Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các trường tư thục, dân lập TP.HCM: Thiếu chỗ nội trú cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Tiết học văn của Trường THPT tư thục Trương Vĩnh KýDù còn hơn hai tháng nữa mới khai giảng năm học mới nhưng ngay từ đầu tháng 6 nhiều phụ huynh tại TP.HCM và các tỉnh thành khác đã tìm đến các trường ngoài công lập để lo cho con một chỗ học. Tuy nhiên, để có một suất vào học nội trú tại các trường THPT Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Khuyến, Hồng Đức, Ngô Thời Nhiệm, Thanh Bình… không phải là chuyện đơn giản.

Cả ngàn chỗ nội trú vẫn thiếu

Ngày 15-6-2008 anh Trần Ngọc Tuấn nhà ở xóm Gốc, thị trấn Long Thành, Đồng Nai cầm hồ sơ đến cơ sở 2 Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký (21 Trịnh Đình Trọng, phường 5, quận 11) để xin cho đứa con gái vừa hoàn thành chương trình tiểu học năm 2008 được vào học lớp 6 tại trường. Mặc dù cháu Trần Thị Hằng là một học sinh khá nhưng do có nhu cầu ở nội trú nên nhà trường không nhận hồ sơ của anh Tuấn vì không có chỗ nội trú. Tương tự, chị Lê Thị Huệ quê ở Hương Khê – Hà Tĩnh đã lo lắng cầm học bạ và giấy khai sinh của đứa con trai út để xin vào học nội trú tại Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký nhưng cũng không được. Rất may là chị Huệ có một ngôi nhà mới mua ở Gò Dầu – Tân Sơn Nhì nên đành cho con học bán trú sáng đi chiều về.

Không chỉ năm nay mà ngay các năm học trước, có rất nhiều phụ huynh đến Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký xin giấy tiếp nhận cho con vào học nội trú nhưng đều bị từ chối. Thầy Trần Văn Hiếu – Chủ tịch Hội đồng quản trị – Phó hiệu trưởng nhà trường trao đổi: “Mặc dù trường có hai cơ sở tổng số học sinh hàng năm hơn 2.800 em nhưng chỉ có 500 chỗ nội trú nên năm nào cũng vậy, trường không đáp ứng đủ yêu cầu của phụ huynh”.

Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến nhiều năm trước đây vẫn đáp ứng đủ nhu cầu học nội trú của học sinh TP.HCM và một số các tỉnh thành khác đến nhập học. Thế nhưng đến thời điểm này danh sách học sinh học nội trú tại trường cũng đã được “gút” lại hết. Anh Hưng một phụ huynh đến đây xin cho con vào học nói: “Hiện nay trường chỉ nhận hồ sơ học sinh giỏi, học sinh khá cũng không nhận như mấy năm trước. Con tôi học sinh giỏi nhưng trường cũng chỉ giải quyết bán trú chứ không được nội trú”.

Anh Trần Ngọc Tuấn tâm sự: “Mặc dù tôi có người nhà ở gần Trường THPT tư thục Hồng Đức nhưng nếu học bán trú thì không có người đưa rước cháu. Trong khi gia đình ở tận Long Thành nên thời gian buổi tối khi cháu về nhà người quen thì không biết lấy ai quản lý nó”. Do không có chỗ cho con học nội trú nên anh Tuấn phải đi tìm trường khác để đáp ứng nguyện vọng của gia đình. Cô Phạm Thị Thúy Vĩnh – Chủ tịch hội đồng quản trị – Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm cho biết mấy ngày gần đây số lượng phụ huynh đến xin cho con vào học tại trường tăng vọt, chỉ trong hai ngày mà có 100 hồ sơ đăng ký nhập học. Nếu mấy năm trước đáp ứng đủ nhu cầu học sinh nội trú thì năm nay tình hình bắt đầu căng thẳng mặc dù nhà trường có 800 chỗ nội trú.

Không chỉ thiếu mặt bằng

Vì sao các trường tư thục dân lập không đáp ứng đủ nhu cầu học nội trú cho học sinh? Nguyên nhân trước hết là do một số trường mặc dù số học sinh đông có nơi lên đến 2.000 – 3.000 em nhưng chỉ có vài trăm chỗ ở nội trú. Trong khi đó, nhu cầu gửi con nội trú của phụ huynh rất lớn. Đa số các trường trong nội thị đều thiếu mặt bằng, muốn phát triển thêm cũng không được. Thầy Phạm Thành Tâm – Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức tâm sự: “Nếu có mặt bằng chúng tôi sẽ xây thêm một cơ sở mới nữa mới đáp ứng được yêu cầu học tập của học sinh”. Trước đây nhà trường có đề nghị với quận xin thuê mướn mặt bằng Trường THCS Đống Đa cũ đang bỏ trống nhưng không được giải quyết. Tuy nhiên một câu hỏi nữa được đặt ra là tại sao có nhiều trường sức chứa nội trú lên cả ngàn như THPT tư thục Nguyễn Khuyến, dân lập Thanh Bình mà vẫn “sốt” chỗ học nội trú? Nguyên nhân khách quan là do mấy năm nay lượng học sinh từ các tỉnh thành vào TP.HCM học tại các trường tư thục, dân lập rất đông. Đây là những gia đình kinh tế khá giả, muốn vào TP để con em có điều kiện học tốt hơn. Trong số đó chỉ có một số em có bà con người thân nên có chỗ đi về còn đại đa số phải ở nội trú.

Ngoài những nguyên nhân trên, theo phản ánh của nhiều giáo viên trường tư thục, việc quản lý học sinh nội trú rất vất vả và phức tạp. Nếu ngày hai buổi trên lớp chỉ có việc học thì ở nội trú trong trường biết bao vấn đề thầy cô phải giải quyết từ chuyện ăn uống, tắm giặt, ngủ nghỉ và cả chuyện đau ốm bệnh tật. Đó là chưa nói đến chuyện gây lộn, đánh nhau, mất đồ… Do quá vất vả nên nhiều trường không muốn mở rộng thêm mô hình nội trú dù có khả năng. Một hiệu trưởng trường tư thục tại Tân Bình cho biết trường có đủ điều kiện mở rộng mô hình nội trú nhưng biết chắc chất lượng giáo dục sẽ giảm sút nên đành thôi mặc dù rất tiếc khi phải từ chối phụ huynh. GS.NGND Hoàng Như Mai – Hiệu trưởng Trường tư thục Trương Vĩnh Ký nhìn nhận: “Hiện nay ngoài việc một số trường không đủ chỗ nội trú là do thiếu mặt bằng, một nguyên nhân nữa là vấn đề quản lý học sinh có kỷ cương thật tốt, nền nếp sinh hoạt lành mạnh để nâng cao chất lượng giáo dục và học tập trong nhà trường”.

Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)