Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cách nhận biết rau củ quả an toàn

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: I.T

Mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ trên 2.000 tấn rau xanh các loại. Lượng rau xanh cung cấp tại chỗ chiếm gần 20%, số còn lại nhập về từ các tỉnh Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An… Hầu hết các mặt hàng rau – củ – quả (RCQ) đều có tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Vậy làm sao để chọn được RCQ an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng (NTD)…
Để lựa chọn được RCQ an toàn, NTD cần: chọn những RCQ có nguồn gốc từ các đơn vị sản xuất theo qui trình rau an toàn; chọn những sản phẩm được đóng gói, dán nhãn với các thông số kỹ thuật kèm theo. Những sản phẩm này thường được bán ở các siêu thị. Hạn chế chọn những sản phẩm RCQ nhập khẩu vì có nhiều nguy cơ nhiễm chất bảo quản.
Bên cạnh đó phải chọn RCQ theo mùa vụ trong năm. Mỗi loại RCQ thường có 2 vụ – vụ thuận và trái vụ, NTD nên chọn RCQ vào vụ thuận. Bởi thời điểm này cây trồng phát triển bình thường ít bị sâu bệnh, dẫn đến số lần sử dụng thuốc BVTV ít. Mặt khác, do là vụ chính nên sản lượng lớn, giá thành hạ không bị thị trường hút giá nên người trồng ít sử dụng thuốc kích thích.
Ngoài ra, NTD cũng nên dựa vào hình thức bên ngoài của RCQ.
Đối với rau ăn lá: Không nên chọn những bó rau có màu xanh quá đậm, quá mướt, lá bóng mà nên chọn màu xanh nhạt, cây rau có vẻ  hơi “khằn” một chút. Không nên mua những bó rau có ngọn vươn ra quá dài. Vì những bó rau này dùng thuốc kích thích sinh trưởng quá liều và không đảm bảo thời gian cách ly, nếu mua về không dùng ngay, ngày hôm sau ngọn rau sẽ vươn ra thêm một đoạn từ 5 – 10 cm; rau cải (cải xanh, cải trắng, cải thảo): khi mua nên bẻ ngang phần gốc nếu thấy có nước từ thân tiết ra, cho thấy rau này dùng đạm quá nhiều không đảm bảo thời gian cách ly, hàm lượng Nitrat trong rau rất cao. Nếu để quá 12 giờ thì dễ bị úng nâu đen, không nên mua; rau muống: không nên mua những bó rau cọng rau to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen, nhìn từ xa mặt trên của lá rau rất bóng và mướt vì rau này dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón lá. Khi luộc rau, nước luộc khi nóng có màu xanh nhạt, khi nguội nước biến thành màu xanh đen và có vẩn kết tủa đen. Những loại rau này khi ăn xong, nếu tinh ý ta nhận thấy có vị chát; rau bí (ngọn và lá của cây bí ngô): không nên mua bó rau ngọn dài và non, khoảng cách giữa các lóng xa nhau (ngọn vươn dài), tay cuống mập và ngắn, ít lông tơ, ngọn bí màu xanh nhạt, lá màu xanh đen… Đây là những loại rau bí bón thừa đạm, phun nhiều phân bón lá và chưa đủ thời gian cách ly; rau cần: khi thấy thân rau to, ngó rau trắng ngần, rau nhanh bị héo, nếu để đến ngày hôm sau thì rau héo úa, thân khô tóp lại nhăn nheo, khi xào nấu lá rau biến màu xanh đen… là loại rau phun quá nhiều phân bón qua lá và có khả năng còn dư lượng thuốc BVTV.
RCQ an toàn được đánh giá trên 4 tiêu chí: dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn; lượng Nitrat dưới mức cho phép; không chứa kim loại và các vi sinh vật có hại đối với sức khỏe con người. Vì vậy, NTD hãy tạo cho mình thói quen chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng…
Đối với rau ăn củ và quả: tốt nhất nên chọn những trái cây được bao bằng ni lông trong quá trình chăm sóc vì phương pháp này tránh sự phá hoại của côn trùng nên ít hoặc không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Không nên chọn những củ, quả quá lớn, mà chọn những loại có kích thước vừa phải hoặc hơi nhỏ; không chọn những trái da căng và có vết nứt dọc theo thân, những trái da xanh bóng. Các loại quả đậu (gồm đậu đũa, đậu cô ve, đậu Hà Lan, đậu ván…): không nên mua những quả khi nhìn quả bóng nhẫy, ít lông tơ là do người trồng đậu đã bón nhiều đạm hoặc phun quá nhiều phân bón lá. Nếu quả đậu không có vết sâu bệnh là do người trồng đã phun quá nhiều thuốc trừ sâu bệnh và không đảm bảo thời gian cách ly.
ThS. Lê Quang Lộc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)