Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác thí điểm hoạt động của trạm cân Dầu Giây, các quan chức tỉnh Đồng Nai than thở vì cánh xe tải né trạm mà hàng loạt tuyến đường của tỉnh bị hư hỏng nặng, gây thiệt hại rất lớn.
Quang cảnh hội nghị
Xe né trạm đến 70%
Từ ngày 1/3, trạm cân Dầu Giây chính thức được đưa vào hoạt động trở lại với mục tiêu bảo vệ các tuyến quốc lộ hiện đang bị tàn phá bởi những đoàn xe quá tải. Tuy nhiên, cũng chính từ ngày có trạm cân này mà hàng ngàn lượt xe tải/ngày lẩn lút vào các tuyến tỉnh lộ, đường nông thôn để né trạm, làm hỏng hàng loạt tuyến đường.
Ông Võ Văn Sáng, Phó Giám đốc Công an Đồng Nai, cho biết: “Gần trạm cân có đến 16 tuyến đường để né trạm cân như đường Hưng Long – lộ 25, Trảng Bom – đồi 61 – An Viễn, Bình Minh – Giang Điền… Nên sau ngày 1/3, lượng ô tô tải lưu thông trên quốc lộ 1A, nhất là khu vực trạm cân giảm hẳn. Theo khảo sát của Công an tỉnh thì lượng xe ô tô tải qua trạm cân chỉ còn khoảng 30% so với trước khi có trạm”.
Vậy 70% lượt xe còn lại đi đâu trong khi nhu cầu và lượng hàng vận tải về TPHCM thời gian qua không giảm? Chính 16 tuyến tỉnh lộ, đường nông thôn của Đồng Nai gánh 70% lượt xe này.
Chính vì vậy mới có tình trạng trong suốt 4 tháng hoạt động, trạm cân Dầu Giây chỉ phát hiện gần 1.400 lượt xe chở quả tải, trong khi lực lượng chức năng bủa vây các tuyến tỉnh lộ lại phát hiện đến gần 4.300 trường hợp xe quá tải né trạm, chạy vào các đường nông thôn.
Đó không phải là con số cuối cùng, vì chính ông Sáng cũng thừa nhận là cảnh sát chỉ chốt chặn, kiểm tra một thời điểm nào đó trong ngày thôi. Mà hễ có cảnh sát thì xe nằm chờ, vắng bóng thì từng đoàn kéo nhau chạy né trạm nên không thể nào kiểm soát hết được.
Quốc lộ sống, tỉnh lộ chết!
Cũng vì vậy mà ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, than thở: “Các xe tải lưu thông làm hỏng kết cấu nền, mặt đường các tuyến đường tỉnh, huyện; mặt đường bê tông bị lún, nứt dọc, nứt ngang, trồi, sụt, đọng nước…”.
Và theo thống kê của Sở GTVT Đồng Nai thì chỉ qua 4 tháng thí điểm trạm cân Dầu Giây mà hệ thống tỉnh lộ, huyện lộ lân cận trạm cân của Đồng Nai đã hỏng khoảng 45km với diện tích 145.000m3. Ước tính chi phí sửa chữa là khoảng 70 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà nước đã đầu tư hơn 8 tỷ để lắp đặt trạm cân, qua 4 tháng xử phạt thu về được chỉ gần 4 tỷ đồng.
Trước mắt, mục tiêu bảo vệ quốc lộ đoạn qua trạm cân chắc chắn đã đạt được, vì lượng xe tải giảm đến gần 70%. Nhưng tỉnh lộ, huyện lộ thì đang chết. Ông Điệp cho biết: “Các đồng chí có vào các tuyến đường này mới thấy, dân bức xúc ghê lắm!”.
Chưa kể từ khi lập trạm cân, để kiểm soát tình trạng né trạm của xe quá tải, Công an Đồng Nai phải cử đến 109 lượt chiến sĩ mỗi ngày để phối hợp tổ chức 4 chốt chặn và 4 tổ tuần tra, canh gác 24/24 các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ. Vì vậy, lực lượng cảnh sát phục vụ giảm ùn tắc và tai nạn giao thông của tỉnh giảm hẳn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện công tác chuyên môn của Công an tỉnh và chi phí cũng không nhỏ.
Chính vì vậy, cả ông Sáng và ông Điệp đều khẳng định vị trí đặt trạm cân hiện nay là chưa thích hợp, cần nghiên cứu di dời đến địa điểm thích hợp hơn, hạn chế tình trạng né trạm. Ông Sáng cũng đề xuất là nên dời đến gần trạm thu phí trên quốc lộ 1A, vì các trạm này đã khảo sát, tính toán hạn chế xe đi vòng tránh.
Tuy nhiên, trả lời vấn đề này tại hội nghị, ông Ngô Quang Đảo, Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam cho là vị trí trạm cân hiện nay là do yếu tố lịch sử, thừa hưởng trạm cân trước đây. Nay chúng ta đã bỏ ra 8, 9 tỷ đồng để trang bị hệ thống trạm không thể nào nói dời là dời ngay được.
Ông hứa hẹn khi hệ thống 27 trạm cân trên cả nước được thực hiện đồng bộ, áp lực kiểm tra xe quá tải không còn dồn lên trạm Dầu Giây nữa thì Cục sẽ xem xét đến kiến nghị di dời trạm Dầu Giây sang vị trí mới.
Ngoài ra, ông cũng “khuyên” tỉnh Đồng Nai có văn bản xin Bộ GTVT hỗ trợ chi phí sửa chữa những tuyến tỉnh lộ, huyện lộ bị hư hỏng do xe tải né trạm để giảm gánh nặng cho tỉnh, Cục sẽ hết sức ủng hộ.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là di dời trạm để hạn chế lãng phí, tiêu cực vì xe tải né trạm vẫn chưa được giải quyết cặn kẽ. Vì từ nay đến khi cả hệ thống 27 trạm cân trên cả nước đi vào hoạt động là một thời gian khá dài. Từ đây đến đó, đường tỉnh, huyện sẽ tiếp tục hỏng, Công an Đồng Nai vẫn phải huy động cả đại đội để duy trì trật tự quanh trạm…
Tùng Nguyên (dantri)
Bình luận (0)