Sự kiện giáo dụcTin tức

Các trường tiếp tục “gồng gánh” vì học phí không tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 26-7, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có công văn số 1974 về thu, sử dụng học phí, tiền cơ sở vật chất, thu khác năm học 2011-2012 gửi các đơn vị trường học. Theo đó các khoản thu học phí, tiền cơ sở vật chất và thu khác của năm học này vẫn giữ ở mức của 13 năm về trước.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2010-2011 và triển khai nhiệm vụ năm học 2011-2012 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vừa qua, nhiều trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện cho rằng, cần phải có một cơ chế riêng đối với hoạt động dịch vụ như hoạt động bán trú, vệ sinh phí trong khu vực trường học. Mức thu hiện nay không chỉ lạc hậu mà còn quá vô lý.
Lương bảo mẫu không đủ ăn sáng
Xuất phát từ nhu cầu bức thiết của phụ huynh, mô hình bán trú tại các trường đã ra đời, đông nhất là bậc tiểu học. Năm 1998, theo Quyết định 750 của UBND TP, các trường được thu phí quản lý bán trú từ 20-50 ngàn đồng/tháng/HS (tùy thuộc vào cấp học, khu vực nội – ngoại thành).
Cô Trần Thị Kim Lan, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, Q.3 cho biết: “Trường tiểu học ở nội thành được thu phí phục vụ bán trú là 30 ngàn đồng/tháng/HS. Bảo mẫu được hưởng 65%, tương đương 19.500 đồng. Lớp học càng ít HS thì thu nhập của bảo mẫu càng giảm. Đối với Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, sĩ số trung bình là 35 em/lớp. Tuy nhiên chỉ có từ 25-30 em/lớp ở bán trú. Theo đó, lương của bảo mẫu khoảng 500-600 ngàn đồng/tháng”.
Với mức lương 500-600 ngàn đồng/tháng vào thời điểm năm 1998 thì bảo mẫu có thể sống được nhưng hiện nay không đủ… ăn sáng.
Để bảo mẫu không bỏ việc, cứ mỗi đầu năm học, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật lại “xin” phụ huynh hỗ trợ 20 ngàn đồng/tháng/HS để nâng thu nhập cho đội ngũ giáo viên. Tuy vậy không phải phụ huynh nào cũng “cho” nên thu nhập của bảo mẫu khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tháng.
Không chỉ riêng Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật phải “xin” tiền phụ huynh lo lương cho bảo mẫu mà nhiều trường khác cũng làm như vậy.
Cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 cho biết: “Bảo mẫu rất cực, làm việc từ 6 giờ sáng đến chiều tối mới được về. Vì vậy nếu chỉ trả lương theo mức thu 30 ngàn đồng/tháng/HS thì không bảo mẫu nào chịu làm. Nhà trường đã vận động phụ huynh hỗ trợ thêm 30 ngàn đồng, có khoảng 70% phụ huynh đóng. Theo đó lương bảo mẫu được nâng lên 1,4 triệu đồng/tháng”.
Cho dù là 1,4 triệu đồng/tháng thì mức lương này cũng chỉ bằng phân nửa lương osin. Trong khi đó trách nhiệm của bảo mẫu nặng gấp nhiều lần so với osin – Một osin chỉ chăm sóc cho một đứa trẻ nhưng một bảo mẫu phải đút cơm, ru ngủ, đón, trả từ 30-40 HS.
“Thu nhập quá thấp, bảo mẫu sẽ bỏ việc, lúc đó các trường sẽ không thể tổ chức bán trú mà chỉ dạy 2 buổi/ngày. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến phụ huynh, thậm chí là phụ huynh sẽ không biết xoay xở ra sao. Bởi buổi trưa, phụ huynh phải đi rước con về nhà cho ăn uống rồi lại chở vào trường học buổi thứ 2. Một ngày, hai ngày… còn làm được, chứ năm này qua năm khác thì không thể. Vì vậy cần phải đảm bảo đời sống cho đội ngũ bảo mẫu bằng cách tăng mức thu phục vụ bán trú…”, thầy Nguyễn Văn Phú, Hiệu phó Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, Q.3 khẳng định.
Vệ sinh phí 5 ngàn đồng, dịch bệnh tràn lan
Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Tại khu vực trường học thường xuyên xảy ra những ổ dịch lớn nhỏ, ở một số trường đã có tình trạng HS tử vong. Theo nhận định của Sở Y tế TP là do công tác phòng chống dịch bệnh ở trường học còn kém.
Liệu các trường có thể làm tốt công tác phòng dịch với mức thu vệ sinh phí chỉ có 5 ngàn đồng/tháng/HS? 5 ngàn đồng này không chỉ để mua giấy vệ sinh, mua xà bông cho HS rửa tay mà còn phải mua cả thuốc khử trùng, khử khuẩn phòng chống dịch…
Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình bức xúc: “Dịch bệnh tràn lan, ban giám hiệu các trường “nhức đầu” vì chi phí chống dịch chỉ 5 ngàn đồng/tháng là không thể đủ, cần phải tăng mức thu này”.
Hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.1 cho biết: “Q.1 đã cho thu lên 10 ngàn đồng/tháng nhưng cũng không đủ. Nhiều phụ huynh nói nhà trường cứ thu cao hơn, phụ huynh đồng ý đóng thêm. Nhưng làm sao chúng tôi dám thu thêm khi UBND quận chưa cho phép”…
Trong buổi làm việc của Ban Văn hóa Xã hội – HĐND TP.HCM với UBND Q.Gò Vấp, ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp cũng rất bức xúc về những mức thu quá “khiêm tốn” này. Theo ông Tuấn, những khoản thu như phí phục vụ bán trú, vệ sinh phí, học phí buổi thứ 2 không phù hợp với nhu cầu đổi mới giáo dục cũng như tình hình biến động của thị trường hiện nay.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị: “Với khoản chi phí mang tính chất thu hộ – chi hộ như tiền vệ sinh phí, tiền ăn thì UBND các quận, huyện, UBND TP và HĐND TP nên tạo điều kiện để các trường được thu đủ bù chi”.
Và trên thực tế chỉ khi nào thu đủ bù chi thì ban giám hiệu các trường mới không còn phải “ngửa” tay xin phụ huynh hỗ trợ.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)