Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Cách bảo vệ và khôi phục lớp phủ Oleophobic trên màn hình điện thoại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Điện thoại thông minh và các thiết bị sử dụng màn hình cảm ứng thường được phủ một lớp siêu mỏng gọi là Oleophobic để bảo vệ màn hình, nó chống thấm dầu và tăng trải nghiệm khi tiếp xúc với màn hình.

Lớp phủ Oleophobic chống thấm dầu trên màn hình giúp bạn trải nghiệm tốt hơn. Ảnh: Hữu Thắng

Dù bạn cố gắng bảo vệ lớp phủ này cẩn thận tới cỡ nào thì nó cũng sẽ dần bị bào mòn và biến mất theo thời gian. May thay, bạn có thể khôi phục nó như trạng thái ban đầu và khiến màn hình của bạn mượt mà như mới theo chia sẻ của trang How To Geek dưới đây.

Một lớp phủ Oleophobic là gì?

Khi bạn lần đầu tiên khui hộp một chiếc điện thoại thông minh mới, một trong những ấn tượng nổi bật đầu tiên đập vào mắt bạn là một màn hình mới và bóng loáng. Nó không chỉ là một màn hình tinh tươm không vết trầy xước mà còn do được phủ lớp Oleophobic còn nguyên vẹn.
Kể từ khi bạn bắt đầu sử dụng nó, lớp phủ này bắt đầu bị mòn dần theo thời gian. Sử dụng một miếng dán bảo vệ là cách duy nhất để bạn có thể bảo vệ nó, nếu bạn sử dụng kính cường lực loại tốt thì thường nó cũng được tráng sẵn một lớp phủ Oleophobic.
Lớp phủ không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình thiết bị của bạn, mà còn tác động đến cả cảm giác và xúc giác. Các ngón tay bạn lướt trên một màn hình hoàn toàn mới sẽ rất dễ chịu và dễ dàng, có rất ít ma sát và nó cũng giúp bạn dễ lau sạch các dấu vân tay và lớp dầu bám lên màn hình chỉ qua một vài lần lau. Còn một khi lớp phủ này bị mòn, các dấu vân tay có xu hướng bám vào màn hình dai dẳng hơn và phải mất nhiều thời gian để lau sạch chúng hơn. Dầu hoặc nước kết hợp thành những giọt nhỏ giờ đây sẽ bám chặt trên màn hình và khó vệ sinh hơn trước.

Cách mà giọt nước đọng thành hình cầu cho thấy lớp phủ trên màn hình này vẫn còn tốt. Ảnh: Hữu Thắng

Để kiểm tra chúng, chỉ cần nhỏ một giọt nước lên màn hình. Nếu hạt nước đó đọng lại và tạo thành một quả cầu, có nghĩa là lớp phủ Oleophobic vẫn đang còn hiệu lực và chưa bị hao mòn đáng kể. Nhưng nếu giọt nước vỡ ra lan rộng thành một đốm lớn, nghĩa là lớp phủ đã bị hao mòn. Lưu ý rằng, lớp phủ Oleophobic không phải là yếu tố quan trọng của thiết bị, không có nó điện thoại bạn vẫn hoạt động tốt và màn hình của bạn cũng không bị trầy xước hay vỡ (trừ khi có tác động mạnh). Nó chỉ là giúp bạn có trải nghiệm tốt hơn khi tiếp xúc và nhìn vào màn hình.
Nếu thiết bị của bạn đã ra mắt được một hoặc hai năm, thì đừng ngạc nhiên khi thấy lớp phủ Oleophobic hoàn toàn biến mất. Thực tế, bạn càng dùng điện thoại thì lớp phủ này càng hao mòn nhanh hơn.

Làm thế nào để bảo vệ lớp phủ Oleophobic?

Lớp phủ chống thấm dầu này bị hao mòn thông qua việc sử dụng hằng ngày, nhưng vẫn có một vài cách để bạn bảo vệ nó. Cách tốt nhất là không bao giờ sử dụng chất tẩy rửa để vệ sinh trực tiếp màn hình cảm ứng, từ các chất rửa kính, tẩy trắng, bột giặt, nước rửa chén, sữa rửa mặt cho đến các chất đánh bóng. Bởi các chất tẩy rửa sẽ mài mòn và loại bỏ hoàn toàn lớp phủ Oleophobic này nhanh chóng, một số loại còn có thể làm hỏng và để lại vài vết “sẹo” trên màn hình.
Để làm sạch màn hình điện thoại nhưng vẫn giảm thiểu tác động xấu với lớp phủ. Đầu tiên, bạn cần lau màn hình bằng một miếng vải mềm không có xơ, hãy rũ sạch bụi bẩn và làm ẩm nó bằng nước trước khi lau.
Nếu muốn khử trùng điện thoại, hãy sử dụng dung dịch tẩy rửa có nồng độ cồn tối thiểu 60% ethanol hoặc 70% isopropanol. Tuy nhiên, cách làm sạch màn hình này có thể sẽ tăng tốc hao mòn lớp phủ Oleophobic, nhưng khi đại dịch Covid-19 lan rộng và yếu tố sức khỏe được đặt lên hàng đầu thì đây là cách nên dùng vì bạn có thể khôi phục lớp phủ theo một số cách nhất định.

Cách khôi phục lớp phủ Oleophobic

Khi mất lớp phủ Oleophobic, các vết bẩn trên màn hình của bạn khó lau chùi hơn. Ảnh: ShutterStock

Nếu muốn khôi phục lớp phủ chống thấm trên màn hình cảm ứng về trạng thái như mới, bạn có thể sử dụng một số cách đơn giản nhưng đòi hỏi cẩn thận để đạt được hiệu quả.
Cách đơn giản nhất là dùng một lớp kính cường lực để bảo vệ màn hình, bạn có thể thay thế nó khi cần làm mới và ngoài ra còn giúp bảo vệ khỏi các tai nạn rơi vỡ, các kính cường lực loại tốt thường được phủ lớp chống thấm tương tự trên màn hình smartphone khi xuất xưởng.
Ngoài ra, bạn có thể mua một lọ dung dịch Oleophobic khá rẻ được chào bán trên các kênh thương mại điện tử trực tuyến với giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng tùy vào thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Sau đó làm theo các bước hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc tham khảo quá trình khôi phục lớp phủ Oleophobic của iFixit như sau:
– Làm sạch màn hình bằng cồn.
– Chờ cồn bay hơi hoàn toàn đến khi màn hình khô ráo và sạch sẽ.
– Dùng một bao tay nilon hoặc túi bóng để bọc các ngón tay bạn (dùng để thoa dịch lên bề mặt màn hình).
– Nhỏ 10-15 giọt lớp phủ Oleophobic lỏng vào màn hình.
– Nhanh tay phết lớp chất lỏng này ra toàn màn hình bằng ngón tay đã bọc nilon (vì nó khô rất nhanh).
– Để lớp phủ tự khô và liên kết trong 8-12 giờ (tốt nhất để qua đêm). Sau đó lau chùi bằng vải mềm.
– Lặp lại quy trình này (nếu cần) theo hướng dẫn.
– Bạn càng lặp lại nhiều lần, lớp phủ càng dày và giúp kéo dài tuổi thọ của lớp phủ. Nhưng không nên phủ nhiều lớp quá.
Nếu thiết bị của bạn có một vài vết xước nhỏ trên màn hình (còn gọi là xước lông mèo), lớp phủ còn giúp che đậy và giảm sự chú ý của các vết xước này.

Hãy sẵn sàng phủ một lần nữa

Hãy nhớ rằng, lớp phủ Oleophobic mới khôi phục này sẽ không tồn tại mãi, chưa kể chất lượng lớp phủ chưa chắc ngang bằng lớp phủ của nhà sản xuất vì phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng về cơ bản, nó cải thiện đáng kể về diện mạo và cảm nhận. Bạn có thể áp dụng cách khôi phục lớp phủ này với các màn hình cảm ứng bằng kính khác, bao gồm cả màn hình máy tính bảng, đồng hồ thông minh.

Theo Hữu Thắng/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)