Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Cách mạng công nghiệp 4.0: Ngại khó sẽ… thất nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

“Trong khoảng 5 năm tới, hàng loạt ngành nghề cũ sẽ mất đi, giảm hơn 70% lao động gia công thủ công, thay vào đó nhiều ngành nghề mới và nhân lực mới được thay thế. Thế giới cần những ngành nghề có chất lượng cao, người lao động cần được đào tạo bài bản… Nếu vẫn còn ngại khó giới trẻ sẽ không thể cạnh tranh được với lực lượng lao động công nghệ và lao động từ bên ngoài”.

Ông Hà Thanh Tân chia sẻ về kỹ năng hội nhập cuộc CMCN 4.0 với học sinh Trường THPT Trần Văn Ơn. Ảnh: A.Hoàng

Đó là chia sẻ đầy tâm huyết của ThS. Nguyễn Mai Lâm (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Giáo dục quốc tế Restart) tại chương trình “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐH Tân Tạo và ĐH FPT tổ chức cuối tuần qua tại Trường THPT Trần Văn Ơn (Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ngoài ThS. Lâm, chương trình còn có sự góp mặt của các chuyên gia: ThS. Nguyễn Ngọc Duy (Giám đốc Công ty Chẩn đoán và phát triển tinh thần Khởi Nguồn); ông Hà Thanh Tân (Giám đốc Tuyển sinh ĐH Tân Tạo, Tổng Giám đốc bệnh viện Tân Tạo); ThS. Nguyễn Phương Thảo (Phó phòng Tuyển sinh ĐH FPT).

Hơn 70% lao động thủ công sẽ bị thay thế

Chia sẻ về cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, ThS. Nguyễn Mai Lâm bắt đầu từ những thành tựu của con người khi phát minh ra động cơ hơi nước, phát minh điện, máy tính và kết nối Internet, trong đó mỗi một thành tựu tương ứng với một cuộc CMCN làm biến đổi đời sống xã hội. Dựa trên những thành tựu cũ, cuộc CMCN 4.0 được dự đoán sẽ phát triển như vũ bão dựa trên 3 trụ cột chính: kỹ thuật số (trí tuệ thông minh nhân tạo, vạn vật được kết nối, cơ sở dữ liệu lớn); công nghệ sinh học (kết nối gen AND, y khoa, dược, công nghệ thực phẩm, môi trường) và vật lý (robot tự động, vật liệu xây dựng thông minh, công nghệ in 3D). “Ba yếu tố trên không tách rời nhau, nó sẽ làm thay đổi toàn bộ đến đời sống con người từ ăn, mặc, ở, đi lại, việc làm… Robot có khả năng tư duy như con người xuất hiện, vật liệu thông minh, liên kết vạn vật, nhà ở thông minh có khả năng cảm biến tự thay đổi nhiệt độ, thức ăn tiện lợi… Những điều mà chúng ta thường xem là khoa học viễn tưởng hiện đang hiện thực hóa ở một số nước trên thế giới. Cả thế giới đang ghi nhận và chỉ cách chúng ta vỏn vẹn vài năm ngắn ngủi”, ThS. Lâm cho biết.

Ông nói thêm: Một khi cuộc CMCN 4.0 đã thật sự diễn ra thì có tới 70% lao động gia công thủ công sẽ mất đi vì nhiều ngành nghề cũ không còn, thay vào đó sẽ có nhiều ngành nghề mới và nhân lực mới được thay thế. “Người ta cần những ngành nghề chất lượng cao, do đó lực lượng lao động cũng đòi hỏi chất lượng cao, tức là được đào tạo một cách bài bản. Điều đó cho thấy, trong giai đoạn sắp tới học tập vẫn là nhân tố quyết định. Tuy nhiên, các ngành đào tạo cũng phải thay đổi làm sao để thích ứng kịp thời. Nếu không thay đổi, đào tạo ra sẽ không thể giải quyết được nhu cầu việc làm… Cuộc CMCN 4.0 chắc chắn sẽ biến đổi tất cả đời sống xã hội. Tuy nhiên, dù có thay đổi như thế nào thì sự thay đổi đều bắt nguồn từ chính chúng ta, và sự thay đổi phải bắt nguồn từ chính hôm nay”, ThS. Lâm nhận định.

Đừng ngại khó

Theo ThS. Nguyễn Ngọc Duy, thực tế hiện nay hơn 300 ngàn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp đã là con số đầy thách thức. Nếu giới trẻ không sẵn sàng thích ứng với cuộc CMCN 4.0 thì con số lao động thất nghiệp ắt sẽ tiếp tục gia tăng vì không thể đáp ứng được nhu cầu công việc của xã hội hiện đại, không thể cạnh tranh với máy móc và nguồn lao động từ bên ngoài. “Chỉ trong 5 năm nữa, cuộc CMCN 4.0 sẽ thật sự làm thay đổi xã hội, các em sẽ chính thức trở thành lực lượng lao động chính, trở thành công dân toàn cầu. Trong giai đoạn nước rút này, các em phải thật sự nghiêm túc để sẵn sàng hành trang bước ra thế giới, đương đầu với kỷ nguyên này”.

ThS. Duy cho biết thêm, để trở thành công dân toàn cầu, đương đầu được với cuộc CMCN 4.0, ngoài chọn ngành chọn nghề phù hợp với đam mê, khả năng, giới trẻ cần phải trang bị những kỹ năng thiết yếu như: giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo (tư duy cái mới, tránh lối mòn của người khác), tác phong công nghiệp (bắt đầu từ đúng giờ, ngăn nắp gọn gàng, tác phong nhanh nhẹn…) và thái độ đam mê công việc. Ngoài ra giới trẻ cũng đặc biệt cần phải tăng cường ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Học sinh Trường THPT Trần Văn Ơn bày tỏ băn khoăn làm thế nào để trở thành công dân toàn cầu. Ảnh: A.Hoàng

Đồng quan điểm trên, ThS. Nguyễn Phương Thảo chia sẻ, thay vì ngồi lo sợ thì ngay từ bây giờ giới trẻ đừng nên ngại khó mà phải tập trung rèn luyện để khắc phục điểm yếu, bồi bổ thêm những điểm mạnh cho mình. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, việc rèn luyện có thể bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như: Rèn luyện tác phong học tập, đi đúng giờ, xây dựng kỷ luật, trau dồi ngoại ngữ (có thể tiếng Anh hoặc nhiều ngoại ngữ). “Ngoài tác phong, nhà tuyển dụng cũng chú trọng đến kinh nghiệm làm việc. Từ bây giờ, các em nên hướng đến việc sử dụng quỹ thời gian khi còn ngồi trên ghế nhà trường để làm thêm những công việc liên quan đến ngành nghề mình đang học, và quá trình thực tập phải nỗ lực để giúp mình có thêm những điểm cộng với nhà tuyển dụng”, ThS. Thảo nhắn nhủ.

Trước băn khoăn của nhiều học sinh về vấn đề “ra nước ngoài du học mới trở thành công dân toàn cầu”, ông Hà Thanh Tân nhấn mạnh: Cách hiểu ra nước ngoài du học mới trở thành công dân toàn cầu là máy móc. Thực tế, trong thời đại 4.0 thì học tập và làm việc tại Việt Nam cũng được kết nối toàn cầu. “Điều quan trọng không phải học ở đâu mà học trong môi trường như thế nào và các em đã thật sự có đam mê với ngành nghề mình chọn hay chưa? Đã thật sự nỗ lực để thay đổi mình chưa hay còn ngại khó? Nếu học tập và làm việc với tinh thần say mê, luôn nỗ lực tìm tòi sáng tạo cái mới thì tin chắc cơ hội việc làm luôn rộng mở…”, ông Tân phân tích.

Thương Thương

 

 

Bình luận (0)