Học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM) đang được chuyên gia tư vấn trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: M.Tâm
|
Hôm qua (14-2), tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ năm 2012. Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự và chỉ đạo hội nghị. Ngoài ra còn có sự góp mặt của 549 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc.
Nhiều điểm mới
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, năm 2012, tuyển sinh ĐH, CĐ có 6 điểm mới. Thứ nhất, tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Trong đó, tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia đạt giải nhất, nhì, ba vào ĐH và giải khuyến khích vào CĐ các ngành đúng hoặc ngành gần theo môn học sinh đạt giải; học sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng hoặc không đăng ký vào học đúng nhóm ngành theo môn đạt giải; nếu dự thi ĐH, CĐ thì được ưu tiên theo hướng dự đủ số môn quy định, kết quả thi đạt điểm sàn ĐH trở lên, không có môn nào được điểm 0 thì được xét tuyển vào ĐH; dự thi đủ số môn quy định, kết quả từ điểm sàn CĐ đến dưới điểm sàn ĐH không có môn nào được điểm 0 thì được tuyển thẳng vào CĐ. Thứ hai, bổ sung khối thi A1 (toán, lý, tiếng Anh). Kỳ thi 2012 vẫn tổ chức thi theo các khối truyền thống A, B, C, D các khối năng khiếu và bổ sung thêm khối A1.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
|
Theo đó, để bảo đảm sự ổn định của các trường tuyển sinh theo khối thi truyền thống và không ảnh hưởng đến việc học tập, định hướng ôn tập của học sinh trong 3 năm học THPT, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước và có thể bổ sung thêm khối A1 nếu thấy cần thiết và phù hợp với từng ngành đào tạo. Thứ ba, điều chỉnh lịch thi. Kỳ thi vẫn tổ chức 3 chung vào các ngày thứ bảy, chủ nhật của 3 tuần đầu tháng 7. Cụ thể: Đợt 1 (ngày 7 và 8-7) thi khối A, A1, V; đợt 2 (ngày 14 và 15-7) thi các khối B, C, D và năng khiếu; đợt 3 (ngày 21 và 22-7) thi CĐ tất cả các khối như năm 2011. Thứ tư,bổ sung thêm cụm thi Hải Phòng và cho phép thí sinh dự thi tại cụm Vinh đăng ký học các trường ĐH đóng tại TP.HCM. Thứ năm, giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển. Theo đó, căn cứ vào điểm sàn (điểm sàn không nhân hệ số), chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển. Tuy nhiên điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn. Ngoài ra bộ không quyết định số đợt số nguyện vọng, thời gian xét tuyển; không quy định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn đợt trước. Sau khi xét tuyển và triệu tập thí sinh (TS) trúng tuyển nhập học đối với TS đăng ký dự thi vào trường, nếu còn chỉ tiêu thì các trường công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các thông tin đại chúng khác điều kiện xét tuyển. Hàng năm chậm nhất là ngày 31-12, các trường phải báo cáo về bộ kết quả tuyển sinh, kết quả thực hiện chỉ tiêu của năm. Sau thời điểm báo cáo, nếu các trường vẫn chưa tuyển hết chỉ tiêu đã xác định, nhất là các trường đào tạo theo học chế tín chỉ có thể tiếp tục tuyển sinh.
Thứ sáu, Bộ GD-ĐT không in cuốn Những điều cần biết… như những năm trước, thông tin tuyển sinh các trường công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đồng tình với những dự kiến đổi mới của Bộ GD-ĐT. Ông Dương Xuân Quang, Hiệu trưởng ĐH Vinh cho biết, dư luận và các trường rất phấn khởi vì bộ cho phép tuyển thẳng học sinh đạt giải quốc gia. Vì những năm trước bỏ chương trình này, học sinh không hào hứng vào đội tuyển. Thậm chí, có những học sinh còn cố tình thi trượt để không phải vào.
Ngoại lệ cho các trường đặc thù
Việc Bộ GD-ĐT không cho phép các trường ĐH tuyển sinh hệ trung cấp là cần thiết. Tuy nhiên, với các trường ĐH đặc thù thì bộ cũng cần phải có ngoại lệ. Tại hội nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho rằng đặc thù của trường văn hóa nghệ thuật có rất nhiều khác biệt. Tuyển sinh có nhiều vấn đề. Trước đây, trường tự tuyển sinh, nhưng từ năm 2009 trường thi môn văn theo khối C, có TS thi môn văn đạt điểm cao nhưng trượt vì năng khiếu không đạt. Nhưng cũng có TS môn văn chỉ đạt 1,5 điểm, còn điểm năng khiếu rất cao vẫn bị trượt. Vị hiệu trưởng này cũng khẳng định: Môn văn là điểm điều kiện, thi cũng được không thi cũng được. Bởi đối với trường nghệ thuật, yêu cầu cao nhất chính là năng khiếu. Do đó, vị hiệu trưởng này mong năm nay trong quy chế có thêm khối S và S1 nhưng bỏ thi môn văn. Còn Giám đốc Nhạc viện TP.HCM thì cho hay, bộ bỏ hệ trung cấp đối với ĐH là không hợp lý. Bởi với những trường như nhạc viện nếu không có nguồn trung cấp thì không có nguồn vào ĐH.
Trước yêu cầu của các trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ có quy định ngoại lệ đối với các trường năng khiếu, nghệ thuật, quốc phòng, an ninh, kể cả các trường y.
Xác định lại đúng nhu cầu xã hội
Học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM) xem thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 trên Báo Giáo Dục TP.HCM. Ảnh: M.Tâm
|
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết có một số nội dung chưa được Bộ GD-ĐT đề cập. Thứ nhất là việc mất cân đối trong tuyển sinh. Qua số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT có tới 60% các trường có tuyển ngành kinh tế và có 41% sinh viên cả nước học kinh tế, tài chính, ngân hàng. Phó thủ tướng đặt một loạt câu hỏi cho hiệu trưởng các trường cũng như lãnh đạo bộ: Như vậy có cần điều chỉnh không, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh có tiếp tục làm mất cân đối không? Thứ hai, chưa thấy báo cáo về đổi mới quản lý tài chính. Yêu cầu về tăng học phí thì tăng chất lượng như thế nào? Quốc hội chấp nhận tăng học phí thì chất lượng giáo dục tăng đến đâu? Việc kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, các báo cáo chưa đề cập. Đặc biệt, việc thực hiện công khai của các trường đến đâu, có tác dụng gì, kết quả ra sao chưa thấy báo cáo. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy; bồi dưỡng giáo viên đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đến năm 2014 phải chấm dứt tình trạng ĐH dạy ĐH có làm được không?
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã tiếp thu những ý kiến đề xuất của các đại biểu. Bộ sẽ có văn bản chính thức gửi tới các cơ sở giáo dục. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, từ nay đến năm 2015 sẽ giữ ổn định, chỉ thay đổi nhỏ theo hướng đảm bảo quyền lợi tối đa cho người học, người thi, minh bạch với các trường. Sau năm 2015 sẽ như thế nào vẫn tiếp tục lấy ý kiến để đổi mới đồng bộ về giáo dục ĐH. Năm 2012, đồng ý với chủ trương xét tuyển nhiều lần, không cứng nhắc nhưng không kéo dài, chốt lại vào một ngày liên quan đến số liệu phải báo cáo với Chính phủ và Quốc hội.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đề cập đến vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội. Theo Bộ trưởng, đào tạo theo nhu cầu xã hội là chủ trương lớn mà ngành đang làm và tiếp tục làm nhưng phải chặn đứng những lệch lạc…
Nghiêm Huê
Dự kiến, từ năm 2016-2019: Chỉ tổ chức thi tuyển sinh một đợt nhiều môn, trong đó có hai môn bắt buộc là toán, ngữ văn và các môn tự chọn; các trường quy định tổ hợp các môn thi để xét tuyển theo từng ngành đào tạo, không thi theo khối. Từ năm 2020 trở đi, khi Luật Giáo dục ĐH đã đi vào cuộc sống, sự phân tầng ĐH đã được thực hiện và công tác kiểm định đi vào nề nếp, việc thi tuyển sinh chỉ còn diễn ra ở các ĐH tốp đầu, các trường ĐH theo định hướng nghiên cứu. Tất cả các trường còn lại sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học tập phổ thông.
|
Bình luận (0)