Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cách điều trị bệnh xương khớp

Tạp Chí Giáo Dục

Một ca phẫu thuật cánh tay. Ảnh: T.L

Xương khớp là một trong những bộ phận trọng yếu của cơ thể con người. Khi bị chấn thương hoặc các loại bệnh liên quan đến xương khớp thì cách triều trị không đơn giản. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS.BS Nguyễn Đình Phú – Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM về căn bệnh này.
PV: Thưa BS, những trường hợp nào thì bệnh nhân phải thay khớp háng, khớp gối và khớp vai?
Đó là các trường hợp người bệnh bị thoái hóa khớp độ III gây tổn thương bề mặt sụn khớp, biến dạng khớp và ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động của khớp. Ngoài ra, còn có những trường hợp khác như do chấn thương nặng làm gãy xương phạm khớp, khó bảo tồn khớp thì cũng có chỉ định thay khớp nhân tạo.
Xin BS cho biết các công đoạn tái tạo và cắt sẹo lồi cho bệnh nhân?
Sẹo lồi là do hiện tương tăng sinh mô sợi. Do cơ địa của bệnh nhân, việc phẫu thuật thường ít mang lại hiệu quả cao. Khi có chỉ định phẫu thuật thì thường cắt bỏ mô sẹo nhưng phải để lại phần viền của sẹo và may thẩm mỹ vết thương, đắp gạc chống sẹo tái phát, tạo môi trường ẩm cho vết thương. Sau khi cắt phải theo dõi sẹo tái phát trong 2-3 tháng đầu.
Nối chi thể với mổ đa chấn thương khác ở chỗ nào, thưa BS?
Nối chi thể là nối lại giữa hai bộ phận bị đứt rời nhau: Nối thần kinh, mạch máu, gân cơ và kết xương dưới kính hiển vi. Đa chấn thương là nhiều cơ quan bị chấn thương cùng một lúc trên cơ thể, có nguy cơ tử vong do sốc đau đớn và mất máu.
Khi cánh tay bị liệt thì triệu chứng biểu hiện như thế nào. BS có thể cho biết nguyên nhân và cách phục hồi chức năng cánh tay để được hoạt động trở lại bình thường?
Liệt hay còn gọi là tổn thương đám rối thần kinh cánh tay nguyên nhân chủ yếu do chấn thương. Triệu chứng rõ nhất là bệnh nhân không nhấc cánh tay lên được cũng như không thể dang ra và khép cánh tay lại. Có khi vùng vai cánh tay teo cơ. Cách phục hồi là phẫu thuật khâu nối phục hồi từng sợi thần kinh của đám rối thần kinh cánh tay và chuyển gân giúp phục hồi chức năng.
Thế nào là hội chứng ống cổ tay và cách điều trị, thưa BS?
Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là chèn ép thần kinh giữa ngay ống cổ tay do viêm dày của dây chằng vòng tại cổ tay. Bệnh nhân có cảm giác tê rần 3 ngón tay rưỡi về phía gan bàn tay. Đo điện cơ giúp xác định mức độ chèn ép của thần kinh giữa. Phẫu thuật cắt dây chằng vòng và giải ép dây thần kinh giữa thường mang lại kết quả cao.
Trường hợp nào thì cần sự can thiệp của vi phẫu thuật?
Vi phẫu thuật là thực hiện phẫu thuật dưới kính hiển vi giúp phóng đại các thần kinh, mạch máu nhỏ khó quan sát bằng mắt thường. Các trường hợp nối chi thể bị đứt lìa, các phẫu thuật can thiệp u não, nối lại các thần kinh và mạch máu nhỏ…
BS cho biết những trường hợp nào dễ bị gãy xương và cách cấp cứu tạm thời ngay tại chỗ?
Các bệnh nhân có chất lượng xương kém: Loãng xương, người lớn tuổi thường dễ gãy cổ xương đùi… Cần bất động xương bằng ha i nẹp vượt qua hai khớp và buộc cố định nẹp.
Vật lý trị liệu có vai trò gì trong việc điều trị khớp xương và chấn thương chỉnh hình, thưa BS?
Vật lý trị liệu có vai trò quan trọng trong phục hồi chức năng sau gãy xương hoặc các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Bệnh nhân sớm phục hồi chức năng của khớp, giúp sự tưới máu đến cơ, xương khớp để nhanh chóng lành xương và vận động sớm.
Xin cảm ơn BS rất nhiều.
Phan Ngọc Quang (thực hiện)

Bình luận (0)