Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cách ly tập trung F1 khiến phụ huynh chưa muốn cho con đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội chưa muốn cho con đi học vào thời điểm này chia sẻ điều họ lo lắng nhất hiện nay là theo như hướng dẫn, nếu chẳng may con họ trở thành F1 sẽ phải cách ly tập trung, không được về nhà.

F1 ở Hà Nội cách ly ngay tại trường, TP.HCM vẫn đi học bình thường

Nhiều phụ huynh cho hay, lo lắng nhất cho con đến trường thời điểm này là có trường hợp cùng lớp là F0 hoặc vô tình tiếp xúc với F0 trong trường thì các con mặc nhiên trở thành F1 và lại phải cách ly tập trung, bố mẹ không thể hỗ trợ gì, chưa kể nguy cơ lây lan dịch bệnh khi sinh hoạt tập thể.

Văn bản hướng dẫn liên ngành về phương án phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học của Sở GD-ĐT, Sở Y tế TP.Hà Nội quy định: “Tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 (khi phát hiện ở trường) được coi là F1, phải được cách ly ngay tại lớp đó. Học sinh, giáo viên ở lớp khác mà là F1 thì tách ngay ra một khu vực riêng để tổ chức cách ly theo quy định”.

Với hướng dẫn này, nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, hiện nay TP. Hà Nội đã cho phép F1, F0 nhẹ cách ly tại nhà với những điều kiện cụ thể kèm theo nhưng hướng dẫn xử trí với F0, F1 tại trường lại không thấy nói sau khi xét nghiệm, có kết quả âm tính, các cháu có được về nhà tự cách ly theo quy định hay không, hay là như thế nghĩa là đi cách ly tập trung luôn?

Do vậy, họ chọn "phương án an toàn nhất" là cho con học trực tuyến, nếu chẳng may trở thành F0, F1 vẫn được cách ly y tế tại nhà theo quy định hiện hành của TP.Hà Nội.

Chị Bích Thảo, có con học lớp 1 ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội), chia sẻ mong muốn con đi học nhưng hình ảnh các cháu bé phải "khăn gói" đi cách ly tập trung, xa vòng tay gia đình lâu nay vẫn ám ảnh chị. "Chúng nó bé bỏng như thế mà chẳng may trong lớp có F0, lại bị "nhốt" ở trường 14 ngày thì bố mẹ nào yên tâm được!", chị Huế nói.

Cách ly tập trung F1 khiến phụ huynh chưa muốn cho con đến trường  - ảnh 1

Phụ huynh lo nhất con đến trường trở thành F1 và phải cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm liên tục. ẢNH LÊ TÂN

Bắc Ninh cũng đã tiến hành điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà. Tuy nhiên, hướng dẫn xử trí F1 tại trường học lại yêu cầu "đưa đi cách ly".

Trong khi đó, tại TP.HCM, theo hướng dẫn của Sở Y tế TP này, việc xử trí F1 tại trường học rất linh hoạt. Cụ thể, nhà trường theo dõi F1. Những F1 đã tiêm vắc xin đủ liều hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn được đi học và làm việc bình thường, nhưng tuân thủ nguyên tắc 5K. Nhóm này sẽ được xét nghiệm lại vào các mốc thời gian quy định.

Cũng theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM: “Trường hợp F1 chưa tiêm vắc xin đầy đủ hoặc tiêm đủ nhưng có yếu tố nguy cơ như béo phì, mắc bệnh nền, sẽ được cách ly tại nhà theo quy định, khai báo sức khoẻ mỗi ngày cho nhà trường và trạm y tế địa phương”.

Cần quan tâm tinh thần của học sinh là F1

Trong buổi chia sẻ mới đây về việc có nên cho học sinh đến trường vào thời điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, chia sẻ ông không lo việc trẻ nhiễm bệnh khi đi học lại, đây là điều không thể tránh và hầu hết trẻ nhiễm Covid thường rất nhẹ và nhanh khỏi, trừ các trường hợp trẻ quá thừa cân, béo phì.

Tuy nhiên, ông chia sẻ nỗi lo lắng với các bậc phụ huynh về việc xử trí khi trong lớp, trong trường có F0, và con họ trở thành F1. Nếu các trường phong tỏa, cách ly tập trung học sinh và liên tục “chọc mũi” xét nghiệm thì sẽ kéo theo nhiều phản ứng từ phụ huynh. Họ hoang mang khi có thể rơi vào tình cảnh bị cảnh bị phong tỏa, cách ly bất cứ lúc nào.

Cách ly tập trung F1 khiến phụ huynh chưa muốn cho con đến trường  - ảnh 2

Nỗi ám ảnh khi học sinh còn nhỏ nhưng phải "khăn gói" đi cách ly tập trung. CTV

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, rất cần có một kịch bản cụ thể cho các quy trình hoạt động ở trường. Đặc biệt, kịch bản quan trọng nhất không phải là có F0 hay không, mà là khi có F0 thì cần làm gì, để việc đi học của trẻ, tâm lý của trẻ không bị xáo trộn quá nhiều.

Bác sĩ Khanh cho rằng: “Điều cần quan tâm không phải là đứa trẻ F0 sẽ thế nào mà là tinh thần của học sinh còn lại, của phụ huynh, của giáo viên cho đến anh bảo vệ… Tất cả những người liên quan cần hiểu được quy trình, được chuẩn bị về tâm lý để tránh hoảng loạn”.

Cũng theo bác sĩ Khanh, ông mong đợi hướng dẫn cụ thể cho việc mở cửa trường học, các trường cần được diễn tập trước khi đón học sinh trở lại trường để tránh “rối tung lên” khi có F0, F1…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn trường học mở cửa trở lại và không chỉ được vài bữa lại "biến" thành khu cách ly tập trung, các hướng dẫn về xử trí trường hợp F1 trong trường học phải khoa học, rõ ràng hơn; tạo sự yên tâm cho phụ huynh nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch.

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)