Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cách phòng, chống lây nhiễm vi-rút H1N1

Tạp Chí Giáo Dục

Dịch cúm lợn H1N1 đang xảy ra tại Mê-hi-cô và Mỹ, làm gần 100 người tử vong. Đây là một trong những loại bệnh cúm truyền nhiễm vi-rút, lây lan nhanh và có tầm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống con người. Những kiến thức sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về bệnh dịch cúm, cách nhận biết để từ đó tự phòng, chống bệnh cho gia đình, bản thân.
– Cúm lợn H1N1 là bệnh như thế nào và cơ chế lây bệnh sang người ra sao?
Cúm lợn là chứng bệnh hô hấp cấp truyền nhiễm do một số loại vi-rút cúm lợn thể A gây ra. Dịch cúm lợn xuất hiện quanh năm, nhưng thường tăng cao vào mùa thu và mùa đông. Con người thường bị lây nhiễm cúm lợn H1N1 do tiếp xúc với lợn mắc bệnh, nhưng cũng có một số trường hợp xảy ra ở người không hề tiếp xúc với lợn bệnh. Đã có trường hợp lây nhiễm từ người sang người, tuy nhiên chỉ trong điều kiện tiếp xúc gần và những nhóm người trong môi trường khép kín.
– Lợn và một số gia súc khác có thể mắc cúm gà và lây lan được sang người không?
Lợn có thể nhiễm nhiều loại vi-rút cúm của cả người, gia cầm và có thể phát tán thành bệnh dịch. Trong lịch sử, khi xảy ra đại dịch cúm A/H1N1 vào năm 1918-1919 ở người, người ta phát hiện rằng trước đó kháng nguyên của chủng vi-rút cúm này đã gây dịch ở lợn và được gọi là chủng vi-rút cúm A(HswN1). Tại châu Âu, đã có nghiên cứu phát hiện thấy ở ngựa có mang vi-rút cúm, nhưng chưa thấy có ghi nhận nào về vi-rút cúm ở ngựa hoặc ở các súc vật khác như trâu, bò, chó, mèo, dê… gây bệnh cho người.
Cần phải rất cảnh giác trước việc vi-rút cúm gà hiện nay có thể lây sang đàn lợn, rồi từ đó lại có khả năng lây tiếp sang người, hoặc các vi-rút cúm có thể lai tạo gen trong cơ thể lợn, tạo ra phân týp vi-rút cúm A mới tiếp tục gây dịch cho người (nếu xảy ra thì dịch sẽ rất lớn và nguy hiểm). Tuy nhiên, cho đến nay, chưa thấy dấu hiệu của việc nhiễm vi-rút cúm gà trên đàn lợn ở nước ta.
– Những triệu chứng lâm sàng chính của bệnh cúm A nói chung và của bệnh cúm lợn H1N1, cúm  A/H5N1 trên người như thế nào?
Bệnh cúm A do các týp vi-rút lưu hành thường xuyên ở nước ta (H3N2, H1N1) có diễn biến cấp tính và có các biểu hiện như sốt cao (trên 38,5oC) kéo dài, có thể rét run, ho, đau tức ngực, nhức đầu, đau mình, kèm theo biểu hiện viêm long đường hô hấp như chảy nước mũi, hắt hơi, rối loạn tiêu hóa, ăn ngủ kém. Với bệnh nhân mắc cúm gà do vi-rút cúm A/H5N1, ngoài các biểu hiện cơ bản giống như bệnh cúm A điển hình thì bệnh có diễn biến rất nhanh với bệnh cảnh viêm phổi nặng: ho khan, đau ngực, khó thở, tím tái… Khi chụp x-quang, phổi bệnh nhân có hình ảnh viêm phổi kẽ không điển hình với đám mờ, lan tỏa nhanh. Bệnh tiến triển dẫn đến suy hô hấp, sốc nhiễm trùng và có thể có suy đa phủ tạng kèm theo rối loạn ý thức, dẫn tới tử vong. 
Với bệnh cúm lợn H1N1, các triệu chứng xuất hiện tương tự triệu chứng của bệnh cúm thông thường: sốt cao, sau đó là ho, đau họng, chảy nước mũi, đôi khi người bệnh cảm thấy khó thở sau vài ngày mắc bệnh. Hiện nay, chưa có vắc-xin ngừa loại vi-rút cúm này. Theo khuyến cáo của WHO, vắc-xin ngừa cúm theo mùa hiện nay không có tác dụng với vi-rút cúm lợn. Tại Việt Nam, chỉ có thuốc Tamiflu còn mẫn cảm với vi-rút H1N1.
– Thời gian ủ bệnh của bệnh cúm A là bao lâu và khi bị nghi ngờ mắc bệnh thì phải làm gì?
Thời gian ủ bệnh của cúm A với các chủng vi-rút A/H1N1, A/H2N2, A/H3N2 lây truyền từ người sang người diễn ra từ 1 đến 3 ngày. Đối với bệnh cúm gà do vi-rút A/H5N1 thì thời gian ủ bệnh có thể kéo dài hơn. Tổ chức Y tế thế giới đề nghị cần theo dõi người tiếp xúc với gia cầm ốm hoặc chết trong vòng 7 ngày trước khi loại trừ ca bệnh.
Các chuyên gia y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ khuyến cáo: Trước mắt, cách phòng bệnh cúm lợn H1N1 hiện nay có thể thực hiện tương tự như phòng bệnh SARS (căn bệnh lây lan qua đường hô hấp xuất hiện tại khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam vào năm 2003). Người dân cần đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; giữ vệ sinh răng miệng, mũi, họng, mắt và bàn tay; ăn chín uống sôi, đủ chất, giàu vitamin, nhất là vitamin C; trong trường hợp người có sốt, viêm phổi, ho không rõ nguyên nhân thì cần được cách ly và đến ngay các phòng khám đa khoa (nếu là người lớn) hoặc phòng khám nhi (nếu là trẻ em dưới 15 tuổi) ở các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh để được khám bệnh, tư vấn kịp thời.
Đức Trung
(Nguồn Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương)
Theo HNM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)