Tòa soạnThư đi – tin lại

Cách đánh giá HS tiểu học theo thông tư 30: Bộ GD-ĐT chưa hiểu hết khó khăn của từng vùng miền

Tạp Chí Giáo Dục

Trên số báo 1.619 ra ngày 15-6, Giáo dục TP.HCM đã đăng bài viết: Cách đánh giá HS tiểu học – Lãnh đạo ngành cũng “than”. Sau khi báo đăng, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của GV, cán bộ quản lý (CBQL) trên nhiều vùng miền của đất nước về thông tư 30 (TT30) của Bộ GD-ĐT.

Gần “mặt trời” nên không dám kêu

Không thể phủ nhận, TT30 có nhiều mặt tích cực, giúp giảm áp lực học tập cho HS, nhưng việc áp dụng một cách “vội vã”, công tác tập huấn chưa thật sự chu đáo. Đặc biệt, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, GV cho việc thực hiện đổi mới còn nhiều bất cập. Cô P.T.V, GV Trường TH Tô Hoàng (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) trăn trở: Là GV, được làm việc ở thủ đô, chúng tôi có rất nhiều điều kiện thuận lợi để áp dụng, đổi mới phương pháp dạy học để HS phải là trung tâm, tuy nhiên từ năm học 2014-2015, sau khi áp dụng TT30, chúng tôi cho rằng: Biện pháp đánh giá này khó có thể cho được kết quả tích cực, ngay từ khi tập huấn! Nhưng “Vì ở gần “mặt trời”, được lãnh đạo “động viên”, GV chúng tôi chỉ còn biết răm rắp thực hiện”.  Cô V. dẫn giải: “Sĩ số bình quân của Trường TH Tô Hoàng gần 50 HS/lớp nên GV rất vất vả trong việc nhận xét HS, suốt ngày GV chúng tôi phải đi tìm những lời nhận xét, đánh giá HS sao cho đúng với năng lực thực tế của các em. Chính vì thế, GV không có nhiều thời gian để chăm chút HS và GV cũng rất buồn khi bản thân HS không còn hứng thú với các bài tập do GV đưa ra, các em lơ là hơn trong việc học. Từ đó các em thiếu đi sự phấn đấu của bản thân, còn GV thì rất vất vả với đủ loại giấy tờ, sổ sách… Nói chung, GV chúng tôi “yêu” anh TT30 lắm rồi”.

HS lớp 5 Trường TH Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) trong giờ kiểm tra

Lời nhận xét không sát thực

Chúng tôi không biết GV ở TP hay thị xã có “hứng thú” với TT30 hay không? Còn từ CBQL, đến GV ở những vùng sâu, vùng xa như chúng tôi “mệt mỏi” lắm rồi! Đó là nhận định của cô L.T.T.T (CBQL) Trường TH Phú Cường (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Theo cô T. khi thực hiện TT30, CBQL và GV tại cơ sở của mình gặp ba khó khăn lớn: Mặt bằng về năng lực, chuyên môn của GV còn hạn chế về khả năng đánh giá HS; HS và phụ huynh là vùng miền núi, bán sơn địa, có nhiều bản thuộc diện đặc biệt khó khăn về kinh tế, dân trí thấp, do đó việc đánh giá, nhận xét HS sẽ không phát huy được tính tích cực học tập của HS. Các em sẽ không nhìn thấy mục đích cần phấn đấu, do nhận thức của HS còn chậm và không có điểm số để HS làm căn cứ. Phụ huynh phần lớn không đồng tình với việc đánh giá HS không có điểm số, do trình độ dân trí thấp nên việc phụ huynh nhận thức về mặt tích cực của TT30 còn hạn chế; GV gặp rất nhiều khó khăn, vất vả trong việc thiết lập và ghi chép các loại hồ sơ, sổ sách. Muốn đánh giá được HS phải thường xuyên và ghi chính xác vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục (TDCLGD), thì GV cần có sổ ghi chép cá nhân để nhận xét HS hàng ngày, sau đó tổng hợp lại để ghi vào sổ TDCLGD. Bên cạnh đó, mỗi tháng GV phải ghi chép việc đánh giá HS một lần ở các nội dung, lời nhận xét được ghi tại sổ TDCLGD, sau đó lại tiếp tục được sao chép vào phần mềm SMAS 3.0; SEQAP… mất rất nhiều thời gian… Cô T. mong muốn: “Việc nhận xét, đánh giá HS theo TT30 của bộ với cương vị là CBQL chúng tôi cho rằng có tiến bộ, tích cực nhưng bộ không nắm rõ những thuận lợi, khó khăn của các trường tại những vùng xa, vùng sâu, miền núi… rồi vội vàng áp dụng không những gây khó khăn cho CBQL, GV mà bản thân HS cũng không tích cực trong việc học dẫn đến chất lượng giảm sút. Nên chăng, bộ cần có lộ trình cụ thể không kéo dài nhưng cũng không vội vàng áp dụng đại trà, để những trường “đặc thù” như chúng tôi cần phải có thời gian chuẩn bị về mọi mặt mới làm tốt-làm đúng-làm chuẩn theo TT30 được”.

Khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát

Thầy N.K.L, GV Trường TH Võ Văn Kiệt (huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) bức xúc: “Nếu vì việc dạy thêm – học thêm, Bộ GD-ĐT vội vàng cho áp dụng TT30 một cách máy móc để “từ đêm đến sáng” đã giải quyết được vấn đề này… theo tôi, không “thấu tình đạt lý”. Vì muốn làm một việc gì, nhất là việc “trồng người” nếu chúng ta vội vàng, chúng ta sẽ bị trả giá, mà cái giá phải trả rất lớn. Đơn cử như việc đánh giá HS, CBQL chúng tôi phải có “ba đầu sáu tay” mới có thể giám sát, dự giờ được hết tất cả GV của mình. Đơn cử, một lớp 40 em, có em học tốt, có em học khá, cũng có em cần phải được bồi dưỡng thêm mới có thể theo kịp các bạn. Với khối lượng công việc khổng lồ theo TT30, không thể đòi hỏi GV sẽ nhận xét được chính xác từng em một và CBQL cũng không thể có cách nào để giám sát được việc GV nhận xét về em HS đó đúng ưu – nhược hay chưa…”.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước – cho rằng: Vì TT30 ra đời và được đưa vào áp dụng ngay từ năm học 2014-2015 một cách nóng vội, nên chất lượng dạy – học ở bậc tiểu học không nâng lên mà có nguy cơ “tụt hậu”. Điều này được thể hiện từ thực tế là HS không hứng thú trong khi học, còn GV có một núi công việc để làm.

 

Bình luận (0)