” là vì việc “chăm nuôi” quá kém.
Cơ sở, phòng ốc của nhiều trường CĐ sư phạm tồi tàn, trang thiết bị lạc hậu, đội ngũ giáo viên được tập hợp thiếu chọn lọc, thiếu chuẩn bị về cả tinh thần, tư tưởng lẫn chuyên môn nghiệp vụ và không được một chút ưu đãi nào về vật chất thì làm sao có thể yêu cầu họ yên tâm, phấn khởi? PGS-TS Trần Hữu Tá băn khoăn rằng liệu đã đến lúc phát lệnh báo động đỏ hay chưa trước cảnh tuyển sinh hiu hắt của các trường sư phạm, cả ĐH và CĐ; nhiều khoa số thí sinh chỉ bằng1/2, thậm chí 1/4 chỉ tiêu tuyển chọn, có khoa tạm thời đóng cửa vì không có học trò.
GS-TSKH Lê Ngọc Trà, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục TPHCM, cũng từng cho rằng mọi cuộc cải cách giáo dục nếu không bắt đầu từ các trường sư phạm thì sẽ kém hiệu quả; phải xem đầu tư cho các trường sư phạm là đầu tư cho cải cách giáo dục chứ không phải đầu tư cho ĐH, CĐ bình thường. Nếu giáo dục không phải là hàng hóa thì đào tạo giáo viên càng không thể là lĩnh vực mang tính chất thị trường.
Và trong thực tế, các trường sư phạm đang phải “thị trường hóa” theo hướng đào tạo đa ngành để tồn tại.
Theo Minh Quyên
(NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)