Có thể nói, các biện pháp phòng tránh chập điện là việc rất quan trọng nhằm tránh rủi ro ở mức thấp nhất.
Nhựa cách điện bị lão hóa là những nơi dễ phát lửa khi dòng điện bị quá tải |
Sau hàng loạt vụ cháy nhà gây thương vong nghiêm trọng như vụ hỏa hoạn làm tử vong 4 người ở Đồng Nai (27-6), vụ ở Cà Mau làm 6 người chết vào ngày 31-7, và gần đây nhất là vụ cháy làm 3 người chết ở một cửa hàng dịch vụ cho thuê đồ cưới ở đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM vào ngày 4-10. Nguyên nhân các vụ cháy được xác định là do chập điện.
Theo chiến sĩ Ngô Hữu Tài, Phòng Cảnh sát PCCC quận 4, TP.HCM, các vụ cháy, nổ có nguyên nhân do điện ngày càng gia tăng. Sự nguy hiểm cháy, nổ trong gia đình cũng thường là do sử dụng các dụng cụ thiết bị điện. Phân tích nguyên nhân các vụ cháy xảy ra khi sử dụng các thiết bị điện thấy rằng mạng điện tiêu thụ gây cháy, nổ gồm có ba dạng chính: nguồn điện, dây dẫn, thiết bị tiêu thụ điện mà trực tiếp phát nhiệt là những thiết bị tiêu thụ như bếp điện, lò nung, tủ sấy… Bên cạnh việc bất cẩn trong sử dụng điện còn một yếu tố không kém phần quan trọng dẫn đến cháy, nổ là do sự thiếu hiểu biết của người dân trong việc đấu nối tùy tiện miễn sao cho đèn sáng, máy chạy. Tại các khu dân cư hiện nay, các hệ thống mạng điện câu mắc chằng chịt được câu nối từ nhà này sang nhà khác lâu ngày, do tác động của tự nhiên sẽ bị lão hóa dẫn đến bong tróc các lớp bảo vệ cách điện và việc lấn chiếm hành lang an toàn điện là những nguyên nhân trực tiếp phát sinh cháy, nổ và cũng là nguyên nhân cháy tại các trụ điện trong thời gian qua.
Nhằm ngăn ngừa các hiện tượng cháy, nổ do điện gây ra trong sinh hoạt gia đình cũng như nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, chiến sĩ Tài đưa ra các biện pháp cần lưu ý như sau:
1.Khi lắp đặt mạng, hệ thống điện phải tính toán, thiết kế đúng tiêu chuẩn, không câu mắc thêm các thiết bị điện khi chưa được tính toán phù hợp.
2.Khi sử dụng điện an toàn, phải lắp đặt cầu dao điện tổng aptomat tự động ngắt điện khi quá tải cho đường dây điện chính trong nhà và cho từng đường dây điện phụ như từng khu vực, từng hạng mục, từng gian phòng và từng thiết bị điện, đặc biệt là dòng điện có công suất lớn. Phải đặt cầu chì trước từng ổ cắm điện, dây chảy của cầu chì phải là dây chì và phù hợp với công suất sử dụng, đảm bảo khi có chạm, chập điện thì dây chảy phải nổ, cắt ngay nguồn điện tránh trường hợp quá tải. Không dùng giấy bạc hoặc dây kim loại khác không phù hợp để thay thế dây chảy cầu chì, cầu dao, aptomat bị hỏng. Trang bị ổn áp để tránh hiện tượng gây cháy nổ do quá dòng, quá áp.
3. Tiết diện dây dẫn phải được chọn sao cho có đủ khả năng tải dòng điện đến các thiết bị, dụng cụ điện mà nó cung cấp. Các dây điện nối vào phích cắm, đui đèn, máy móc phải chắc và gọn, điểm nối vào mạch rẽ ở hai đầu dây nóng và nguội không được trùng lên nhau. Các điểm nối dây phải đúng kỹ thuật, khi thấy nơi quấn băng dính bị khô và cháy sáng thì phải kiểm tra ngay và nối chặt lại điểm nối. Không được co, kéo dây điện hay treo các vật nặng lên dây. Đường dây dẫn điện, các cầu chì, cầu dao không để bị rỉ, nếu bị rỉ sẽ tiếp xúc kém phát nhiệt lớn tạo thành tia lửa điện gặp chất cháy xung quanh gây nên cháy, nổ. Những nơi cách điện bị chập, nhựa cách điện bị biến màu (lão hóa) là những nơi dễ phát lửa khi dòng điện bị quá tải, cần được thay thế dây mới.
4. Không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các dụng cụ điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải gây cháy nổ. Không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm. Nếu dây dẫn tiếp xúc với kim loại sẽ bị ăn mòn, vì vậy không được dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện. Không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện, để hở các mối nối dây điện.
5. Những thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà… quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để có kế hoạch đại tu hoặc thay thế. Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải đóng ngắt các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện. Đặt các thiết bị tiêu thụ điện (bàn là, lò sưởi điện, bếp điện…) trên nền làm bằng vật liệu không cháy và đúng nơi quy định. Phải thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh cho các thiết bị, dụng cụ điện.
6. Lắp đặt các bóng điện chiếu sáng phải gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn và không dùng vật liệu dễ cháy như giấy, vải, nilon… để bao che bóng điện. Không đặt các chất dễ cháy (gas, xăng, dầu, giấy…) gần các thiết bị, dụng cụ điện như đèn, bàn là, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện, chấn lưu đèn huỳnh quang… Không lắp đặt ổ cắm điện trong nhà vệ sinh, nhà tắm.
7. Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện (công tắc, ổ cắm, hộp đấu dây, mối nối trên đường dây…). Nếu có hiện tượng đánh lửa phải tách chúng ra khỏi nguồn điện và sửa chữa lại hoặc báo cho thợ điện đến sửa chữa. Khi nối dây phải nối so le và quấn băng keo cách điện.
8. Trước khi ra khỏi nhà phải đóng ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt… Đồng thời cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết.
Vũ Phương (ghi)
Bình luận (0)