Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cách nào giúp trẻ thoát đuối nước?

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là phương pháp bơi tự cứu (BTC), đang được phổ biến rộng rãi trên báo chí, youtube, facebook nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Bài thực hành BTC của tiến sĩ Phạm Anh Tuấn (ảnh nhân vật cung cấp)

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm nước ta có khoảng 370.000 trường hợp tử vong do đuối nước. Trong đó, hơn 50% trường hợp chết đuối có độ tuổi dưới 25, độ tuổi có nguy cơ chết đuối cao nhất là dưới 5 tuổi. Tình trạng này dường như xảy ra nhiều hơn vào những ngày hè. Do đó ngoài việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống đuối nước, cần một cách khác giúp người đang lâm nạn có thể sống sót, kéo dài thời gian chờ cứu hộ, dù họ chưa hề biết bơi. Đó là phương pháp BTC, đang được phổ biến rộng rãi trên báo chí, youtube, facebook nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Không biết bơi vẫn có thể thoát khỏi đuối nước

Người sáng tạo ra phương pháp hữu ích này là tiến sĩ Phạm Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm E-Bơi, Hà Nội). Ông cho biết, phương pháp BTC có thể học một cách đơn giản ngay ở trên cạn, ở nhà, hoặc bất cứ nơi nào. Ngay cả những người không có điều kiện học bơi thì cũng có thể học phương pháp này ở trên cạn rất đơn giản, chỉ cần hiểu rõ và kiên trì tập luyện thì ta có thể áp dụng trong những trường hợp nguy hiểm. Vì theo nguyên tắc là khi rơi xuống nước, ta có thể bị sặc, và khí quản có thể bị co thắt khiến ta không thở được, thì việc BTC giúp cho ta giữ được khí quản, không bị sặc nước, và sau đó ta tìm cách nhô lên để thở.

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn lưu ý, người không biết bơi thường hoạt động bản năng, khi rơi xuống nước thường bị cuống, và khi hoảng loạn như thế thì mạch đập nhanh, thở gấp, cần ôxy để cho cơ bắp hoạt động, do đó việc hít thở nhiều làm ta nhanh sặc nước. Thêm nữa, việc quạt đập hoảng loạn cũng làm cho người nhanh mệt. Cho nên khi người không biết bơi chẳng may rơi xuống nước, vẫn có thể thoát chết nhờ 4 bước trong kỹ thuật “BTC”. Cụ thể, bước 1: Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên. Bước 2: Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước  trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu. Bước 3: Lợi dụng lực đẩy của nước (theo định luật Acsimet), dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn. Bước 4: Khi chuyển động lên xuống, tới trước, cần nhớ trên mặt nước nên há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi hoặc miệng.

Mùa hè năm nay, bắt đầu từ thứ hai (13-6-2016), E-Bơi sử dụng chức năng Live View của facebook để cung cấp kiến thức về phòng chống đuối nước (PCĐN) và dạy bơi nhằm giúp phụ huynh có thể cùng con tập tốt các kỹ năng bơi lội cơ bản trên cạn ngay tại nhà, tránh được những bỡ ngỡ trước khi xuống bể bơi, với lịch cụ thể như sau:

– Thứ hai – SERIA A: Kiến thức phổ thông về PCĐN và bơi lội cho trẻ tiểu học và người lớn (vào lúc 21 giờ).

– Thứ tư – SERIA B: Hướng dẫn phụ huynh tự dạy trẻ sơ sinh (3-18 tháng tuổi) học bơi (vào lúc 21 giờ).

– Thứ sáu – SERIA C: Hướng dẫn phụ huynh tự dạy trẻ tuổi mẫu giáo (19 tháng tuổi – 5 tuổi) tập bơi (vào lúc 21 giờ). 

Ông Tuấn cho biết, bằng phương pháp này, người không biết bơi có thể ở dưới nước trong khoảng thời gian khá dài để chờ người đến cứu hoặc để nước đẩy vào chỗ nông hơn. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý khi áp dụng phương pháp BTC, cần luôn giữ thân người trong tư thế thẳng đứng. Vì khi ta giữ người thẳng đứng thì lực đẩy của nước rất mạnh, và như vậy ta chỉ cần quạt tay nhẹ là có thể nhô lên. Hơn nữa trong nước, trọng lượng của chúng ta sẽ nhẹ đi, nếu nước ngập đến cổ thì trọng lượng cơ thể chỉ còn 50%. Đặc biệt trong mỗi lần nhô đầu lên khỏi mặt nước cần chủ động kêu cứu.

Dạy trẻ tập bơi, không nên bỏ qua “thời gian vàng”

Bên cạnh phương pháp dự phòng BTC, tiến sĩ Phạm Anh Tuấn cho rằng việc dạy bơi cho trẻ từ khi còn nhỏ cũng là điều quan trọng và cần thiết. Ông đề cập đến một thực tế là ở nước ta rất hiếm phụ huynh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tập bơi. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, có thể do cha mẹ lo không an toàn cho con, sợ con bị nhiễm bệnh, lo nước không sạch, hoặc chính bản thân cha mẹ không biết bơi, sợ nước… Nhưng thực tế lại khác, vì trẻ vốn đã quen với trạng thái bồng bềnh trong “môi trường nước” khi còn trong bụng mẹ. Hơn nữa, theo bản năng tự nhiên của cơ thể là có thể tự đóng mở khí quản khi đầu bị chìm vào nước, nên trẻ có thể bơi mở miệng dưới nước mà cũng không bị sặc. Ở trẻ sơ sinh, tính ưa nước và phản xạ bơi lội tồn tại và tiềm ẩn tới 18 tháng tuổi, do đó nếu không được kích hoạt trở lại trong thời gian này, bản năng ấy sẽ hoàn toàn mất đi. Chưa kể việc kiêng cữ thái quá của người lớn đã làm cho trẻ từ ưa nước trở thành sợ nước.

Do đó, để tốt hơn cho trẻ, tiến sĩ Phạm Anh Tuấn khuyến khích phụ huynh nên cho con học bơi trong khoảng “thời gian vàng” (dưới 18 tháng tuổi). Vì bơi lội không chỉ trang bị những kỹ năng cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình, mà còn giúp con phát triển về thể lực và phòng chống một số bệnh tật như vẹo cột sống, gầy còm, kém ăn, mất ngủ, một số bệnh về tim mạch, bệnh do thiếu vận động…

Bích Vân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)