Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Các trường tốp trên phải tuyển bổ sung

Tạp Chí Giáo Dục

Số thí sinh xác nhận nhập học nguyện vọng (NV) 1 thấp bất ngờ khiến nhiều trường, trong đó có trường tốp trên phải tuyển NV bổ sung.

Cán bộ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM kiểm tra giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia do thí sinh nộp qua đường bưu điện. Ảnh: M.TÂM

Dù đã dự đoán trước tình hình và cân nhắc tính toán trước khi gọi nhập học nhưng con số “ảo” vẫn cao khiến nhiều trường lo sốt vó.

Bất ngờ mang tên trường y

Các trường khối y dược luôn được đánh giá là trường tốp trên và dễ tuyển sinh nhất trong các trường ĐH hiện nay. Nhưng năm nay, mọi chuyện không như mong đợi. Lãnh đạo Trường ĐH Dược Hà Nội cho biết, kết thúc đợt 1, trường tuyển được 420/600 chỉ tiêu. Tại Trường ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hinh (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết kết thúc đợt 1, trường tuyển đạt 71% so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó ngành y đa khoa còn thiếu 50 chỉ tiêu. Trường cũng đã tính dôi ra 15% so với chỉ tiêu để tránh ảo. Theo ông Hinh, khi nhận hồ sơ, riêng ngành y đa khoa, trường “cắt” từ mức điểm 27 có 485 hồ sơ. Nhưng khi nhận hồ sơ, trường nhận được 439 xác nhận đến học. Nếu tính cả số thí sinh tuyển thẳng thì ngành này vẫn thiếu 50 chỉ tiêu. Đến tối 19-8, trường chính thức công bố tuyển bổ sung đợt 1 với 200 chỉ tiêu.

Trường ĐH Y dược TP.HCM năm nay cũng bất ngờ xét tuyển bổ sung hơn 400 chỉ tiêu vào 12 ngành, trong khi hằng năm trường “chốt sổ” ngay ở NV1. Đáng nói, trường hạ điểm xét tuyển nhiều ngành để tuyển đủ thí sinh. Cụ thể, ngành răng hàm mặt xét từ 24 điểm, giảm 2 điểm so với mức trúng tuyển NV1. Ngành dược học xét nhiều nhất với 102 chỉ tiêu ở mức điểm 23,5 – thấp hơn điểm trúng tuyển NV1 gần 2 điểm. Ngành điều dưỡng xét từ 20 điểm, giảm 2,5 điểm so với mức trúng tuyển NV1. Ngành điều dưỡng (gây mê hồi sức) xét từ 20 điểm, cũng giảm gần 3 điểm.

Giảm mạnh điểm để tuyển bổ sung

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thông báo xét hơn 2.000 chỉ tiêu NV bổ sung vào 33 ngành đào tạo. Trường ĐH Tài chính – Marketing cũng xét bổ sung trên 1.000 chỉ tiêu cho hàng loạt ngành. Trong đó, nhiều ngành có sàn xét tuyển NV bổ sung thấp hơn điểm trúng tuyển NV1 tới gần 6 điểm. Cụ thể, các ngành quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, marketing cùng có điểm sàn xét tuyển bổ sung là 16, tức đã giảm từ 4,5 đến 5 điểm so với điểm trúng tuyển NV1. Ngành kinh doanh quốc tế cũng xét bổ sung từ 16 điểm, giảm gần 6 điểm so với mức điểm trúng tuyển NV1. Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM xét tuyển bổ sung gần 700 chỉ tiêu; trong đó 400 chỉ tiêu hệ ĐH, 60 chỉ tiêu cho 2 chương trình quốc tế ngành dinh dưỡng – khoa học thực phẩm và ngành công nghệ sinh học, 200 chỉ tiêu hệ CĐ với mức điểm bằng điểm trúng tuyển NV1 ở cả hai hình thức xét tuyển học bạ và điểm thi THPT quốc gia. ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo nhà trường), cho biết có khoảng 60% thí sinh xác nhận nhập học sau NV1. Trong đó, trường đã gọi trừ hao lên 138%.

Tại TP.HCM, các trường ĐH: Kinh tế, Nông lâm, Bách khoa, Giao thông vận tải, Ngân hàng có lượng thí sinh xác nhận nhập học đông. ThS. Nguyễn Văn Đương (Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo – Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết trường đã hết sức cân nhắc số lượng gọi nhập học NV1. Bởi gọi nhiều quá thì không được, mà gọi ít thì sợ không đủ do ảo lớn. Dựa trên NV thí sinh đăng ký và điểm số của các em, trường phân tích để xác định tỷ lệ nhập học. Cụ thể, trong số thí sinh đăng ký vào trường, có khoảng 1.200 em đồng thời đăng ký vào Trường ĐH Ngoại thương, 900 em đăng ký thêm Trường ĐH Tài chính – Marketing, 700 em đăng ký thêm Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM… Đối với từng nhóm đối tượng thí sinh này, trường sẽ xác định tỷ lệ gọi nhập học khác nhau sao cho đảm bảo độ “ảo” thấp nhất.

TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cũng cho hay, 76% thí sinh xác nhận nhập học NV1 tại trường. Về cơ bản, số chỉ tiêu còn lại được dành xét bổ sung cho 2 phân hiệu của trường, một số chương trình liên kết và chương trình chất lượng cao. Theo ông Lý, nhờ định điểm sàn xét tuyển cao (18 điểm) nên ngay từ đầu trường đã loại được 1 lượng lớn thí sinh ảo.

Ở khối ngoài công lập, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có 60% thí sinh xác nhận nhập học sau NV1. Trường tiếp tục xét tuyển bổ sung 1.600 chỉ tiêu cho tất cả các ngành với mức điểm từ điểm trúng tuyển NV1 trở lên. Trường ĐH Văn Hiến cũng có 65% thí sinh xác nhận nhập học. Trường xét tuyển bổ sung 1.450 chỉ tiêu vào 14 ngành bậc ĐH, 8 ngành bậc CĐ. 65% thí sinh cũng xác nhận nhập học vào Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM. Trường tiếp tục xét bổ sung 550 chỉ tiêu cho tất cả các ngành.

Thí sinh đi đâu?

Ông Nguyễn Đức Hinh phân tích, với mức điểm chuẩn đợt 1 trường công bố, những thí sinh thấp điểm hơn một chút đã nộp và trúng tuyển vào các trường khác. Đợt bổ sung tiếp theo, trường có hạ điểm chuẩn vẫn sợ không còn thí sinh. “Tôi cũng không lý giải được thí sinh “đã đi đâu”. Vì hồ sơ đã nộp vào trường nhưng lại không lựa chọn nhập học”, ông Hinh nói.

Hiện các trường đều đang rất lo năm nay thiếu chỉ tiêu. Theo một chuyên gia giáo dục, những cảnh báo về tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường thời gian gần đây là một trong những tác động không nhỏ đến lựa chọn học ĐH hay học nghề, hoặc đi làm luôn đối với thí sinh. Mặt khác, cũng theo vị chuyên gia này, chính việc Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được nộp cùng lúc 2 trường, 4 NV đã dẫn đến tình trạng ảo. Trong khi đó, theo ý kiến của ông Hinh, chính việc Bộ GD-ĐT không cho công bố danh sách thí sinh đã dẫn đến tình trạng mọi người đều “nín thở” chờ đợi. Thí sinh không biết tình trạng hồ sơ của mình, các trường không chủ động được lượng hồ sơ. Đây là một bất cập trong mùa tuyển sinh năm nay so với năm 2015.

Để chuẩn bị cho đợt xét tuyển bổ sung thứ nhất, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường ĐH trước ngày 21-8 cập nhật lên hệ thống, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng những thông tin liên quan đến xét tuyển bổ sung đợt 1 (đăng ký từ ngày 21 đến 31-8). Để tránh sai sót cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển trực tuyến, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường lưu ý: mã ngành/nhóm ngành phải ghi rõ và khớp với thông tin đã công bố; tên ngành phải ghi rõ hệ đào tạo, hình thức đào tạo (ĐH/CĐ, chính quy/liên thông), mô tả rõ vùng tuyển (theo từng ngành) nếu có; chỉ tiêu xét tuyển cho từng ngành.

M.Tâm – T.Lam

Bình luận (0)