Các bậc phụ huynh phải thường xuyên chăm sóc để bảo vệ mắt cho bé vì bé chưa biết tự bảo vệ mắt cho mình. Ảnh: I.T |
Chuyện bụi bay hay hóa chất văng vào mắt trẻ là điều rất dễ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng bằng cách nào để mắt trẻ không bị tổn thương sau những tai nạn này không phải ai cũng biết. Đôi khi, chính phụ huynh có những cách bảo vệ mắt không đúng là nguyên nhân gây tổn thương mắt của trẻ.
Những tai nạn thường gặp
Vì mải lo nấu ăn nên chị Nga để cho bé Quỳnh Anh (2 tuổi) chơi một mình. Bỗng nhiên, chị nghe bé khóc thét lên, chạy lại thì thấy con đang giụi mắt rất mạnh. Hỏi ra mới biết, do với lên khung cửa sổ, bé bị bụi rơi vào mắt. Ba bé, anh Nam vội giữ tay con để bé không giụi mắt nữa, chị Nga thì vừa dỗ ngọt bé, vừa cố lấy tay mở mắt con ra để thổi bụi, nhưng bụi đâu không thấy bay ra mà bé khóc mỗi lúc càng lớn hơn. Lúc này, vợ chồng chị mới quyết định chở con đến bệnh viện. Tới nơi, mắt Quỳnh Anh đã đỏ và sưng to lên, bác sĩ lấy được bụi ra nhưng mắt bé bị xước giác mạc do giụi mắt quá nhiều.
Vừa đi làm về, chị Hoa phải vội đưa cu Boy (3 tuổi) đến cơ sở y tế gần nhà để khám mắt cho con. Bác sĩ cho biết mắt bé bị bỏng nhẹ giác mạc. Bé Thùy Linh, chị cu Boy kể lại: “Khi con hòa xà bông để giặt khăn, bọt lên rất nhiều, cu Boy thấy vậy thích quá liền đến nghịch nhưng không may bị bọt và nước xà bông bắn vào mắt. Con đã lấy nước rửa nhưng cu Boy cứ khóc và mắt càng đỏ lên”.
Trường hợp của Quỳnh Anh và cu Boy bị tổn thương mắt khi chơi nghịch là do còn nhỏ, không ý thức được sự nguy hại khi mắt bị tổn thương. Hiện nay, nhiều bà mẹ còn thích “diện” cho con mình những chiếc kính được mua tại các nơi không rõ nguồn gốc rất ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc. Trường hợp chị Lan có thói quen đeo kính râm lúc con đi nhà trẻ. Chị cho rằng, đeo kính râm để mắt bé đỡ bị chói và không bị bụi, hơn nữa con chị rất thích. Cũng nhờ thích đeo kính mà con chị rất hào hứng đi học, nhưng thỉnh thoảng khi đón con về nhà, thấy con cứ giụi mắt và có vẻ rất mệt mỏi khi nghe bạn bè nói rằng loại kính này làm cho mắt bé phải điều tiết mạnh, không tốt nên mắt rất mỏi, luôn có cảm giác buồn ngủ, chị mới tá hỏa và không đeo cho con nữa.
Những điều giúp tránh tổn thương
Khi bị bụi, bé thường có phản xạ dùng tay giụi, càng giụi sẽ làm bụi dính chặt hơn và sẽ khó ra hơn. Lúc này, cha mẹ nên bình tĩnh tìm cách lấy bụi ra cho con. Không ít cha mẹ vì luống cuống mà không biết cách lấy, chậm mang đến cơ sở y tế gần nhà khiến cho vết thương nặng hơn, rất nguy hiểm. Giác mạc mắt bé rất mỏng và mềm, chuyện bị tổn thương do rách giác mạc, viêm nhiễm, thậm chí có thể bị mù nếu như không biết cách sơ cứu đúng và kịp thời.
Nhiều người có thói quen đeo kính râm khi ra đường nhằm một phần che bụi và một phần để mắt đỡ chói. Nhưng những loại kính bình thường không lớp UV ngăn các tia tử ngoại, khi đeo vào rất hại cho mắt.
NGỌC TRINH
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Cảnh, Khoa Mắt – Bệnh viện Hòa Hảo: “Nếu mắt bé bị bụi bay vào, nên cố gắng giữ tay bé, đừng để cho bé giụi mắt. Sau đó, dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ mở hai mí mắt của bé rồi tìm bụi hoặc có thể nhỏ nước vào, khuyên bé đảo mắt từ từ để bụi có thể ra. Khi bụi bay vào con ngươi và giác mạc thì không nên tự lấy mà nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu kịp thời. Trường hợp bị hóa chất bắn vào mắt bé thì nên dùng nước sạch rửa mắt, lau khô rồi chuyển bé đến trung tâm y tế gần nhất…”. |
Bình luận (0)