Những hiểu biết về lịch sử của tôi phần lớn là do ba tôi hướng dẫn và truyền thụ theo cái cách của riêng ông. Thuở nhỏ, ba thường kể tôi nghe những câu chuyện về lịch sử. Các sự kiện, nhân vật lịch sử luôn được ông kể bằng một giọng văn dễ hiểu và pha chút huyền sử. Dần dần, tâm hồn trẻ thơ của tôi đã trở nên yêu mến lịch sử lúc nào không biết!
Tuổi thơ tôi lớn dần theo năm tháng. Ba tôi mua những quyển truyện tranh, truyện dã sử để tôi đọc và có cảm nhận của riêng mình. Tôi đã từng say mê Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng) và cảm phục lòng yêu nước của Trần Quốc Toản. Tôi đã hiểu và cảm thông với nỗi đau của Nguyễn Trãi trong Sao Khuê lấp lánh (Nguyễn Đức Hiền). Khi đi du lịch đến một nơi nào đó, ba hay đưa tôi đi thăm những di tích lịch sử. Ông muốn tôi chứng kiến tận mắt những minh chứng của lịch sử để khắc sâu hơn kiến thức của mình. Tôi đã đến Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất – TP.HCM) để thấy được những chiếc xe tăng đã góp phần vào chiến thắng lịch sử 30-4-1975…
Điều mà tôi tâm đắc nhất đó là những nhận định của ông về một sự kiện hay một nhân vật lịch sử nào đó. Ví dụ như những điều mà ông nói về Phan Thanh Giản thật mới lạ so với những gì tôi đã học ở trường. Mãi đến khi lớn khôn, có điều kiện tìm đọc thêm những tư liệu lịch sử tôi mới hiểu được những điều mà ba tôi nhận xét về vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ.
Ba tôi không phải là một giáo viên dạy lịch sử nhưng đã làm cho tôi say mê môn học này qua cách dạy của mình. Đọc và cảm nhận về lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam luôn là niềm đam mê của tôi dù tôi không còn là một cậu học sinh ngồi trên ghế nhà trường nữa.
Lê Tấn Thời
(GV Trường THCS thị trấn Chợ Mới, An Giang)
Bình luận (0)