Những năm gần đây cứ vào khoảng giữa hè, rất nhiều phụ huynh ở TP.HCM cũng như những tỉnh thành khác lại kéo đến các trường tư thục, dân lập tại TP.HCM để làm thủ tục nhập học cho con. Mặc dù năm học này học phí tăng, nhưng đó không phải là nỗi bận tâm của những phụ huynh có con học tại các trường này.
Các trường đồng loạt tăng giá
Anh Hoàng Duy Ngọ quê ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An phụ huynh của một học sinh lớp 11 Trường THPT tư thục (TT) Nguyễn Khuyến cho biết: “Năm học trước con gái tôi học lớp 10 theo chế độ nội trú mỗi tháng đóng 2,45 triệu đồng nhưng đầu hè này mức học phí tăng lên 2,6 triệu đồng”. Anh Ngọ cho biết, nhà trường thông báo vào đầu năm học mới mức học phí sẽ còn tăng nữa. Khi chúng tôi gọi điện hỏi mức học phí cho một học sinh nội trú lớp 11 Trường THPT dân lập Thanh Bình thì được một đại diện nhà trường trả lời là 3,5 triệu đồng/tháng. Chị Lê Thị Cử ngụ ở Tân Uyên, Bình Dương phụ huynh của một học sinh Trường THPT TT Ngô Thời Nhiệm nói: “Con trai tôi học nội trú ở trường này học phí mỗi tháng gần 3 triệu đồng, tuy không cao hơn so với những trường khác nhưng cũng tăng hơn so với năm học trước đây”.
Đến các trường tư thục, dân lập khác như Trương Vĩnh Ký, Hồng Đức, Thái Bình, Đăng Khoa… xem bảng thông báo đóng học phí chúng tôi thấy tất cả đều tăng hơn so với những năm trước. Mức học phí tăng mạnh nhất là học sinh thuộc diện nội trú bởi vì ngoài việc học một ngày ba buổi (sáng, chiều, tối) các em còn ăn uống sinh hoạt tại chỗ. Bên cạnh tiền cơ sở vật chất như nhà ở nội trú, bàn ghế, tủ giường còn có các khoản khác như điện, nước, học thêm một số môn vào buổi tối hoặc ở lại thêm ngày thứ bảy, chủ nhật… Anh Đặng Văn Triều ngụ phường Bắc Hà, TP.Hà Tĩnh có con học lớp 12, Trường dân lập Thái Bình Q.Tân Bình cho biết: “Năm ngoái tiền học phí của cháu là 4,3 triệu đồng/tháng, năm nay tăng lên 4,5 triệu đồng”. Anh Triều cũng cho biết thêm, vì chủ nhật cho cháu ở lại trường luôn nên mỗi tháng gia đình đóng thêm 400.000 đồng nữa.
Cô Nguyễn Thị Chi – Hiệu phó Trường THPT TT Nguyễn Khuyến, Q.Tân Bình cho biết: “Hiện nhà trường vẫn thu mức học phí theo năm học trước, riêng các lớp học hè tạm thời có tăng 50.000 đồng/tháng cho học sinh bán trú và 120.000 đồng cho học sinh nội trú. Vào đầu tháng 9 sau khi hội đồng quản trị họp thống nhất, nhà trường mới điều chỉnh học phí cho phù hợp với thực tế”. Như vậy trong dịp hè có một số trường vẫn chưa tăng học phí, nói như thế không có nghĩa là học phí các trường này không thay đổi. Do chưa vào năm học mới nên ban giám hiệu các trường này còn phải cân nhắc các khoản tiền học phí sao cho sát từng cấp học, từng đối tượng để khỏi gây khó khăn cho phụ huynh.
Học phí chạy theo vật giá
Cô Nguyễn Thị Chi – Hiệu phó Trường TT Nguyễn Khuyến thừa nhận việc tăng học phí là do biến động của giá cả thị trường. Cơn bão giá đầu năm 2008 đã làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt người dân, không chỉ xăng dầu, vật liệu tăng giá mà đến cả giá lúa gạo, các loại thực phẩm như thịt cá rau… cũng tăng vọt. Chủ tịch hội đồng quản trị một trường tư thục tâm sự, các khoản tiền đóng của học sinh phải quy định và thông báo rõ từ đầu năm học. Dù giá cả thị trường có lên xuống thì trường cũng không thể thay đổi được các mức đóng này trong năm học trong lúc phải đảm bảo tốt cuộc sống sinh hoạt, học tập của học sinh trong nhà trường. Chính vì thế việc tăng học phí của các trường sau một năm học là chuyện phải làm.
Một lý do tăng học phí nữa mà bất kỳ phụ huynh nào cũng phải chấp nhận là càng lên lớp cao hơn thì nhu cầu học tập, sinh hoạt, ăn uống của con em họ cũng nhiều hơn. Học phí của học sinh lớp 10 không thể giống học sinh lớp 6 hoặc lớp 7 được. Có khi tiền đóng hàng tháng của phụ huynh tăng nhưng thực chất học phí không tăng do cha mẹ chuyển con từ học hai buổi/ngày sang bán trú, từ bán trú sang nội trú. Cũng có khi học chung lớp nội trú nhưng có em đăng ký ở lại trường cả ngày chủ nhật thì mỗi tháng gia đình phải đóng thêm 400.000 đồng nữa. Một số trường tư thục khác do học sinh có nhu cầu ở phòng máy lạnh, ăn uống học hành theo chế độ cao hơn thì mức học phí cùng một khối học chênh lệch lên gần cả triệu đồng.
Trò chuyện với nhiều người có con em học tập tại các trường tư thục, dân lập chúng tôi biết việc tăng học phí không phải là điều họ đáng quan tâm. Anh Đặng Văn Triều tuyên bố: “Học phí hết bao nhiêu tôi cũng sẵn sàng đóng, miễn làm sao con tôi có điều kiện học tập tốt và tiến bộ hơn ở nhà là được”. Chị Hiền, một phụ huynh có con gái đầu lòng đang học một trường dân lập ở Bình Thạnh với mức học phí hơn 3,5 triệu đồng nhưng vẫn chưa an tâm: “Tôi đang muốn xin cho cháu sang học một trường tư thục ở Tân Bình với học phí một tháng 5,2 triệu đồng nhưng không được”.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)