Mấy ngày qua dư luận nóng lên chuyện những cuốn sách giáo khoa (SGK) chỉ sử dụng được một lần rồi vứt bỏ gây lãng phí hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm khiến Bộ GD-ĐT phải yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kiểm tra, rà soát đánh giá cụ thể việc in ấn và phát hành SGK nhằm hạn chế tối đa việc học sinh (HS) ghi vào SGK, gây lãng phí. Đồng thời đã có chỉ thị hướng dẫn cách dạy học để HS không viết, vẽ trực tiếp vào SGK nhằm tránh lãng phí như hiện nay.
Thời tôi đi học, khoảng những năm 80 đến 90 của thế kỷ trước phong trào quyên góp SGK cũ tặng cho HS nghèo hoặc bổ sung vào kho thư viện để HS mượn sử dụng được dấy lên rộng khắp ở các nhà trường. Một bộ SGK được sử dụng rất nhiều lần, qua nhiều lứa HS, mà có ảnh hưởng gì đâu đến chất lượng học tập.
Hiện nay chỉ có ở các trường đại học – cao đẳng hầu như sinh viên không phải tốn tiền mua giáo trình để học tập. Hệ thống thư viện ở bậc học này của nước ta đáp ứng tương đối đầy đủ số lượng sách tham khảo cũng như giáo trình học tập cho sinh viên. Sinh viên chỉ thỉnh thoảng mua hoặc photocopy một vài cuốn giáo trình phù hợp với chuyên ngành để nghiên cứu thêm và phục vụ công việc sau này khi ra trường, không có chuyện mỗi người mỗi năm mua một bộ sách như HS phổ thông. Vậy tại sao các thư viện ở nhà trường phổ thông lại không thể đáp ứng được nhu cầu mượn SGK của HS?
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho HS không thể mượn được SGK từ thư viện nhà trường nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu kinh phí đầu tư dành cho các trường phổ thông trong việc mua sắm SGK. Mỗi năm nhà trường cũng như các tổ chức khác như hội cha mẹ HS, cá nhân hảo tâm ủng hộ… cũng chỉ đủ trích một phần kinh phí nào đó mua vài bộ SGK mới và các loại sách tham khảo khác. Chính vì vậy số lượng SGK chỉ đủ để cho GV và một số HS có hoàn cảnh khó khăn sử dụng thì làm sao đến được tay tất cả các HS khác.
Nhưng để giải quyết được vấn đề theo tôi không có nhiều khó khăn lắm. Thư viện nhà trường chỉ cần bỏ ra một phần kinh phí hoặc kêu gọi các em HS cuối cấp tặng hay bán lại bộ SGK, sau đó yêu cầu HS các khối lớp lần lượt đến đổi SGK về dùng. Cụ thể như HS từ lớp 8 lên lớp 9 thì nộp SGK lớp 8 cho nhà trường để nhận SGK lớp 9 (bộ SGK lớp 9 này do HS ra trường tặng hoặc nhà trường mua lại); HS lớp 7 lên lớp 8 thì nộp SGK lớp 7 nhận lại SGK lớp 8 nhà trường vừa thu nhận từ HS lớp 8 lên lớp 9, các HS lên lớp 6, lớp 7 cũng làm tương tự như vậy. Nhà trường chỉ cần thu mỗi em vài ngàn đồng làm kinh phí bảo quản sách cũng như thu hồi lại số vốn bỏ ra lúc ban đầu mua những bộ SGK cuối cấp học. Làm được như vậy có thể nói rằng tất cả HS đều có thể mượn và sử dụng SGK miễn phí từ thư viện cũng như có ý thức bảo quản sách tốt, nếu ghi chép, làm bài tập thì chỉ thực hiện bằng bút chì để dễ dàng tẩy xóa.
Thiết nghĩ đây là một việc mà tất cả các thư viện ở nhà trường phổ thông rất cần làm vì nó vừa đơn giản vừa mang lại lợi ích to lớn, nhất là trong hoàn cảnh đất nước đang cần tiết kiệm như hiện nay. Ngoài lợi ích kinh tế thì kèm biết bao nhiêu lợi ích khác như giáo dục được HS có được ý thức giữ gìn sách vở, tinh thần tiết kiệm, tinh thần tương thân tương ái…
Văn Thi Hoàng
(Trường THCS Phan Bội Châu, Hội An, Quảng Nam)
Bình luận (0)