Thí sinh làm thủ tục thi vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm 2014. Ảnh: M.Tâm |
Bộ GD-ĐT vừa công bố phương án tổ chức một kỳ thi phổ thông quốc gia 2015. So với năm 2014, một kỳ thi quốc gia sẽ giảm tải cho thí sinh nhưng đồng thời tạo áp lực để các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh sớm hơn 2 năm so với dự định ban đầu của Bộ GD-ĐT.
“Buộc” tuyển sinh sớm
Theo ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, ông hoàn toàn tán thành đổi mới thi cử mà Bộ GD-ĐT đang tiến hành. Quyết định này sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong năm tới. Sẽ không còn tình trạng tháng 4 thí sinh đổ xô đi nộp hồ sơ dự thi ĐH, tháng 7 đổ xô đi thi. Không những thế, với phương án một kỳ thi quốc gia cùng với việc yêu cầu các trường phải công bố phương án tuyển sinh từ 1-1 hàng năm cho thấy các trường dù muốn hay không phải thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình. Đồng thời, thay đổi cách thi cũng sẽ tác động đến việc thay đổi cách học và cách dạy. PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng cho biết với yêu cầu của Bộ GD-ĐT thì các trường sẽ phải xây dựng phương án tuyển sinh riêng phù hợp với trường. Ví dụ như chỉ tiêu của từng ngành thế nào, lấy điểm môn nào, mỗi môn bao nhiêu điểm… Thậm chí sẽ có những ngành trong một trường có thêm các bài kiểm tra cần thiết để chọn sinh viên. Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cũng cho biết dù có một kỳ thi quốc gia nhưng trường sẽ vẫn có một kỳ thi riêng. Không những thế, tới đây, nhà trường sẽ kiến nghị với Bộ GD-ĐT nhận thí sinh điểm cao theo hai hình thức: Học phí ngân sách Nhà nước và học phí tự túc. Theo đó, những em gia đình khó khăn có thể học hoàn toàn bằng ngân sách Nhà nước với điều kiện các em làm cam kết sau khi ra trường sẽ đi theo phân công về các địa phương khó khăn đang thiếu bác sĩ từ 3-5 năm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các em sẽ được nhận bằng. Còn những em điểm cao có thể tự túc được học phí thì không phải thực hiện cam kết này, các em có thể nhận bằng ngay sau khi ra trường. Chẳng hạn, chỉ tiêu bác sĩ đa khoa của trường luôn giữ ổn định ở mức 550 chỉ tiêu, nhà trường sẽ lấy ra 300 em thuộc diện cam kết. Còn với số chỉ tiêu còn lại, nhà trường sẽ cân đối mức học phí để xã hội có thể chấp nhận được. Bởi thực tế hiện nay, dù đã có đề án đưa bác sĩ về 62 huyện nghèo nhưng vẫn mang tính chất vận động. Thế nên, trong số 10 em ra trường thì có 7 em ở lại thành phố, 3 em… bỏ nghề. TS. Hinh chia sẻ, đây là hình thức xã hội hóa giáo dục và các em cần bước vào cuộc chơi sòng phẳng để tránh “mối tơ vò” luẩn quẩn về tình trạng lãng phí nguồn nhân lực như hiện nay…
Để tiến tới một kỳ thi quốc gia chung, lấy kết quả đó làm căn cứ tốt nghiệp THPT và là dữ liệu để các trường ĐH, CĐ chủ động tuyển sinh, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH vừa qua đã thể hiện được nhiều nét đổi mới, mới nhất đó là cách ra đề theo hướng mở. Không chỉ ĐH Y Hà Nội mà các trường khối công an nhân dân cũng dự kiến sẽ tổ chức một kỳ thi riêng.
Các trường sẽ tự “lắc”
Trước câu hỏi liệu có xảy ra tình trạng có những trường sẽ chỉ toàn thí sinh điểm cao và có những trường chỉ toàn thí sinh điểm thấp do thí sinh được phép đăng ký sau khi biết điểm và sau khi các trường công bố phương án tuyển sinh của mình, lãnh đạo một số trường không tỏ ra băn khoăn. TS. Lê Trường Tùng cho rằng trả lời câu hỏi này cũng giống như trả lời câu hỏi sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường tìm kiếm việc làm, sẽ có những công ty tốt, sẽ có những công ty không tốt. Có những công ty gạt không hết người giỏi nhưng cũng có những công ty không ai nộp đơn hoặc nộp đơn vào làm một thời gian rồi bỏ. Điều này không có gì phải băn khoăn hay lo lắng, xã hội sẽ tự điều chỉnh và các trường sẽ tự “lắc”. Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Lê Hữu Lập cho rằng điều này buộc các trường phải xây dựng thương hiệu. Thí sinh chắc chắn sẽ lựa chọn những trường có thương hiệu lớn trước để đăng ký xét tuyển.
Nhưng như thế rất có thể những trường cần nguồn nhân lực chất lượng cao như sư phạm hay các ngành khoa học cơ bản sẽ không có thí sinh điểm cao nộp hồ sơ? Ông Tùng cho rằng vấn đề này lại không phải do các trường mà do chính sách quyết định. Giả sử như để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, chúng ta có cơ chế học sư phạm ngoài được miễn học phí sẽ được học bổng 10 triệu/tháng, ra trường sẽ được bố trí công việc thì chắc chắn sẽ có rất nhiều sinh viên giỏi vào học. Còn như hiện nay, sinh viên các trường đều giống nhau khi ra trường thì khó có thể thu hút người tài vào những ngành quan trọng.
Mặt khác, ông Lập cũng cho rằng năm tới cách thức thi cử có nhiều điểm mới. Do đó, Bộ GD-ĐT cần có quy chế đầy đủ các điều kiện để các trường tuyển sinh tốt nhất. Ông Lập cũng mong muốn dữ liệu tuyển sinh sẽ có hiệu lực trong một năm.
Thiên Lam
Bình luận (0)