Bằng kỹ thuật tiên tiến, các bác sĩ tại Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đã giải thoát cho nhiều bệnh nhân khỏi nỗi đau đớn hành hạ do viêm loét kéo dài. Đây là phương pháp lần đầu tiên được nghiên cứu và ứng dụng tại Việt Nam với tỷ lệ thành công là 100%.
Gần 10 năm chung sống với vết loét
BS Viện Bỏng đang thay môi trường cho tế bào nuôi cấy để chuẩn bị ghép da cho bệnh nhân bị vết loét. Ảnh: TL
|
Bệnh nhân N.T.N. (55 tuổi, ở Hà Nội) bị ung thư vú phải cắt bỏ một bên vú từ năm 1998 và được chiếu tia xạ. Sau khoảng 6 tháng chiếu tia xạ, chị N. phát hiện thấy bên hõm nách, nơi được chiếu tia xạ có một vết thương nhỏ. Theo thời gian, vết thương cứ to dần và sâu hơn khiến chị N. mất ăn mất ngủ, thường xuyên phải uống thuốc ngủ. Với hy vọng sẽ chấm dứt chuỗi ngày kinh hoàng vì vết thương hành hạ, gia đình đã đưa chị N. đi khám tại nhiều bệnh viện trong và ngoài nước nhưng không đâu chữa khỏi. Gần 10 năm chung sống với vết loét, chị N. không nhớ nổi đã uống bao nhiêu viên thuốc giảm đau, kháng sinh… May mắn đến với chị N. khi biết tin Viện Bỏng quốc gia có phương pháp mới để điều trị căn bệnh của chị.
Sau này khi đến Viện Bỏng quốc gia, các bác sĩ cho biết, nếu để thêm một thời gian nữa, vết thương sẽ ăn sâu vào cơ thể làm lộ dây thần kinh cánh tay, liệt tay và bục động mạch nách dẫn tới trụy tim và tử vong. Các bác sĩ đã dùng phương pháp chuyển vạt da để điều trị vết thương, và sau một tháng, cánh tay chị N. đã phục hồi dần, không còn đau đớn.
Còn bệnh nhân N.T.T., 30 tuổi ở Hà Nội thì bị viêm đa khớp dạng thấp gây biến dạng các khớp và suy tĩnh mạch hai chi dưới nên hai cẳng chân bị viêm loét nặng. Mỗi lần đi lại, vận động, T. phải nhờ sự trợ giúp của người nhà hoặc ngồi trên xe lăn. Không chỉ khó khăn trong sinh hoạt, những vết loét sưng tấy và mưng mủ liên tục khiến T. rất đau đớn. Ròng rã 10 năm trời, cứ nghe ở đâu có thầy hay, thuốc giỏi, gia đình lại lặn lội đưa T. đi chữa nhưng vết thương cứ ngày càng loét rộng hơn. Nhờ một người quen chỉ dẫn, T. được đưa đến Viện Bỏng, và sau gần 3 tháng điều trị, T. đã tự mình đi được những bước đầu tiên.
Thành tựu mới của y học Việt Nam
Theo TS. Đinh Văn Hân, Chủ nhiệm Khoa nghiên cứu ứng dụng trong điều trị bỏng, phương pháp này có tên gọi là ghép nguyên bào sợi đồng loại nuôi cấy điều trị cho các bệnh nhân bị vết loét mạn tính do bệnh lý hoặc sau xạ trị ung thư. Riêng trong năm 2008, hơn 100 bệnh nhân đã được điều trị và tỷ lệ thành công là 100%.
Theo TS. Hân, qua nghiên cứu ứng dụng ghép nguyên bào sợi đồng loại nuôi cấy điều trị cho 32 bệnh nhân có vết thương mạn tính do loét tỳ đè, tiểu đường, bỏng chậm liền, tai nạn, suy tĩnh mạch chi, kết quả thu được rất khả quan. Phương pháp này có tác dụng điều trị khỏi một số vết thương mạn tính vốn không liền bằng các phương pháp điều trị truyền thống.
TS. Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng quốc gia cho biết: Đây là phương pháp mới được áp dụng tại Việt Nam. Theo đó, hai lớp tế bào quan trọng nhất làm liền vết thương là lớp tế bào sừng (tế bào biểu mô) và nguyên bào sợi (tế bào trung bì) được nuôi cấy. Với công nghệ này, chỉ cần một phần da rất nhỏ, sau khi nuôi cấy các tế bào da có thể tạo ra mảnh da với diện tích theo ý muốn để ghép cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hân cho biết, để có được da nhân tạo, trước tiên lấy các tế bào mầm (của tế bào sợi, sừng) đưa vào môi trường nuôi cấy rồi cấy lên các màng nền (có thể bằng silicon, collagen, polymer đồng loại…) tạo thành một giá đỡ cho các tế bào da bám vào phát triển, kích thích quá trình tăng sinh mạch máu tổn thương, tiết ra chất làm liền vết thương. Bằng phương pháp này, có khi chỉ sau một tuần đã có thể ghép mảnh da nhân tạo này lên vết thương, sau đó các tế bào da (sừng, sợi) sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi lành vết thương.
Theo TS. Lê Năm, phần lớn bệnh nhân bị loét là do tai nạn giao thông dẫn tới liệt. Vết thương phần mềm này còn gặp ở những người già nằm một chỗ lâu ngày, hoặc người bị dị ứng gây loét lở, bệnh nhân tiểu đường, suy tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch, suy van tĩnh mạch, vết bỏng lâu lành, bệnh về hệ thống miễn dịch da… Đặc biệt, khá nhiều bệnh nhân bị ung thư phải xạ trị dẫn tới loét. Tốc độ và thời gian thu hẹp vết thương phụ thuộc vào các yếu tố như diện tích tổn thương, độ sâu, vị trí của vết thương, thể trạng của bệnh nhân, các bệnh toàn thân như tiểu đường, cao huyết áp…
GS.TS. Lê Năm khuyến cáo những bệnh nhân bị ung thư phải tia xạ khi thấy xuất hiện vết loét cần đến cơ sở chuyên khoa khám ngay, không tự ý chữa tại nhà vì dễ làm vết thương tiến triển theo chiều hướng xấu. Còn theo bác sĩ Hân, nếu để vết loét lâu không điều trị sẽ viêm nhiễm kéo dài làm cơ thể mất dịch, mất chất dinh dưỡng và suy kiệt. Trường hợp cơ thể có sức đề kháng kém sẽ dẫn tới viêm phổi, viêm đường tiết niệu…
Thu Hiền (SK&ĐS)
Bình luận (0)