Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cách nào giúp thành phố hết ngập?

Tạp Chí Giáo Dục

Sau vụ ngập nặng ở TP.HCM do ảnh hưởng của cơn mưa chiều tối 26-9 khiến đời sống của người dân bị đảo lộn, người dân vẫn tiếp tục lo lắng trước khi Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo sẽ còn nhiều cơn mưa lớn trong những ngày tới. Chuyên gia giao thông – TS. Phạm Sanh cho rằng thành phố cần điều chỉnh lại quy hoạch và hệ thống thoát nước để có phương án chống ngập hiệu quả và bền vững.

Cơn mưa lớn vào chiều 26-9 khiến nhiều nơi ở TP.HCM chìm trong biển nước. Ảnh: Yên Hà

Lỗi do cống và hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh

Theo chuyên gia giao thông – TS. Phạm Sanh, lỗi cơ bản gây ngập thành phố là do hệ thống cống quá nhỏ, quá thiếu, và hệ thống thoát nước không hoàn chỉnh. Nếu như thành phố có được hệ thống thoát nước như các thành phố khác trên thế giới, nghĩa là vừa có cống, vừa có kênh mương, hồ điều tiết, hầm hoặc giếng ngầm xử lý sự cố thì mọi chuyện đã khác.

TS. Phạm Sanh lưu ý, vấn đề chống ngập của thành phố đã làm mấy chục năm nay với rất nhiều chương trình, dự án chống ngập. Tuy nhiên, tình trạng ngập nước dường như chưa được khắc phục. Nguyên nhân do xả rác, do ý thức hoặc do trời mưa lớn, triều cường chỉ là những yếu tố tác động làm cho cái ngập phức tạp hơn, cái chính là do hệ thống cống của thành phố rất nhỏ. Chưa kể, có một số khu dân cư tự phát còn không có cống nước, hoặc những quận mới như quận 2, quận 9, Bình Tân thiếu cống. Thậm chí những nơi có cống rồi nhưng kích cỡ rất nhỏ, không thông với mặt đường, có thể bị bít do rác, do thiết kế sai, không được bảo trì tốt, nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất vẫn là do không thông ở đầu ra. Đầu ra ở đây là kênh rạch, ao hồ, thì thành phố mình không có, do mùa khô bị lấp hoặc bị lấn chiếm…

Bài toán chống ngập thành phố hiện nay vẫn không bền vững, được thể hiện rõ là quy hoạch kênh thoát nước Nhiêu Lộc – Thị Nghè và quy hoạch 5208 về chống ngập do triều, do mưa. TS. Sanh khuyến cáo hai quy hoạch này không ăn nhập với nhau và đã lạc hậu vì tình hình mưa gió nay có nhiều biến đổi, số liệu phát triển đô thị và thực tế năng lực của hệ thống thoát nước cũng đã khác trước. Tuy nhiên, thành phố vẫn làm theo quy hoạch cũ, thêm vào đó là cống rãnh đã thiếu, tiêu chuẩn sai thì nước ngập là bình thường. Dự kiến, trong một hoặc hai năm nữa, nếu thành phố không thấy rõ bất cập này thì tình trạng ngập sẽ còn tệ hơn nhiều. Vì thành phố lún xuống nhiều hơn, đường cống sẽ bị hư, bị bồi lấp nhiều hơn, kênh mương bị lấn chiếm nặng hơn.

Cần có hệ thống xử lý những cơn mưa sự cố

Để làm được điều này, TS. Phạm Sanh cho rằng thành phố nên ngồi lại và mời chuyên gia giao thông có tâm, để cùng đánh giá lại hiệu quả 20 năm chống ngập và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. Trong thời gian này, thành phố không nên thực hiện những dự án tiếp theo, vì làm như vậy có thể chống ngập được chỗ này, lại phát sinh điểm ngập mới, khi khắc phục được chỗ mới thì chỗ cũ lại tái ngập lại. Đến một lúc nào đó, cộng hưởng nhiều yếu tố bất lợi như triều lên, đất lún, cống hư, hoặc dân xả rác thì thành phố sẽ trở thành một cái ao, chứ không phải là nhiều cái ao như hiện nay.

Chuyên gia giao thông – TS. Phạm Sanh

Nhằm giúp công tác chống ngập thực hiện có hiệu quả, bên cạnh cơ quan chức năng như Sở Giao thông vận tải, cơ quan chống ngập, TS. Sanh cho rằng cần có sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng, vì tiêu chuẩn thoát nước đô thị thuộc đơn vị này. Đặc biệt, cần có ý kiến từ Thủ tướng, vì vấn đề ngập của TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đà Lạt đã trở thành vấn đề phức tạp, chứ không đơn thuần là chuyện mưa lớn, ngập nước, rồi hôm sau hết ngập.

Theo kinh nghiệm của TS. Phạm Sanh, trong việc kiến thiết hệ thống thoát nước, tiêu chuẩn thiết kế cống nên làm theo tiêu chuẩn của thế giới và cần có sự tiên lượng về thời gian. Tránh tình trạng lấp rồi lại đào như thực trạng của kênh Hàng Bàng, cải tạo lại rạch Xuyên Tâm… Ví dụ như đường cống 20 năm, đường mương 50 năm thì không cho dân hoặc nhà đầu tư san lấp, hoặc trận mưa trong năm thì cần làm những hồ chứa phù hợp. Đặc biệt, thành phố cần có hồ điều tiết, hầm dự trữ, hệ thống giếng ngầm để có thể giải quyết những trận mưa sự cố, tương tự như cơn mưa lớn vào chiều 26-9, được xem là lớn nhất trong vòng 40 năm qua.

Nhằm giúp công tác chống ngập thực hiện có hiệu quả, bên cạnh cơ quan chức năng như Sở Giao thông vận tải, cơ quan chống ngập, TS. Sanh cho rằng cần có sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng, vì tiêu chuẩn thoát nước đô thị thuộc đơn vị này. Đặc biệt, cần có ý kiến từ Thủ tướng, vì vấn đề ngập của TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đà Lạt đã trở thành vấn đề phức tạp, chứ không đơn thuần là chuyện mưa lớn, ngập nước, rồi hôm sau hết ngập.

Vũ Phương

 

Bình luận (0)