Em Đặng Thị Phượng, học lớp 12A8 Trường THPT Hiệp Bình (TP.HCM) – đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn văn cấp thành phố 2016, đã chia sẻ phương pháp ôn tập môn văn chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Em Đặng Thị Phượng tại thư viện trường |
Học văn như… chơi một trò chơi
Các bạn có thể đọc các bài văn tham khảo, nhưng đọc phải có sự cảm nhận để biến nó thành của mình; cũng có thể sử dụng các ý trong các bài văn tham khảo nhưng nên hệ thống lại cùng với bài học trên lớp để bài văn của mình được hoàn thiện hơn. |
Theo Phượng, việc học văn dễ hay khó là còn tùy thuộc vào cảm xúc của mỗi cá nhân. Riêng với bản thân em, học văn giống như… chơi một trò chơi. “Em thường có thói quen đọc tác phẩm trước cả chương trình học. Từ khi lên lớp 10, em đã tìm đọc các tác phẩm trong chương trình lớp 11 và 12; đọc và tự cảm nhận theo suy nghĩ cá nhân. Đến khi được học tác phẩm, lời giảng của thầy cô sẽ bồi đắp, mở rộng thêm cho em những điều mà em chưa tìm thấy. Em có thói quen ghi âm lại những gì được học bằng chính giọng của mình và nghe lại vào những lúc rảnh rỗi. Cách học này giúp em dễ tiếp thu và nhớ bài lâu hơn. Ngoài ra, em còn tìm đọc các cuốn sách như Hạt giống tâm hồn, Quà tặng trái tim để có những cảm nhận sâu sắc về cuộc sống”, Phượng chia sẻ.
Nói về cách học văn, Phượng cho rằng, học văn không hẳn là quá dễ như cách nhiều người vẫn nói, nhưng cũng không quá khó nếu khi học tạo được sự hứng thú. Văn học mang đến cho người ta sự tưởng tượng, vì vậy khi học phải thật thoải mái mới tiếp thu hiệu quả. “Em thấy nhiều bạn học văn một cách nhồi nhét, đọc hết các sách tham khảo và ép mình phải nhớ hết các ý trong đó. Theo em đây là cách học không hiệu quả, vì mình không thể tiếp thu và nhớ những cái không phải là của mình. Hơn nữa, học văn không chỉ để thi cử, văn còn có thể ứng dụng trong đời sống, cho ta những kinh nghiệm sống giá trị sau này. Ví dụ, những vấn đề trong văn nghị luận sẽ được gặp trong các tình huống của cuộc sống; học văn tốt sẽ giúp chúng ta biết cách sử dụng ngôn từ, có tư duy logic, biết cách biểu đạt ý khi đứng thuyết trình… Do đó, nếu chú tâm học văn từ bây giờ, những giá trị nhận được sau này không hề nhỏ”, Phượng khẳng định.
Ghi lại cảm xúc cá nhân vào sổ Trao đổi với chúng tôi, Phượng cho biết em có thói quen hay viết cảm xúc cá nhân vào một cuốn sổ. Theo đó, em ghi lại cảm nhận của mình về một vấn đề nào đó trong đời sống; sưu tầm lại những câu danh ngôn, câu nói hay của các danh nhân để sử dụng trong các bài văn nghị luận. Ngoài ra, em còn chép lại những bài văn hay của mình để khi cần thiết xem lại. Trên facebook, em thường theo dõi các trang văn học, kỹ năng sống để có thêm nhiều vốn sống, chính kiến cho bài văn của mình… |
Về phương pháp học, Phượng cho biết cách học theo sơ đồ tư duy là phương pháp rất hiệu quả của nhiều người nên các bạn học sinh có thể vận dụng phương pháp này để tự vẽ sơ đồ tư duy theo cách hệ thống của riêng mình để dễ hiểu và dễ học, ôn tập theo từng giai đoạn, từng chủ đề. Khi luyện tập các thể loại văn nghị luận, các bạn học sinh cần nhận ra những lỗi mà mình thường gặp phải để tránh. “Thông thường, lỗi mà các bạn thường gặp phải là lặp từ, chính tả, làm bài không đủ ý. Đối với lỗi lặp từ, các bạn nên đọc lại bài của mình, thấy lặp ở chỗ nào thì tìm từ thay thế ở chỗ đó. Với lỗi sai chính tả, thông thường các giáo viên khi chấm bài sẽ gạch chân dưới các từ viết sai, các bạn nên chú ý và nhờ thầy cô hoặc bạn bè sửa lại, sửa nhiều lần sẽ tự khắc nhớ. Riêng với việc thiếu ý trong bài văn, các bạn nên tạo tâm lý thoải mái, tránh hồi hộp, căng thẳng khi làm bài. Ngoài ra, bạn cũng có thể vạch dàn ý sơ lược trước khi đặt bút làm bài văn”, Phượng cho hay.
Không phải cứ văn mẫu là tốt
Bên cạnh những lỗi nói trên, Phượng cũng chỉ ra cách học văn không hiệu quả nhưng lại được rất nhiều bạn sử dụng, đó là bị phụ thuộc quá nhiều vào các bài văn mẫu, dẫn đến việc rập khuôn, không có chính kiến riêng, thậm chí là copy hoàn toàn ý kiến trong văn mẫu. Phượng chia sẻ: “Không phải bài văn mẫu nào cũng hoàn hảo, vì vậy, các bạn cần bổ sung thêm các ý để hoàn chỉnh hơn. Để bài văn có chính kiến riêng, khi đọc tác phẩm bạn nên tự đặt ra các câu hỏi và tự trả lời các câu hỏi đó, khi không tìm được câu trả lời mới tìm tài liệu tham khảo. Các bạn có thể đọc các bài văn tham khảo, nhưng đọc phải có sự cảm nhận để biến nó thành của mình; cũng có thể sử dụng các ý trong các bài văn tham khảo nhưng nên hệ thống lại cùng với bài học trên lớp để bài văn của mình được hoàn thiện hơn. Từ những gì cảm nhận được, hệ thống được, các bạn viết lại thành bài viết hoàn chỉnh của riêng mình”. Ngoài ra, Phượng cũng lưu ý các bạn học sinh nên học cả những tác phẩm mà nhiều người không thích như: Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Rừng xà nu… Phượng cho biết: “Các tác phẩm đều có cái hay, cái riêng của nó. Có thể ban đầu bạn không thích, nhưng nếu đọc kỹ lại, bạn sẽ phát hiện ra những ý, cách dùng từ rất hay của tác giả”.
Đối với thể văn nghị luận xã hội, Phượng cho biết em thường theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông để nắm rõ các vấn đề đang được xã hội quan tâm hiện nay.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bình luận (0)