Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Các vi chất dinh dưỡng trẻ em thường thiếu hụt

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ thường thiếu sắt, canxi, kẽm, vitamin A, D… do chưa được bổ sung đầy đủ trong khẩu phần ăn; dẫn đến suy dinh dưỡng; chậm phát triển trí tuệ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết, các vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, tham gia vào quá trình phát triển thể chất như cơ, xương, não, hệ thống thần kinh; phát triển trí tuệ; các đặc tính giới tính.

Theo điều tra của Viện dinh dưỡng Quốc gia năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ thiếu kẽm 69,4% (trong đó miền núi 80,8%, nông thôn 71,6%, thành thị 49,7%); thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ 63,6%.

Thiếu vi chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng các thể như nhẹ cân, thấp còi. Dưới đây là các vitamin và khoáng chất trẻ thường thiếu hụt và cách bổ sung qua thực phẩm giàu vi chất.

Sắt

Sắt tham gia vào quá trình vận chuyển và lưu trữ oxy, chuyển hóa các chất dinh dưỡng; tạo enzyme, tạo tế bào hồng cầu. Thiếu sắt là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiếu máu. Các bé không được cung cấp đủ sắt qua khẩu phần ăn dễ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, chậm phát triển trí tuệ. Trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, hô hấp, da do thiếu vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B…

Mẹ nên bổ sung thực phẩm giàu chất sắt nguồn gốc từ động thực vật như thịt bò, thịt gà, gan, cá, trứng, mộc nhĩ, mè, rau dền, đậu xanh, rau má… Mộc nhĩ chứa nhiều sắt, trong 100g có 56mg sắt, mè có 14,5mg, gan heo 12mg và gan bò là 9mg nên có thể ưu tiên trong thực đơn. Sắt trong thực phẩm được tăng cường hấp thu nếu ăn cùng các loại giàu vitamin C, chẳng hạn như thịt bò dùng chung khế chua hoặc trộn dầu giấm.

Khẩu phần ăn đa dạng các loại thực phẩm góp phần bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ. Ảnh: Dix.

Khẩu phần ăn đa dạng các loại thực phẩm góp phần bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ. Ảnh: Dix.

Canxi

Canxi đóng vai trò cấu tạo xương, răng, tham gia vào quá trình đông máu, chuyển hóa một số chất dinh dưỡng. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016, trẻ 0-5 tháng cần 300mg mỗi ngày; cung cấp 400mg canxi cho trẻ 6-8 tháng, 9-11 tháng; 1-2 tuổi là 500mg, 3-5 tuổi cần 600mg…

Nếu thiếu canxi, trẻ thường chậm mọc răng. Chậm mọc răng khiến trẻ nhai, nuốt không tốt dẫn đến tiêu hóa hấp thu kém. Thực phẩm giàu vi chất này như rau xanh, tép, tôm, đậu đen, phô mai… Đậu đen nhiều canxi hơn đậu xanh nên có thể ưu tiên lựa chọn.

100g tép khô chứa 2.000mg canxi; 100g tôm đồng có 1.120mg canxi. Tép có nhiều canxi hơn tôm, nếu trẻ lớn, mẹ có thể cho bé ăn tép thường xuyên. Cá được nấu nhừ để ăn cả xương sẽ cung cấp nhiều hơn canxi cho cơ thể. Sữa và các sản phẩm từ sữa có chứa nhiều canxi, sữa tươi khoảng 120mg canxi trong 100ml, sữa bột nhiều canxi hơn, sữa tách béo khoảng 900-1.000mg canxi trong 100ml. Nếu chọn sữa bổ sung canxi góp phần cung cấp đủ nhu cầu hàng ngày.

Iốt

Iốt tham gia vào quá trình tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp trạng. Vi chất này còn tham gia vào quá trình chuyển hóa các dinh dưỡng, sự trưởng thành của hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống nội tiết tố, do đó thiếu iốt trẻ dễ bị thấp còi, gây tổn thương các tế bào thần kinh.

Nếu thiếu iốt từ trong bụng mẹ, khi ra đời bị suy giáp bẩm sinh, trẻ lớn hơn có thể bị đần độn, bướu cổ. Thực đơn của trẻ cần được bổ sung thực phẩm giàu iốt như các loại cá biển, rong biển. Sử dụng muối, gia vị bổ sung iốt để chế biến món ăn là giải pháp dự phòng thiếu iốt.

Kẽm

Kẽm tham gia vào thành phần hơn 300 enzym cho các phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia chuyển hóa các chất dinh dưỡng và quá trình phân chia tế bào, chức năng sinh sản, miễn dịch. Thiếu kẽm làm trẻ chậm phát triển thể lực, suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, giảm khả năng sinh sản.

Rối loạn tiêu hóa và chuyển hóa, suy giảm miễn dịch cũng là biểu hiện của tình trạng này. Bữa ăn hàng ngày của trẻ có thể bổ sung kẽm thông qua thực phẩm như tôm, cua, hàu, ngao, thịt bò, thịt gà, hạt ngũ cốc, phô mai…

Các thực phẩm như tôm, thịt bò, cá hồi, phô mai... chứa nhiều kẽm. Ảnh: WP.

Các thực phẩm như tôm, thịt bò, cá hồi, phô mai… chứa nhiều kẽm. Ảnh: WP.

Vitamin

Các loại vitamin trẻ thường thiếu hụt như vitamin A, vitamin D, vitamin nhóm B. Khô loét giác mạc là hậu quả của thiếu vitamin A. Trong khi đó, thiếu vitamin D, trẻ thường còi xương, thiếu vitamin nhóm B dễ làm bé mệt mỏi, ăn ngủ không ngon…

Dầu gan cá, nhất là ở các loài cá béo; gan và chất béo của động vật có vú ở biển giàu vitamin D. Vitamin nhóm B như axit folic có trong bơ, gan, trứng, đậu phộng; các loại rau có lá xanh sậm như bông cải xanh, cải bó xôi, măng tây…

Thực phẩm nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A như các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ như cà chua, cà rốt, dưa hấu, đu đủ, gấc…; các loại rau màu thẫm như rau muống, dền, mùng tơi, ngót, các loại cải; dầu cọ và các loại dầu ăn khác.

Tuy nhiên, nếu mua lâu, bảo quản không đúng cách, nấu, chiên xào với nhiệt độ quá cao có thể mất đến 95% vi chất dinh dưỡng. Các vitamin còn dễ mất đi trong quá trình chế biến nếu thái nhỏ rau củ, ngâm thực phẩm quá lâu trong nước, nấu với nhiều nước, mở nắp vung khi nấu. Khi chế biến thực phẩm cho con, mẹ cần lưu ý.

Trẻ thiếu vi chất phần lớn do cha mẹ chưa có kiến thức đầy đủ để bổ sung cho con. Để cung cấp đủ vi chất theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (Recommended dietary allowance – RDA), phụ huynh nên chọn các nguyên liệu tự nhiên, bên cạnh đó, còn có các thực phẩm chế biến sẵn bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, các vi chất ở từng độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động thể chất… sẽ khác nhau. Từ nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, các chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra các hướng dẫn thực hành, các nhà sản xuất đưa ra nhãn dinh dưỡng trên bao bì (Nutrition labelling). Trên nhãn dinh dưỡng, mẹ có thể tham khảo thành phần và giá trị dinh dưỡng hàng ngày (Percent of daily value, gọi tắt % DV).

Giá trị dinh dưỡng hàng ngày cho biết sản phẩm cung cấp bao nhiêu % nhu cầu dưỡng chất đó của cơ thể. Ví dụ, trên bao bì ghi 15% canxi, nghĩa là thực phẩm đó cung cấp 15% canxi nhu cầu mỗi ngày, con số 15% này tính trên mức nhu cầu năng lượng mỗi ngày 2.000kcal đối với người đàn ông ít vận động.

Phụ huynh có thể chọn thực phẩm chế biến sẵn được bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng cách nhìn trên nhãn mác của các nhà sản xuất. Các thực phẩm này có thể kể đến như sữa, các loại bánh quy, bột…

Kim Uyên/Vnexpress

Bình luận (0)