Thí sinh xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào Trường ĐH Sài Gòn năm 2014
|
Bước vào đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo, chỉ tiêu dành cho các ngành nghề hẹp dần và gần như cuộc đua chỉ còn ở những trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoặc trường địa phương.
Trong thời hạn xét tuyển bổ sung, các trường thường tự “khóa sổ” khi đã đủ chỉ tiêu. Vì vậy, thí sinh cần hết sức cân nhắc để có lựa chọn chính xác, đừng đánh mất cơ hội cuối cùng.
Có ngành chỉ xét thêm… 10 chỉ tiêu
Tại TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ là một trong số những trường ngoài công lập còn khá nhiều chỉ tiêu xét tuyển bổ sung ở bậc ĐH. Ông Nguyễn Trần Ngọc Phương (Phó trưởng phòng Tư vấn, tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, đợt tuyển bổ sung tiếp theo trường dự kiến dành 900 chỉ tiêu bậc ĐH và 300 chỉ tiêu bậc CĐ.
Trong khi ở những trường ĐH địa phương, phần chỉ tiêu dành cho bậc ĐH khiêm tốn hơn thì bậc CĐ lại vượt trội. Cụ thể, Trường ĐH Phú Yên ở đợt tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo này chỉ dành 70 chỉ tiêu cho 4 ngành trình độ ĐH gồm: Công nghệ thông tin, văn học, sinh học và hóa học. Số lượng chỉ tiêu mỗi ngành của nguyện vọng này rất ít ỏi, dao động từ 10 đến 25 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, 7 ngành tiếp tục được xét tuyển bổ sung bậc CĐ không vượt quá khuôn khổ tổng 155 chỉ tiêu. Được biết, ngành ít nhất lấy 15 chỉ tiêu và nhiều nhất cũng chỉ 25 chỉ tiêu.
Trong khi đó toàn ĐH Đà Nẵng cũng chỉ có 2 trường thành viên tiếp tục xét tuyển bổ sung; đồng thời, lượng chỉ tiêu cũng chỉ phân bổ ở một số ngành nghề nhất định. Cụ thể, Trường ĐH Ngoại ngữ xét tuyển bổ sung 162 chỉ tiêu cho 3 ngành, trong đó ngành quốc tế học cao nhất với 82 chỉ tiêu. Ngành ngôn ngữ Anh 46 chỉ tiêu và Đông phương học 34 chỉ tiêu. Trường ĐH Sư phạm xét tuyển nhiều hơn với 394 chỉ tiêu, tuy nhiên phân bổ trên 14 ngành. Nhóm ngành lấy thấp nhất chỉ khoảng 13-14 chỉ tiêu và nhóm ngành cao nhất cũng không đến 50 chỉ tiêu. Điều này có thể thấy, để giành được suất học ở nguyện vọng cuối, cuộc cạnh tranh của thí sinh không hề bớt căng thẳng.
Trường ĐH Đồng Nai trong thông báo mới nhất cũng dành 300 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung đợt tiếp theo cho chỉ bậc CĐ. Cụ thể, các ngành tài chính – ngân hàng, quản lý đất đai, Việt Nam học, công nghệ thông tin, khoa học môi trường, thư ký văn phòng lấy chung 50 chỉ tiêu cho mỗi ngành.
Cẩn trọng để không mất cơ hội cuối
Cùng với việc “co hẹp” dần chỉ tiêu, ở chặng cuối này, số lượng ngành nghề để các thí sinh lựa chọn cũng không còn đa dạng như trước. Chưa kể, sau khi đã trượt ĐH đến… hai lần, tâm lý thí sinh có phần nặng nề thêm, thậm chí khó tránh trường hợp các em sẽ đăng ký cho bằng được một ngành nghề hợp với mức điểm chỉ để thỏa mãn cơ hội học ĐH trong khi bản thân không thực sự yêu thích.
Thực tế tại một số trường thời gian qua cho thấy, lượng sinh viên trúng tuyển nguyện vọng chính vẫn yêu nghề và phấn đấu học tập cao hơn số em đậu các nguyện vọng bổ sung sau đó. Vì vậy, trong những trường hợp điểm thi không quá nổi trội, đặc biệt cần “bảo toàn” sở thích nghề nghiệp, thí sinh có thể chọn bậc học thấp hơn như CĐ để quá trình học đạt kết quả như mong muốn.
Ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT) hướng dẫn, thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 được phép đến các trường ĐH, CĐ – nơi đã đăng ký hồ sơ để xin rút lại giấy chứng nhận kết quả thi và dùng tham gia đợt xét tuyển kế tiếp. Ông Cường lưu ý, thí sinh có thể dùng bút xóa để xóa nguyện vọng cũ của đợt xét trước và điền chồng lên trên đó nguyện vọng mới để nộp vào trường tiếp theo. Cũng theo ông Cường, ở đợt tiếp theo, các trường không đồng nhất thời gian xét tuyển như đợt xét bổ sung trước. Vì vậy, thí sinh cần hết sức chú ý, tìm hiểu kỹ thông tin thông qua trang web các trường, phương tiện truyền thông để có lựa chọn chính xác, tránh những sai sót đáng tiếc.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT) lưu ý, ở đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo, các trường ĐH, CĐ không đồng nhất thời gian xét tuyển như đợt xét bổ sung trước, thí sinh lưu ý tìm hiểu kỹ để có lựa chọn chính xác. |
Bình luận (0)