Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cách ôn luyện môn ngữ văn

Tạp Chí Giáo Dục

Đề thi minh họa môn ngữ văn là định hướng cho giáo viên ôn luyện. Điểm nổi bật là cấu trúc nội dung tinh gọn phù hợp thời lượng làm bài 120 phút. Chúng tôi xin trao đổi một số giải pháp ôn luyện đối với phần đọc hiểu, viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ và bài làm văn nghị luận văn học.

Các em học sinh cần rèn luyện thói quen đọc kỹ văn bản, suy nghĩ kỹ trước yêu cầu của câu hỏi để trả lời ngắn gọn, chính xác (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi 

Luyện làm bài tập đọc hiểu

Có thể nói 3 điểm cho phần này học sinh nào cũng có thể đạt được. Muốn vậy giáo viên phải cho các em ôn luyện nắm vững bản chất các phương thức biểu đạt, có thói quen tìm hiểu nội dung văn bản, suy nghĩ kỹ trước các câu hỏi thông hiểu, vận dụng thành thạo phương thức nghị luận để viết đoạn văn khoảng 200 chữ. Trước hết, giáo viên cần có một quỹ đoạn văn đọc hiểu (mỗi đoạn khoảng 200 chữ) với một số yêu cầu: Nội dung có tính tư tưởng, gần gũi đời sống tâm lý học sinh, hình thức diễn đạt có giá trị thẩm mỹ. Đáp ứng được 3-4 khía cạnh yêu cầu học sinh thông hiểu. Gợi được ý nghĩa nội dung cho học sinh viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ. Để có kỹ năng đọc hiểu thuần thục, các em cần được giáo viên hệ thống hóa, nắm vững đặc điểm các phương thức biểu đạt thuộc chương trình sách giáo khoa ngữ văn lớp 12. Các phong cách ngôn ngữ khoa học, văn học, hành chính. Luật thơ. Tu từ về ngữ âm (nhịp điệu và âm hưởng câu văn, đoạn văn; điệp vần, điệp thanh). Tu từ về cú pháp (lặp, liệt kê, chêm xen). Kết hợp các phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận.

Cần rèn cho học sinh thói quen đọc kỹ văn bản, suy nghĩ kỹ trước yêu cầu của câu hỏi để trả lời đúng yêu cầu đó một cách trực tiếp, ngắn gọn, chính xác, đầy đủ về phương thức biểu đạt, hiệu quả nghệ thuật của phương thức biểu đạt đó, thông hiểu các khía cạnh nội dung, ý nghĩa của văn bản. Phần trả lời câu hỏi nên thực hiện trong khoảng 40 phút.

Rèn luyện kỹ năng viết đoạn văn nghị luận 200 chữ

Giáo viên cho học sinh nhận thức lại và sâu hơn kỹ năng viết đoạn văn nghị luận theo các tiểu đoạn trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Từ đó hình thành cấu trúc khung đoạn văn nghị luận: Mở đầu đoạn văn: Nêu vấn đề (trực tiếp, ngắn gọn). Triển khai nội dung đoạn văn: Chứng minh/ giải thích/ bàn luận vấn đề (ngắn gọn, tránh xa đề, lạc đề). Kết thúc đoạn văn ngắn gọn. Dùng khung cấu trúc đoạn văn nghị luận này, học sinh luyện viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ trong thời gian 20 phút.

Ôn luyện bài làm văn nghị luận văn học

Một số yêu cầu trong đáp án đề thi THPT quốc gia các năm 2015 và 2016: Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (có đủ mở bài, thân bài, kết bài). Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng (giới thiệu tác giả, tác phẩm, nêu nội dung nghị luận, phân tích, bình luận, đánh giá…). Sáng tạo: có cách diễn đạt mới mẻ thể hiện suy nghĩ sâu sắc vấn đề nghị luận. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. Thực trạng bài làm văn của số đông học sinh hiện nay chưa tiếp cận được các yêu cầu trên về nội dung kiến thức và phương pháp làm bài.

Một số đề nghị giải pháp

Học sinh được ôn luyện để có vốn kiến thức chắc chắn về văn bản văn học thuộc chương trình sách giáo khoa hiện hành trong giới hạn ra đề thi (phần các tác phẩm thuộc giai đoạn 1930-1945 lớp 11, trọn lớp 12). Về truyện ký: Nắm chắc nội dung, cốt truyện. Nhớ nhân vật chính (cuộc đời, số phận, tâm lý, tính cách…). Cảm nhận được hình tượng nghệ thuật đi suốt tác phẩm: dòng sông Hương (Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường); Rừng xà nu (Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành). Nắm được nét đặc sắc về phong cách nhà văn, hình thức nghệ thuật tác phẩm. Về thơ ca: Thuộc lòng các bài thơ. Nắm vững thể thơ, giọng điệu bài thơ. Cảm nhận được hình tượng xuyên suốt bài thơ: Tràng giang (Tràng giang – Huy Cận), thôn Vĩ Dạ (Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử), người lính Tây Tiến (Tây Tiến – Quang Dũng), Việt Bắc (Việt Bắc – Tố Hữu), Sóng (Sóng – Xuân Quỳnh), Tiếng đàn (Đàn ghita của Lor-ca – Thanh Thảo). Cảm nhận được hình tượng tác giả/ nhân vật trữ tình trong một số bài thơ: Vội vàng (Xuân Diệu), Tràng giang (Huy Cận), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử),  Sóng (Xuân Quỳnh).

Giáo viên rèn luyện kỹ năng làm bài, cho học sinh làm bài theo đề thi làm văn THPT quốc gia các năm 2015 và 2016. Học sinh được thầy cô chấm sửa theo đáp án, thang điểm của đề thi. Học sinh làm các đề tương đương đề thi minh họa theo cách ra đề theo hướng đề mở trong thời gian 60 phút và được thầy cô chấm sửa…

Hùng Phi Chường
(Trường THCS-THPT Đức Trí, TP.HCM)

 

Bình luận (0)