Tòa soạnThư đi – tin lại

Cách “học” của tôi!

Tạp Chí Giáo Dục

Trước đây, tôi là đứa con trai thuộc tuýp người chậm chạp, nhút nhát, mặc cảm và sợ sệt. Nhưng từ khi các cuộc thi dành cho học sinh – sinh viên như: Đường lên đỉnh Olympia, Những trang sử vàng, Theo dòng lịch sử, CLB Bạn yêu nhạc… phát sóng trên ti vi, tôi thấy mình có “khí thế” trở lại. Bắt đầu từ lần trên ti vi hỏi câu: “Quốc ca nước ta do ai sáng tác?”. Tôi buột miệng trả lời ngay: “Nhạc sĩ Văn Cao!”. Cả nhà tôi ai cũng ngạc nhiên, rồi tủm tỉm cười khi biết tôi “hoàn toàn chính xác”. Tôi vui lắm và chợt nảy ra một ý trong đầu: “Sao mình không sưu tầm những điều mình không biết?”. Nghĩ là làm, tôi bắt đầu gom các tờ giấy nháp của nhỏ em, đóng thành tập và ghi những điều mình không biết. Ví dụ như: Bác Hồ có tổng cộng bao nhiêu bút danh? Trận bóng được công nhận khi trên sân mỗi đội còn lại ít nhất bao nhiêu cầu thủ? Ô nhiễm môi trường quan trọng nhất ở Việt Nam hiện nay là gì? Con sông nào dài nhất châu Á?… Điều thú vị nhất trong việc sưu tầm những điều chưa biết của tôi là… càng ghi nhiều càng thấy mình lạc hậu, dốt nát. Song, bù lại, tôi đã tự tin hơn khi tham gia trò chuyện với mọi người. Những điều chưa biết trước đây (mà chắc hẳn không phải riêng tôi) bây giờ là… “cẩm nang hộ mạng” để tôi không còn nhút nhát, mặc cảm khi tiếp xúc với người khác. Tôi bắt đầu có bạn, mà là bạn thân nữa. Khi báo chí tổ chức các cuộc thi, câu hỏi trên các games show, hoặc “khán giả cùng leo núi”… bằng một số câu hỏi hóc búa nào đó, thì y như rằng tôi và bạn bè sẽ có dịp bàn bạc, tìm hiểu, trao đổi và… tụi nó năn nỉ tôi bật mí (tất nhiên là điều tôi chắc cú). Bây giờ việc sưu tầm các điều chưa biết là trò giải trí tuyệt vời mà tôi không thể nói “bỏ qua”!
MINH HOÀNG (TP.HCM)

Bình luận (0)