Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Cách ly” điện thoại khỏi phòng thi

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Kiến trúc giữ giùm đồ đạc, túi xách cho thí sinh tại đợt 1 kỳ thi ĐH, CĐ 3013

Đợt 2 kỳ thi ĐH, CĐ 2013 diễn ra trong 2 ngày 9 và 10-7. Một trong những khuyến cáo quan trọng của Bộ GD-ĐT đối với thí sinh là tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi để khỏi bị “tước quyền thi đấu”!
Đợt 1 của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đã kết thúc nhưng câu chuyện xung quanh những chiếc điện thoại vẫn còn nóng. Trừ một trường hợp thí sinh thi hộ, còn lại đa số trong 111 thí sinh bị đình chỉ thi đợt này đều “dính” lỗi liên quan đến điện thoại. Ông Đỗ Quốc Anh (Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) nhận định, chuyện thí sinh mang điện thoại vào phòng thi đã trở thành lỗi cố hữu, bởi mùa tuyển sinh năm nào vấn đề này cũng được nhắc nhở. Rõ ràng, những thí sinh mang điện thoại vào phòng thi khó có thể đổ lỗi cho việc mình… quên! Bởi theo ghi nhận của phóng viên, tại những buổi tập trung làm thủ tục dự thi hay đầu mỗi buổi thi, các cán bộ coi thi đều nhắc rất kỹ thí sinh vấn đề này. Hơn nữa, hầu hết thí sinh dự thi ĐH đều đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đó nên các em đã nắm rõ quy chế. Thậm chí có những em đã dự thi suôn sẻ và đúng quy chế ở ngày thi đầu tiên nhưng đến ngày cuối lại “đụng” đến điện thoại.
Để kỳ thi đợt 2 diễn ra suôn sẻ, trước hết thí sinh cần ý thức cao trong việc tuân thủ quy chế. Tuy nhiên, phía các trường cũng cần chủ động và hỗ trợ tốt hơn nữa việc giữ đồ, nhất là điện thoại cho thí sinh. Nếu yên tâm không sợ mất điện thoại vì được giữ giùm sẽ hạn chế rất lớn tình trạng thí sinh mang vào phòng thi. Được biết, tại một số trường như: ĐH Kiến trúc TP.HCM, Học viện Hành chính quốc gia (cơ sở TP.HCM)… nhiều năm nay đều bố trí lực lượng sinh viên tình nguyện giữ đồ giúp thí sinh khá bài bản. Mỗi thí sinh khi gửi đồ đều được phát phiếu tránh thất lạc.
Trong khi đó, tại rất nhiều hội đồng thi khác, thí sinh không khỏi lo lắng khi phải để dồn đồ đạc, vật dụng cá nhân, điện thoại… chung với nhau ngoài hành lang, dễ dẫn đến tình trạng thất lạc hay “cầm nhầm”.
M.T

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)