Người tiêu dùng hiện nay vô cùng hoang mang khi có nhiều cảnh báo về tương ớt bẩn, chứa chất gây ung thư. Làm thế nào để phân biệt tương ớt ngon và tương ớt bẩn bây giờ?
Tác hại của tương ớt bẩn
Hiện nay, các loại tương ớt đựng vào can nhựa lớn, giá rẻ, bên ngoài không hề có tem nhãn đang được bày bán tràn lan trên thị trường. Hầu hết các sản phẩm này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo chất lượng.
Thành phần của những loại tương ớt giá rẻ này bao gồm bột màu nghệ, bột màu đỏ, phẩm màu, chất tạo cay và tạo độ sệt. Theo các xét nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy, trong thành phần loại tương ớt này có sử dụng chất Rhodamine B – một thành phần của phẩm màu công nghiệp là chất cấm sử dụng trong thực phẩm có thể gây ung thư, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người ăn.
Tương ớt làm tự nhiên sẽ có màu sậm.
Việc ăn phải Rhodamine B lâu dài trong các loại tương ớt kém chất lượng có thể gây dị ứng, mẩn ngứa, khó thở, đau ngực, có hại cho gan và thận, tích tụ dần trong cơ thể có thể gây ung thư. Đối với các loại nước mắm bẩn, nếu người tiêu dùng ăn phải các chất bảo quản, chất tạo ngọt là đường hóa học cyclamte, sac-charin… lâu dài có thể gây ra ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền.
Cách chọn mua tương ớt sạch, nhận biết tương ớt bẩn
Đối với tương ớt, theo tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm cho rằng, rất khó nhận biết tương ớt nhuộm phẩm màu có chứa chất gây ung thư vì các độc chất trên không mùi, không vị. Cách duy nhất là nhận biết qua màu của sản phẩm.
Tương ớt làm tự nhiên sẽ có màu sậm, mùi vị thơm ngon chứ không có màu sặc sỡ, tươi rói như được pha hóa chất. Những thực phẩm có sử dụng chất phẩm màu Rhodamine B thường có màu đỏ sẫm sặc sỡ, màu đẹp đều, không bị phai màu trong nước.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên lựa chọn các loại thực phẩm có bao bì, nhãn mác rõ ràng, có ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng và đặc biệt cần chú ý thực phẩm đó có thông tin về phụ gia thực phẩm. Không nên lựa chọn các loại thực phẩm có màu sắc quá sặc sỡ, độ bóng bất thường.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)