Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập: Không “an cư”, khó “lập nghiệp”

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu tư cho trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cao gấp nhiều lần so với trường phổ thông. Do vậy, tâm huyết trong mở trường, tạo chỗ học cho học sinh (HS) cũng chưa đủ mà tài chính của nhà đầu tư phải vững mạnh. Một số chủ trường TCCN cho rằng trường muốn đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) để “phát triển bền vững” nhưng không được hỗ trợ từ phía nhà nước.
Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các trường sau loạt bài “Những bất cập ở các trường trung cấp chuyên nghiệp”, đăng trên SGGP từ ngày 13 đến 15-5-2009, để mong có sự tháo gỡ vướng mắc, tiếp sức cho các trường đầu tư CSVC và nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông PHẠM KHẮC KỶ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ tin học –Viễn thông Đồng Nai: Mở lớp liên kết là không ổn về mặt pháp lý
Bài viết trên báo SGGP về cơ bản đúng. Thật ra, cách đây khá lâu, chúng tôi đã làm công văn gửi lên Sở GD-ĐT TPHCM xin phép được mở chi nhánh ở TPHCM. Nghe đâu, Sở GD-ĐT chuyển công văn của trường lên UBND TPHCM, rồi UBND TP chuyển cho Sở Nội vụ TP. Sở GD-ĐT cũng đã thành lập một đoàn kiểm tra xuống kiểm tra quy trình đào tạo của trường.
Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi cũng không nghe tin tức gì của TP (chấp thuận cho mở hay không cho – PV). Tôi nghĩ là có khó  khăn gì đó ở TP. Đúng là về mặt  pháp lý, trường chưa nhận được ý kiến của TP mà vẫn mở liên kết là không ổn. Tuy nhiên, không có lớp liên kết, trường sẽ rất “bí” về mặt đào tạo.
Khi Bộ GD – ĐT ban hành quy chế 42 (28-7-2008) về liên kết đào tạo TCCN, CĐ, ĐH, không cho các trường TCCN liên kết với các viện, trường đã ngưng liên kết ở 4 địa điểm ở TPHCM. Các lớp đang hoạt động hiện nay xem như là “quá khứ để lại”. HS học ở các lớp liên kết khi tốt nghiệp vẫn nhận được bằng tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ làm đúng quy định để xin mở tiếp lớp liên kết tại TPHCM.
Ông ĐỖ TẤT NHÂM, Hiệu trưởng Trường Trung cấp tư thục Kinh tế kỹ thuật Phương Nam:
Mấy năm qua, trường đã phải chuyển chỗ học vài lần
Trường thành lập đã nhiều năm nay và có quy mô đào tạo gần 8.000 HS, đông nhất trong hệ thống cả trường công và trường tư. Thế nhưng, trường cũng chưa hề có được một cơ sở riêng, tất cả các hoạt động đều phải đi thuê mướn. Mấy năm qua trường đã phải chuyển chỗ học đến vài lần. Hiện nay trường đang thuê của một trường học khác tại số 1333A Thoại Ngọc Hầu, Tân Phú nhưng hiện nay trường này cũng đang ráo riết đòi lại cơ sở.
Trường đang gấp rút đi tìm đất để mua nhưng không phải dễ vì nhiều năm nay, tưởng đã mua được đất nhưng các quận cứ hứa rồi lại hứa, không đi đến đâu cả.
Ông BÙI XUÂN HIỆP, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Âu Việt:
Không có sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước
Muốn có được miếng đất để xây trường lâu nay không phải dễ, chúng tôi chỉ cần thành phố có quy hoạch rõ ràng thì sẵn sàng mua đất xây trường, thậm chí cho chúng tôi thuê để xây cũng được. Chúng tôi đào tạo nhân lực lao động cho xã hội nhưng lại không có sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước. Nhà nước cũng không phải rót hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho công tác đào tạo, nhưng vẫn có lực lượng lao động.
Tôi xin đề nghị nhà nước có phương án hỗ trợ các trường, vì hiện nay các trường phải đóng  thuế rất nặng, nên chăng, nhà nước có cơ chế chuyển nguồn thuế này thành lệ phí, để các  trường đóng cho Sở GD-ĐT. Nguồn kinh phí chi này để dành chi cho các hoạt động hỗ trợ chuyên môn ở các trường ngoài công lập.  
Bà BÙI THỊ ÁNH NGUYỆT, Hiệu trưởng Trường tư thục Kinh tế – kỹ thuật Vạn Tường: 
Các quận, huyện nói không có đất cho trường tư
Từ năm 2001, tôi có viết thư gửi lãnh đạo nhiều quận, huyện xin đất xây trường, nhưng các quận huyện nói không có. Tôi gửi thư trực tiếp cho lãnh đạo TPHCM, lãnh đạo có hướng dẫn đến một đơn vị có trách nhiệm thì được trả lời là đất chỉ ưu tiên cho các trường công lập, các trường ngoài công lập tự lo là chính.
Tôi mệt mỏi quá nên phải tự lo và cuối cùng cũng kiếm được miếng đất ở Hóc Môn để có thể xây cơ sở cho trường.
HỒNG LIÊN – LÊ LINH (SGGP)

Bình luận (0)